Thời điểm này, phần lớn các trang trại chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn.
Gà sau khi tái đàn được cho uống thêm thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng, chống chịu tốt với dịch bệnh
Chọn giống tốtTrước Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày, gia đình ông Mạc Văn Duẩn ở thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) đã xuất bán toàn bộ gà của trang trại với giá từ 42.000-44.000 đồng/kg. Vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh sạch sẽ, mùng 9 tháng giêng ông Duẩn lại nhập 7.000 con gà J-Dabaco siêu trứng với tổng trị giá 700 triệu đồng để phục vụ việc tái đàn chăn nuôi. Ông Duẩn cho biết: "Từ khi mở trang trại, tôi đều nhập giống của Công ty Japfa Comfeed Việt Nam. Hiện nay, công ty này được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về cung cấp thức ăn chăn nuôi và con giống. Gà mới nhập về trọng lượng khoảng 1,3 kg/con, giá bán 100.000 đồng/con. Trước khi nhập về đều đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên tôi rất yên tâm".
Khác với nhiều trang trại đang phải loay hoay tìm nguồn giống tốt thì trang trại lợn của bà Phạm Thị Mây ở thôn 19-5, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) lại luôn chủ động về khâu này. Đây là một trong những trang trại có quy mô chăn nuôi lớn nhất vùng. Trang trại của bà hiện có 160 con lợn nái ngoại, chất lượng tốt được nhập về từ các công ty uy tín. Trước khi tái đàn, lợn con được nuôi cách ly khoảng 1 tháng để làm quen với chế độ dinh dưỡng mới và phòng trừ dịch bệnh. Do chủ động được nguồn giống nên trang trại của gia đình bà luôn duy trì khoảng 800 con lợn thương phẩm. Ngoài ra, bà còn cung ứng giống cho một số trang trại chăn nuôi trong vùng.
Hiện nay, việc tái đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi, đặc biệt là về nguồn giống. Nếu như trước đây, các hộ chăn nuôi thường nhập giống trôi nổi trên thị trường thì nay đã có ý thức lựa chọn con giống có chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, trong tỉnh cũng có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống với số lượng lớn, bảo đảm chất lượng đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Các giống gà công nghiệp hướng thịt như Cob 500, Ross 308, gà chuyên trứng Isa-Brown và Ai Cập được nhập từ các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Các hộ chăn nuôi gà thả vườn chủ yếu lấy các giống lai nên bảo đảm chất lượng.
Chủ động phòng dịchTrước Tết, trang trại lợn của bà Phạm Thị Mây đã cung cấp ra thị trường gần 1 tấn thịt lợn hơi. Sau Tết, bà cho công nhân rắc vôi khử trùng và vệ sinh khu chuồng trại với diện tích hơn 2.000 m2 để nuôi khoảng 700 con lợn thịt. Do chủ động phòng bệnh nên trang trại của gia đình bà chưa xảy ra dịch bệnh lớn, đàn lợn luôn khỏe mạnh, phát triển nhanh. Hằng ngày, chuồng trại chăn nuôi được quét dọn sạch sẽ, các máng ăn uống đều được khử trùng 2 lần/tháng. Bà Mây cho biết: "Hiện nay, tại các trang trại chăn nuôi thì công tác phòng dịch bệnh vẫn được chú trọng hàng đầu. Hằng tháng, tôi đều chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn lợn. Đặc biệt, vào mùa này lợn dễ mắc các bệnh như thương hàn, tụ dấu, tả, long móng lở mồm... Mỗi lứa lợn, chỉ tính riêng tiền tiêm vắc xin đã hết hơn 100 triệu đồng". Mỗi năm trang trại của gia đình bà Mây thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đối với các hộ chăn nuôi gà đồi ở Chí Linh, việc tái đàn không diễn ra mạnh như những năm trước. Nguyên nhân do trước Tết, giá gà rẻ, sức tiêu thụ chậm nên sau Tết vẫn còn khoảng 30% số gà bị tồn đọng. Do đó, ngoài lựa chọn giống gà có chất lượng tốt thì việc phòng bệnh cho gà thương phẩm cũng được các hộ đặc biệt quan tâm. Theo ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Gà đồi Chí Linh, mặc dù gà đồi có sức đề kháng tốt hơn các giống gà khác nhưng do chăn thả trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp nên gà dễ mắc các bệnh như tả, ho gà... Các hộ chủ động phòng bệnh bằng cách trộn lẫn thuốc vào thức ăn cho gà ăn theo định kỳ hằng tuần. Đối với gia cầm chuẩn bị tái đàn, nuôi cách ly khoảng 2 tuần đầu để theo dõi, khi thấy khỏe mạnh mới nuôi cùng các đàn gia cầm khác.
Hiện nay, điều kiện thời tiết bất thường dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là một số dịch bệnh nguy hiểm như tả lợn, tụ dấu suyễn, tai xanh, long móng lở mồm, Newcastle, cúm gia cầm… Để phục vụ cho việc tái đàn, các địa phương và người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong phòng chống dịch bệnh. Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng định kỳ từ 2-3 lần/tuần. Khi nuôi lứa mới cần vệ sinh thường xuyên và tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng.
Theo anh Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y, sau Tết Nguyên đán thời tiết diễn biến bất thường nên người chăn nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh. Trong quá trình nhập con giống, các hộ chăn nuôi chỉ nên sử dụng con giống của các cơ sở uy tín, có kiểm soát của cơ quan thú y. Quá trình nuôi cần tiêm phòng đủ các loại bệnh nguy hiểm, thường xuyên theo dõi sức khỏe và sinh trưởng của vật nuôi, đáp ứng tốt nhu cầu về dinh dưỡng, giữ vệ sinh chuồng trại, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
TRẦN HIỀN