Những chuyến tác nghiệp trên mọi miền Tổ quốc của phóng viên Báo Hải Dương không chỉ cho ra đời những tác phẩm chất lượng, thu hút bạn đọc mà còn để lại trong chính họ những kỷ niệm khó phai.
Phóng viên Tiến Mạnh (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại huyện Chư Sê (Gia Lai) cuối năm 2018
Chủ động tác nghiệp
Thường xuyên đọc báo điện tử Hải Dương, anh Nguyễn Văn Thơi, phóng viên Báo Thái Bình nhận xét: "Báo Hải Dương có khá nhiều bài viết hay, ý nghĩa với đề tài được khai thác phong phú, đa dạng từ các tỉnh, thành phố trên mọi miền Tổ quốc. Điều đó cho thấy các phóng viên rất chịu khó tìm kiếm, khai thác các đề tài mới, lạ. Đây là điều đáng để tôi học tập".
Dù công tác ở một tờ báo Đảng địa phương nhưng phóng viên của Báo Hải Dương luôn chủ động tìm kiếm các đề tài từ tỉnh ngoài. Nhiều chuyến đi do Ban Biên tập cử nhưng cũng không ít lần do phóng viên chủ động đề xuất. Nhuận bút mỗi bài viết đôi khi không đủ trang trải cho một chuyến tác nghiệp nhưng điều đó không cản được sự say nghề của phóng viên.
Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019), nhà báo Vị Thủy đặt mục tiêu phải viết một bài báo để bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc chiến chính nghĩa ấy. Thông thường, phóng viên chỉ cần gặp những người từng tham gia cuộc chiến ở ngay trong tỉnh để lấy tư liệu viết bài. Nhưng anh Thủy muốn tới xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi diễn ra các trận đánh ác liệt. Anh cùng 1 đồng nghiệp khác đã vượt hàng trăm cây số lên Hà Giang. Phóng sự "Màu xanh trên vùng đất chết Vị Xuyên" đã được đăng tải trên báo Hải Dương cuối tuần và nhận được sự quan tâm của bạn đọc. "Bài viết mới thể hiện được một phần rất nhỏ sự khốc liệt của cuộc chiến, những hy sinh, gian khổ của quân và dân Vị Xuyên. Tôi vui vì có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc chiến này cũng như thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất ấy", anh Thủy chia sẻ.
Kể từ khi về Báo Hải Dương công tác, nhà báo Tiến Huy có một số chuyến đi công tác ở tỉnh ngoài. Song chuyến đi để lại trong anh nhiều ấn tượng hơn cả là lần theo đoàn xe của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng chở gạo lên với học sinh miền núi.
Buổi sáng hôm xuất phát lên Lai Châu, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng bố trí xe ô tô 7 chỗ đưa anh Huy đi. Nhưng anh từ chối và đề nghị được đi cùng xe trọng tải lớn chở gạo để cảm nhận rõ hơn về công việc, nỗi vất vả của những người làm công việc dự trữ. Chuyến đi kéo dài 20 giờ liên tục, vượt hơn 550 km đường chủ yếu là đèo dốc để lên nơi những cán bộ, giáo viên vẫn đang kiên trì bám bản... Đây là nguồn cảm hứng giúp anh Huy cho ra đời phóng sự "Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình". Bài viết được nhiều bạn đọc chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Nhiều phóng viên Báo Hải Dương khác cũng tích cực tìm đề tài bên ngoài địa bàn tỉnh để giúp cho bạn đọc được thay đổi "khẩu vị". Có người còn sang tận nước bạn Lào để thực hiện phóng sự "Thâm nhập thế giới gỗ lậu ở Lào"...
Những kỷ niệm đẹp
Hai năm liên tục 2017-2018, các phóng viên Tiến Mạnh và Đỗ Quyết (Phòng Văn hóa - Xã hội, Báo Hải Dương) đề xuất vào các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai để viết bài về người Hải Dương trên vùng kinh tế mới. Các bài viết: "Vua khoai lang trên đất Đắk Nông", "Người Hải Dương ở Đắk Búc So", "Người xứ Đông ở phố núi Pleiku"... là sản phẩm sau những chuyến đi Tây Nguyên của 2 phóng viên này.
Trong những lần tác nghiệp tại Tây Nguyên, Tiến Mạnh và Đỗ Quyết đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Báo Đắk Nông, Báo Gia Lai. Đỗ Quyết cho biết anh và các đồng nghiệp trong Tây Nguyên đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Tìm hiểu về công việc của họ, anh thấy khâm phục và tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn. "Từ TP Hải Dương đến nơi xa nhất của tỉnh cũng chỉ mấy chục km, nhưng các đồng nghiệp trong đó để đi cơ sở phải trải qua quãng đường từ 200-250 km bằng xe máy. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 2-3 ngày, thậm chí cả tuần là chuyện thường. Vất vả, thiệt thòi là thế nhưng họ luôn yêu nghề", phóng viên Đỗ Quyết nói.
Chuyến đi Lai Châu giúp nhà báo Tiến Huy nhận ra rằng nghề báo tuy vất vả nhưng so với những người làm công việc khác như nghề vận chuyển gạo lên biên giới thì chưa thấm vào đâu. Chuyến đi đó cũng giúp anh tới những địa danh nổi tiếng, nét văn hóa độc đáo vùng Tây Bắc. "Nếu không có chuyến đi Lai Châu tôi đã không được đặt chân đến động Pu Sam Cáp, cửa khẩu Ma Lù Thàng, không được biết những nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng Tây Bắc", nhà báo Tiến Huy nói.
BÌNH MINH