Tái chế tư duy

05/01/2022 15:58

Một công ty Trung Quốc vài năm trước sang Việt Nam đặt mua tất cả phụ phẩm của con cá tra mà nhà máy làm phi lê của ta vứt đi: đầu, da, vây, xương, mỡ và cả máu cá.

Họ sau đó chế ra "snack da cá phô mai", làm đồ hộp, bán trở lại Việt Nam và bán rất chạy.

Một công ty xuất khẩu cá tra lớn khác, tám năm trước đã chiết xuất collagen, gelatin từ da cá bằng công nghệ cao. Nhà máy của họ sau đó còn sản xuất dược, mỹ phẩm từ nguyên liệu là các chất được chiết xuất này, xuất đi nhiều nước.

Không chỉ cá tra, lặn lội ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm, tôi đã thấy các kiểu chế biến phụ phẩm của nhiều loại cây trái nhiệt đới phong phú khó ngờ. Từ cây dừa, cây chuối, cây sen, cây mít đến thứ cây tràn đồng là lúa. Tất cả đều có thể tạo giá trị mới từ trái chín lẫn trái non, đến lá, cành, thân, rơm rạ, củ, rễ, cả đọt non.

Từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, từ chế biến đơn giản đến giải pháp công nghệ như làm than sinh học, năng lượng tái tạo, biogaz... Khi phế phẩm trở thành đầu vào của một dòng sản phẩm mới, sự tuần hoàn được khởi động, mang lại giá trị kinh tế cao và tiết kiệm lớn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn Mekong Connect ở TP Hồ Chí Minh tháng 12 vừa qua, một nông dân đồng bằng nửa đùa nửa thiệt với tôi khi nghe thảo luận về kinh tế tuần hoàn. "Thôi chị ơi, mấy ông ‘chiên gia’ hay nói chữ chứ nông dân tụi tôi, thu hoạch xong, tiếc của và muốn trốn nghèo nên kiếm cách làm đại", ông nói, "thế là chế trọn bộ đủ món chứ có gì mà tuần với hoàn".

Phải vậy không? Tôi hẹn người nông dân về Sóc Trăng quê ảnh để nói tiếp câu chuyện. Rằng kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế của kinh tế toàn cầu chứ không chỉ là chuyện "tiếc của" ở đồng bằng mình.

Không giống với nền kinh tế tuyến tính truyền thống - nơi hàng hóa được sản xuất từ tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ, sau đó thải ra môi trường, kinh tế tuần hoàn là chu trình sản xuất khép kín. Trong đó, chất thải, nguyên vật liệu đã sử dụng được quay lại thành nguyên liệu cho sản xuất.

Sự khuyến khích tiêu dùng tối đa những năm qua ở nhiều nơi đã gặp thách thức: cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, phát thải các chất độc tàn hại môi trường. Vì thế, nhân loại đang chuyển đổi sang cách sống thuận thiên, xanh hơn, sạch hơn. Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm nguồn đầu vào, tái chế, sáng tạo sản phẩm từ chính phế phẩm để cứu lấy Trái đất, đồng thời không "ăn chặn" tài nguyên của cháu con.

Vậy mà tôi mới bị bất ngờ. Một doanh nhân người nước ngoài hỏi như thách đố tôi, rằng có biết quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13? Thì ra, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến câu chuyện này của Việt Nam chứ không phải đố cho vui. Mục 5, về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: "Phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".

Tôi nghe các nhà đầu tư và đại diện doanh nghiệp FDI trao đổi về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuyện làm ăn, họ còn "cá" với nhau xem chừng nào Việt Nam thực thi mô hình này. Trong câu chuyện, ví dụ "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" được đem ra phân tích.

Một người bảo, đã nói "tuần hoàn" mà sao mới đây, trong tài liệu đề xuất cho Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng vẫn coi các loại bao bì có giá trị thương mại như thùng carton, lon nhôm, chai thủy tinh, thùng nhựa... đều là phế phẩm, bắt buộc doanh nghiệp phải xử lý như với rác thải. Khi bị coi là phế phẩm, doanh nghiệp bị yêu cầu đóng phí xử lý rác thải với các sản phẩm trên, thậm chí không được tự tái chế. Tài liệu dự thảo hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường cũng yêu cầu doanh nghiệp chi trả thêm để cơ quan môi trường tái chế, bên cạnh việc doanh nghiệp đang đóng góp chung vào Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia. Trong khi thực tế, ở Việt Nam cũng như các nước, đó là nguồn nguyên vật liệu đầu vào của chu trình tái sản xuất, sáng tạo giá trị mới của kinh tế tuần hoàn.

Doanh nhân khác hỏi: "Kinh tế tuần hoàn trên văn kiện là thế, vì sao vào văn bản luật bị quy định ngược?". Tôi phì cười, nghĩ cách giải thích với các "ông Tây" rằng "muốn nhanh thì phải từ từ". Không ngờ câu nói đùa khiến tôi phải đón tiếp một thái độ khác. "Này, chuyện không nên đùa", "ông Tây" nói, "các bạn phải tự thấy là Việt Nam đã chậm hơn nhiều nước trong xây dựng ngành công nghiệp thu gom và tái chế bao bì, rác thải - là mảng hoạt động cốt yếu của kinh tế tuần hoàn".

Tôi nhận ra, nếu vẫn còn tư duy coi các loại bao bì, sản phẩm sau sản xuất vẫn còn giá trị thương mại như trên là phế phẩm thì rất oan cho doanh nghiệp. Việc không hợp lý này làm tăng giá thành sản phẩm và hậu quả lớn là cản trở mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Chưa kể, quan niệm như vậy đi ngược xu hướng tiến bộ của sự tuần hoàn thuận thiên, của nền kinh tế xanh, môi trường xanh, giảm phát thải, bảo vệ đa dạng sinh học.

Thụy Điển đã áp dụng chính sách tái chế trên toàn quốc. Phần lớn rác thải của quốc gia này đã được xử lý, chỉ chưa đến 1% rác từ các gia đình được chuyển đến bãi rác. Paris đề ra mục tiêu giảm 50% lượng rác thải trước 2025.

Chính phủ sao không cho phép doanh nghiệp được chọn nhiều hình thức tái chế khác nhau, miễn là đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan quản lý như các nước đã làm? Sự sáng tạo của doanh nghiệp sẽ kích thích một ngành công nghiệp non trẻ: Ngành tái chế cho Việt Nam.

Chuyển từ thói quen "vứt bỏ" sang "tái chế" đòi hỏi sự thay đổi của cả hệ thống mà tư duy chính sách của cơ quan chức năng và hành động của doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định.

Đã đến lúc Việt Nam thực thi nền kinh tế xanh để không bị kéo lùi phát triển, thể hiện quyết tâm biến ước vọng "giấc mơ xanh" thành hiện thực.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái chế tư duy