Tại sao phải nắn đường?

07/04/2014 14:26

Liên quan đến vụ đường Trường Chinh bị nắn thẳng thành cong, thiếu tướng Mai Văn Cương đã tiết lộ nhiều thông tin bất ngờ.


Khiếu kiện dự án đường Trường Chinh mở rộng (Hà Nội): Tại sao phải nắn đường ?
Việc nắn cong đường Trường Chinh khiến hàng loạt công trình hạ tầng ngầm làm trước đây phải di chuyển - Ảnh: Hoàng Trang

Thiếu tướng Mai Văn Cương,nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) là người đã ký vào văn bản 193 ngày 13-4-2000 nêu ý kiến của Quân chủng PK-KQ về hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh mở rộng - đây cũng là một cơ sở Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng phương án quy hoạch tuyến đường hiện nay.

“Sức ép của cấp trên”

Theo ông Cương, đầu năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) và Quân chủng PK-KQ đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về quy hoạch mở rộng đường Trường Chinh. Thời điểm này, lòng đường Trường Chinh đang có chiều rộng khoảng 10 m, theo phương án của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng đường sẽ mở rộng về hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5 m.

Theo ông Cương, việc điều chỉnh đường Trường Chinh thời điểm đó đã được làm đi làm lại nhiều lần theo yêu cầu của cấp trên, cũng là người có nhà trong khu vực nêu trên.

Từ quy hoạch ban đầu lấy từ tim đường vào 27,5 m, thiếu tướng Mai Văn Cương đã ký văn bản đề nghị Văn phòng Kiến trúc sư trưởng  lấy từ mép đường vào 7 m. Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng có văn bản số 762 do Thứ trưởng, trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên ký xin lui thêm 1 m, tức chỉ lấy từ mép đường vào phía bắc 6 m, từ cơ sở các văn bản này, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ năm 2008 theo hình chiếc “ghi đông xe đạp”.


Sai phương án đã thống nhất với Bộ Quốc phòng

Trong các phát ngôn với báo chí liên quan đến dự án, lãnh đạo các sở, ban ngành Hà Nội cho biết, việc nắn cong đường Trường Chinh là thực hiện theo ý kiến của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, theo thiếu tướng Mai Văn Cương, nếu theo phương án lấy từ mép đường vào 7 m hoặc 6 m như ý kiến của Quân chủng PK-KQ và Bộ Quốc phòng thì đường Trường Chinh vẫn là một đường thẳng. Tuy nhiên trên thực tế, con đường hiện nay cong vẹo vọ, đặc biệt khi đến ngõ 150 thì đường Trường Chinh đã ăn sâu vào phía bắc từ 5-15 m. “Thú thật là tôi cũng không hiểu người ta nắn cong nhiều đoạn như thế này vì mục đích gì?”, ông Cương nói.


“Tôi nói thật, khi thực hiện ký văn bản 193 xin thu hẹp vào 7 m, cấp trên ép thì tôi là cấp dưới phải thực hiện theo. Thời điểm đó, chúng tôi đã thuê một doanh nghiệp vẽ lại bản thiết kế nhưng Hà Nội không chịu vì cho rằng công ty đó không đủ tư cách. Đến năm 2003 thì tôi nghỉ hưu, sau đó mới được biết người ta cắm lại mốc giới đường theo hướng nới rộng ra phía nam, thu hẹp khoảng cách phía bắc khiến đường bị uốn cong ra”, ông Cương nói. “Tôi nghe nói khi nắn đường, người ta nói do mạn phía bắc có nhiều công trình chiến đấu nên phải sửa như thế nhưng thực ra không hề có công trình nào cả”, ông Cương khẳng định.

“Với tư cách là một tướng lĩnh trong quân đội, khi nhìn lại tuyến đường Trường Chinh hiện nay và tiếp nhận nhiều phản ánh về việc người dân đang khiếu kiện tôi rất bức xúc và đề nghị phải làm rõ cơ sở nắn cong con đường này và phải làm rõ trách nhiệm những người liên quan”, thiếu tướng Cương kiến nghị.

Tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng là “ngụy biện”

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, là chủ đầu tư dự án, cho rằng với việc bẻ cong mở rộng về phía nam vào đất quốc phòng chỉ phải bồi thường tài sản trên đất bằng 20% chi phí mở rộng phía bắc, tức chỉ mất khoảng 26 tỉ đồng thay vì 130 tỉ đồng. Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, nguyên cán bộ Bộ Xây dựng, cũng là một người dân trong diện thu hồi đất thuộc dự án ở P.Khương Thượng, Q.Đống Đa cho biết đây là cách trả lời thiếu trách nhiệm và “ngụy biện”.

Cụ thể, các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Hà Nội trước đây đã thể hiện đường Trường Chinh là thẳng. Cụ thể hơn nữa là các nút giao thông quan trọng như ngã tư Sở, ngã tư Vọng đã thi công trước đó và đều mở rộng ra phía nam, việc Hà Nội cần làm là nối một đường thẳng vào các nút nhưng lại bẻ dích dắc thành hình “ghi đông xe đạp” và có điểm giao đâm thẳng vào… trụ cầu vượt ngã tư Vọng.

“Việc bẻ đường này tạo ra nhiều hệ lụy, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng mấy chục năm nay bị phá vỡ, thứ hai tăng đầu tư và đền bù. Quan chức Hà Nội nói như vậy là ngụy biện, không phải rẻ hơn mà đắt hơn rất nhiều”, ông Minh nói và cho biết trước đây, đường Trường Chinh đã xây dựng các công trình ngầm gồm 3 tuyến cấp nước thành phố, 2 tuyến điện hạ thế và trung thế, cáp quang thông tin liên lạc, thoát nước… phải phá dỡ. Chi phí cho việc tháo dỡ, lắp mới phải hết hàng trăm tỉ đồng.

“Chúng tôi thừa nhận lấy đất của quốc phòng thì chi phí thấp hơn của dân nhưng ở đây họ chỉ lấy ở một đoạn đường vài trăm mét mà thôi để tránh vài nhà, sau đó tiếp tục lấy đất vào phía bắc, tức ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân từ đó mới tạo ra đường cong. Cần phải rõ ràng không được lập lờ như thế”, ông Minh bức xúc.


Đường Trường Chinh mở rộng bị nắn cong nhìn từ trên cao - Ảnh: Hoàng Trang 

Các tài liệu thu thập cho thấy trên thực tế đầu năm 2014, UBND TP Hà Nội đã phải ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu thầu cho dự án với tổng giá trị 123 tỷ đồng, trong đó thi công di chuyển hệ thống thông tin hơn 57,7 tỷ đồng, hơn 50 tỷ đồng để thi công di chuyển đường điện, chuyển hệ thống cấp thoát nước hơn 10 tỉ đồng… “Rõ ràng những hạng mục này phải được phê duyệt ban đầu nhưng tại sao đến nay mới bổ sung, đây là những điểm vô lý”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, đường Vành đai 2 theo quy chuẩn đô thị loại 1 là đường cao tốc, trong chiều dài ngắn chỉ vài cây số đã dích dắc sẽ là “tai họa” cho người tham gia giao thông. Chưa kể tổn hại cho xã hội khi người dân phải đi ngoằn ngoèo mất thời gian, như vậy không đạt được mục tiêu về đầu tư trong các quyết định đầu tư dự án mà thành phố đặt ra.

THÁI SƠN - HOÀNG TRANG (Thanh niên)

(0) Bình luận
Tại sao phải nắn đường?