Người sáng tác quốc ca vẽ người sáng tác quốc kỳ đấy cũng là chuyện lạ độc đáo trong giới nghệ thuật.
Cha đẻ của quốc ca Việt Nam - bài hát Tiến quân ca là nhạc sĩ Văn Cao. Ông họ Nguyễn, sinh năm 1923, quê ở Liên Minh, Vụ Bản (Nam Định), mất ngày 10.7.1995. Ông là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Là nghệ sĩ đa tài (cầm, kỳ, thi, họa), ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Thiên thai, Đàn chim Việt, Trương Chi, Suối Mơ...
Ở tuổi 20, Văn Cao tham gia cách mạng hăng say. 21 tuổi, ông sáng tác bài hát Tiến quân ca, sau được Hồ Chủ tịch chọn làm quốc ca.
Một lần hai vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao trở về thăm quê hương Nguyễn Hữu Tiến (sinh 3.3.1901) - nhà hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa ở làng Lũng Xuyên, xã Tiên Thắng, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Khi trở về Hà Nội, sau mấy ngày trăn trở, ông đã hoàn thành bức tranh sơn mài “Chân dung Nguyễn Hữu Tiến” với nét mặt đăm chiêu nhìn về phía xa. Sự đăm chiêu ấy chính là giờ phút Nguyễn Hữu Tiến đang hình thành ý tưởng phác thảo lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh. Hiện nay, bức tranh ấy được treo trong nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến tại quê hương ông.
Người sáng tác quốc ca vẽ người sáng tác quốc kỳ đấy cũng là chuyện lạ độc đáo trong giới nghệ thuật. Phải chăng Văn Cao biết ơn tác giả quốc kỳ đã gợi mở cho bài hát quốc ca "Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước" nên sau này Văn Cao về quê Nguyễn Hữu Tiến để “trả ơn” ông? Lúc sống họ không được gặp nhau (Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp xử bắn ngày 28.8.1941 tại Sài Gòn- Gia Định, Văn Cao mất năm 1995)...
LÊ HỒNG THIỆN