"Yêu cầu anh không về nhà"

04/02/2023 11:23

Một chiều, tôi nhận được một phong thư, ngoài bì đề “Hồ Thiện Ngôn - Trung ương Đoàn”.

Mở thư đọc, chỉ vẻn vẹn có vài chữ: “Anh Minh! Chúng tôi về xem xét việc cháu Khoa làm thơ để báo cáo với đồng chí Tố Hữu. Tôi yêu cầu anh không về nhà. Khi nào cần anh về, tôi sẽ có thơ sau.

Hồ Thiện Ngôn”

Gọi “thư“ là “thơ”, tôi nhận ra đây là “phương ngữ” của một người Nam Bộ. Sau này tôi mới biết rõ về ông. Ông quý tôi như em và yêu Khoa như con đẻ, tử tế vô cùng. Ông người cao lớn, tính rất nóng và rất nghiêm khắc. Được biết ông đã từng cõng đồng chí Lê Duẩn chạy trong rừng U Minh, khi đồng chí ốm nặng mà trực thăng Mỹ thả biệt kích xuống vây bắt. Khi nào bực tức, ông cứ đứng sững ở giữa nhà, đưa bàn tay to bè lên mũi, tự vuốt mũi mình mãi không thôi, làm cho cái mũi khá to của ông đỏ ửng lên như một quả cà chua chín. Chi tiết đặc sắc này của ông, tôi đã  đưa vào nhân vật ÔNG TÔI, trong tập truyện vừa TRƯỚC MÙA MƯA BÃO viết về công nhân mỏ Cẩm Phả. Tập truyện đã được tặng giải nhất và giải A năm 1980, được dịch ra 6 thứ tiếng là Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Campuchia và Lào, được đưa vào học trong sách giáo khoa lớp 3 và lớp 4 từ năm 1980, trong đó bài ÔNG TÔI với chi tiết “vuốt mũi” học ở lớp 3.

Đoàn đi về đến 5 - 6 tháng, riêng ông Hồ Thiện Ngôn thì ở nhà tôi gần như thường xuyên, có mặt trong nhiều bài thơ của Khoa từ lúc mới có ý tưởng đến lúc đăng báo do ông gửi bài đi cho. 

Về nhà tôi, cùng ông Ngôn thuở ấy có 6 người, sau này tôi chỉ có quan hệ với 2 người, trong đó có ông Đức Minh ở Viện Ngôn ngữ và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên, không biết làm việc ở đâu. Có lần ông Minh nói với tôi rằng, tư tưởng là của Đảng, đời sống là của nhân dân, nhưng ngôn ngữ thì có những khu biệt (lúc đó tôi chưa hiểu chữ “khu biệt” là như thế nào). Ngôn ngữ của thơ Khoa phải phản ánh cái gì đó của làng quê Khoa, thậm chí của gia đình Khoa với những nét riêng gì đó mà chỉ có nó mới có trong thơ Khoa. Tôi sực nhớ có nhà nghiên cứu “Truyện Kiều” đã tìm ra chữ “áy” là của riêng quê vợ cụ Nguyễn Du ở Thái Bình, trong câu: “Một vùng có áy bóng tà”. Ở thơ Khoa, ông phát hiện ra các chữ “bản địa”, như “quang trành” trong câu về các bạn nhỏ: “Chiều nào gánh phân/ Quang trành quết đất”, chữ “khau” chỉ cái gầu (2 người tát nước và cái gầu sòng dùng cho 1 người, gọi là khau sòng) trong câu: “Mẹ em tát nước nắng đầy trong khau”… Còn bà Tuyết thì nghiên cứu tâm lý học.

Trong một lần tôi có đến thăm ông bà tại một gian chung cư tầng 2 ở Hà Nội, mà nay tôi không nhớ ở chỗ nào, bà có nói rằng: Tư tưởng và hiện thực đời sống, thậm chí cả ngôn ngữ, đều là của xã hội, của cộng đồng. Chỉ riêng tâm lý mới thật sự có nét riêng, do sống trong một gia đình thế nào đó, trong một hoàn cảnh thế nào đó, mới có một loại tâm lý mà chỉ trong điều kiện ấy, nó mới được sinh ra. Bà đã viết đến 3 - 4 bài về đặc điểm tâm lý đó đăng tạp chí Tác phẩm mới và báo Tiền Phong, trong đó có bài Tâm lý của bé Giang, trong bài “Đánh tam cúc” của thơ Khoa. Sau đó, bà làm luận văn tiến sĩ tâm lý học về Trần Đăng Khoa. Luận văn được đánh giá rất cao, được Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp khen và trực tiếp trao bằng cho bà. 

TRẦN NHUẬN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Yêu cầu anh không về nhà"