Tái cơ cấu kinh tế quá chậm

25/10/2013 06:15

Ngày 24-10, Quốc hội (QH) dành cả ngày làm việc thứ 4 để thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013-2014.


Sốt ruột trước tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa nền kinh tế quá ì ạch, nhiều đại biểu đề nghị cần phải thành lập một ủy ban tái cơ cấu chuyên trách xử lý rốt ráo hơn. Đặc biệt, cần một "bàn tay sắt" cắt lợi ích khi tái cơ cấu kinh tế.

Báo cáo kinh tế - xã hội còn "màu hồng"


Đề cập cụ thể đến báo cáo của Chính phủ về KT-XH trình QH tại phiên khai mạc, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH) cho rằng, đánh giá tình hình KT-XH của Chính phủ vẫn còn "màu hồng", lạc quan. Trong khi đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra quá chậm. “Chúng ta cứ nói tiết kiệm, chống lãng phí, chống đầu tư dàn trải, nhưng hành động đi kèm theo những khẩu hiệu như vậy thì còn rất thiếu vắng”, đại biểu Quyền nói.

Đại biểu Quyền cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất cho năm 2014 là thắt chặt chi tiêu trên mọi lĩnh vực, kể cả hành chính và đầu tư. Dự toán ngân sách năm 2014 vẫn tăng 29% so với năm 2013 là chưa quán triệt tinh thần thắt chặt này. “Chúng ta đã đến mức vay để đảo nợ, những con số dư nợ Chính phủ, dư nợ công, dư nợ quốc gia đang ở mức hết sức báo động. Tôi ngồi họp nghe về vấn đề chia miếng bánh ngân sách thì thấy hết sức lo ngại, rất bí về ngân sách”, ông Quyền nói.

Cần "bàn tay sắt"


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại khi kết quả kinh tế không mấy lạc quan, doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu dựa vào lao động rẻ tiền và gia công, tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng giờ nhìn vẫn chưa thấy khắc phục được gì. Việc cố gắng thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ đang khá luẩn quẩn, đại biểu Nghĩa băn khoăn, lo lắng: “Liệu Việt Nam có đủ sức vượt lên một đẳng cấp mới, mô hình tăng trưởng mới hay không hay cứ ở mức thấp mãi và kéo dài nhiều năm nữa”. Đại biểu Nghĩa đề nghị, cần lập một ủy ban quốc gia chuyên trách có sự tham gia của QH vào tái cơ cấu, có sự của tham gia các định chế tư vấn và chuyên gia độc lập. “Khi tái cơ cấu về khoáng sản, điện lực, làm sao tập đoàn họ tự tái cơ cấu được vì đụng đến lợi ích người lao động, tập đoàn, đơn vị con, nội bộ nể nang nhau, không thể để tự làm, phải có bàn tay sắt bên ngoài sắp xếp lại”, đại biểu Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, tái cơ cấu chậm, nguyên nhân có nhiều, trong đó đặc biệt việc nhận thức một số chủ trương, quan điểm còn khác nhau, ngập ngừng thiếu dứt khoát. “Chậm đổi mới về thể chế, chính sách, không làm rõ được vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước thì làm sao tái cơ cấu nhanh được”, đại biểu Lịch bày tỏ.

Định giá nợ xấu sao cho sát


Để xử lý tốt vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức tín dụng trong xử lý. Cần phải có cơ chế rõ ràng trong hoạt động định giá và đấu giá các khoản nợ xấu sao cho sát với giá thị trường, tránh thiệt hại cho ngân hàng hoặc doanh nghiệp. Cơ chế đấu giá các khoản nợ xấu hiện nay đã có nhưng định giá thế nào để khoản nợ có giá sát thị trường cần phải được bàn thảo cụ thể. Ngoài ra, cùng với việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Quốc hội, Chính phủ cần phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như giải phóng hàng tồn kho... Xử lý vấn đề nợ xấu nếu chỉ mình Ngân hàng sẽ rất khó làm.

HOÀNG THỊ NGOÃN (Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh)


Chú trọng đào tạo chuyên sâu


Hiện nay đã bộc lộ tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Vì vậy, việc đổi mới nền giáo dục, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động rất cấp bách. Trước hết, cần đổi mới về chất. Bởi theo tôi, chất lượng giáo dục, nhất là ở những trường nghề hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể là mấy năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu lực lượng lao động lành nghề. Người lao động còn yếu về giao tiếp, tính kỷ luật... Do đó phải chú trọng đến đào tạo chuyên sâu. Đối với các trường nghề, cần mở rộng đào tạo liên kết với các doanh nghiệp có quy mô lớn, để học viên được tiếp xúc với các loại máy móc hiện đại, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những kỹ thuật viên tay nghề cao, từ đó mới bắt kịp với xu thế tuyển dụng hiện tại, đồng thời giúp nhà trường giảm chi phí trong mua sắm trang thiết bị và đào tạo giáo viên.

PHẠM DŨNG (Chủ tịch Công đoàn Công ty
TNHH May Đồng Tâm, TP Hải Dương)


Ngày 25-10, buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014. Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.


TTXVN-TN-TT-TRUNG THU

(0) Bình luận
Tái cơ cấu kinh tế quá chậm