Năm 2013, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khá tốt nhưng khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không phát sinh thuế...
Từ năm 2012 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Phát triển Đoàn Minh Công chỉ duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng
Mặc dù thu ngân sách cả năm 2013 vượt khoảng 2% kế hoạch, nhưng một trong những khoản thu quan trọng nhất là thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh (NQD) lại không hoàn thành chỉ tiêu.
Hụt thu khoảng 110 tỷ đồngHằng năm, thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ NQD luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Năm 2013, ngành thuế được giao thu 1.100 tỷ đồng từ khu vực NQD, chiếm tới 22% tổng thu nội địa (4.988 tỷ đồng) theo dự toán Trung ương giao. Kết quả cả năm, tổng thu nội địa trên địa bàn ước đạt 5.200 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch, tăng 13,1% so với thực hiện năm 2012. Hầu hết các khoản thu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó một số khoản thu tăng cao như: thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước Trung ương vượt 42% dự toán, tăng 53%; thu từ khu vực DN nhà nước địa phương ước vượt 18% dự toán, tăng 17%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vượt 10% dự toán, tăng 47% so với năm 2012... Tuy nhiên, khu vực kinh tế NQD lại chỉ đạt khoảng 90%, hụt thu khoảng 110 tỷ đồng so với kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Đức Khoáng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, bên cạnh việc giao chỉ tiêu quá cao so với thực tế, thì việc các DN chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, suy thoái là nguyên nhân quan trọng nhất khiến khoản thu này không đạt kế hoạch. Ông Phùng Văn Đường, Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phát triển Đoàn Minh Công (DmC) cho biết, suốt 2 năm qua, DmC gần như rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Sản phẩm gạch không nung vốn dĩ đã rất khó tiêu thụ do tâm lý e ngại của người dân, lại thêm ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là chính sách thắt chặt đầu tư công càng khiến sản phẩm này khó tiêu thụ hơn. Năm 2013, công ty chỉ sản xuất và tiêu thụ được khoảng 6 triệu viên gạch các loại, bằng một nửa so với năm 2012. “May là chúng tôi còn có các sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo và cơ khí phụ trợ công nghiệp kéo lại, nếu không chắc chắn chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì sự tồn tại của công ty. Hiện tại, doanh thu của sản phẩm gạch không nung chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm còn lại”, ông Đường nói. Không đến mức phải “ngủ đông” như Công ty DmC, nhưng từ năm 2012 đến nay, Tập đoàn Việt Tiên Sơn ở thị xã Chí Linh chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, cố gắng bảo đảm việc làm và thu nhập cho công nhân. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái, lĩnh vực chính của tập đoàn là bất động sản gặp nhiều khó khăn do thị trường đóng băng kéo dài. Mảng dịch vụ ăn, nghỉ, quà tặng cho khách du lịch cũng gặp khó do lượng khách suy giảm, thi công, xây dựng gần như bất động do Chính phủ có chủ trương hạn chế đầu tư công... Vì vậy, doanh thu của tập đoàn năm 2013 chỉ đạt chưa đầy 100 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2012.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: số DN tuyên bố phá sản, giải thể ngày càng lớn. Theo số liệu của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, chỉ có 818 DN đăng ký kinh doanh mới, trong khi có tới 256 DN tuyên bố phá sản, giải thể. Ngoài ra, còn hàng nghìn DN buộc phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, chắc chắn không thể có doanh thu để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Ngoài ra, năm 2013, do thực hiện nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, nên hàng nghìn DN đã được gia hạn thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 1, 2, 3 năm 2013, thuế thu nhập doanh nghiệp quý I - 2013, giảm 50% tiền thuê đất... với tổng số tiền lên tới trên 100 tỷ đồng. Điều này cũng ảnh hưởng đến số thu của khu vực kinh tế NQD.
Tiếp tục khó khăn
Chủ một DN chuyên phân phối các sản phẩm phục vụ nhà bếp trên địa bàn TP Hải Dương chia sẻ: “Những DN “được” phá sản, giải thể còn may hơn nhiều DN sống cũng khổ mà “chết” không xong bởi tình trạng: tiếp tục sản xuất thì thua lỗ do không tiêu thụ được sản phẩm, nhưng nếu dừng sản xuất thì chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng máy móc, nguyên vật liệu, tiền lãi ngân hàng và tiền lương công nhân còn nặng hơn nhiều, nên nhiều DN chấp nhận lỗ, duy trì sản xuất cầm chừng để đợi sự thay đổi của thị trường”. Theo đánh giá của một cán bộ Cục Thuế tỉnh, năm 2014, thu từ khu vực NQD chắc chắn sẽ gặp khó khăn do khu vực này phần lớn là những DN nhỏ và vừa, vốn ít, tính cạnh tranh không cao. Nhiều DN vẫn đang cố gắng duy trì cầm chừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số DN khác thì đã tạm dừng hoạt động, nên việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước sẽ không thực hiện được.
Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt Tiên Sơn chia sẻ: “Các doanh nghiệp chưa nhìn thấy "ánh sáng" trong bối cảnh các chính sách kinh tế chưa thực sự phát huy tác dụng. Năm 2014 chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, nên trước mắt chúng tôi chưa có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ trương của tập đoàn là bảo đảm công việc và thu nhập ổn định cho 300 công nhân. Đợi diễn biến của nền kinh tế như thế nào rồi chúng tôi mới tính tiếp”. Theo đánh giá của các DN, mặc dù dự báo của các chuyên gia thì kinh tế Việt Nam đã thoát đáy khủng hoảng, nhưng thực tế diễn biến thị trường lại không thể hiện được điều này. Vì vậy, DN và người dân chưa lấy lại niềm tin để đưa tiền ra sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế đầu tư công cũng ảnh hưởng rất lớn đến các DN, đặc biệt là các DN xây dựng. Theo số liệu mới nhất, nợ công toàn tỉnh đã lên mức trên 2.000 tỷ đồng. Đây thực sự là con số lớn trong bối cảnh thu ngân sách không bền vững như hiện nay.
VỊ THỦY