Lá thư khơi dậy tâm hồn thơ của một nhà báo

21/06/2018 17:04

Lá thư tâm huyết, trao đổi rất chân tình của nhà văn Hoài Thanh, đã khơi dậy, nâng đỡ một tâm hồn thơ tỉnh Đông - nhà báo Nguyễn Hữu Phách.


Tự nhận chỉ "đi ghé bên lề" văn chương nhưng nhà báo Nguyễn Hữu Phách liên tục có các tác phẩm bút ký, truyện ngắn, thơ đăng báo, dự thi được giải trung ương và ở tỉnh

Từ lá thư tâm huyết, trao đổi rất chân tình của nhà văn Hoài Thanh đã khơi dậy, nâng đỡ một tâm hồn thơ - cây bút trẻ Nguyễn Hữu Phách, giúp ông bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ của một nhà báo, mà còn góp phần đáng kể vào diễn đàn văn nghệ.

Nhà báo Nguyễn Hữu Phách thuộc lớp phóng viên đầu tiên của Báo Hải Dương. Ngoài làm báo, ông có năng khiếu về văn nghệ, nhất là thơ. Từ khi còn trẻ tuổi, ông đã có những thi phẩm được công chúng chú ý. Năm 1958, Nguyễn Hữu Phách tham gia cuộc phỏng vấn "Về những người mới viết văn" do tòa soạn Báo Văn học (nay là Báo Văn nghệ) tổ chức. Trong đó, ông không đồng ý với nhà văn Hoài Thanh (lúc đó là Chủ nhiệm tòa soạn) một số vấn đề...

Ngày 23.3.1959, Tòa soạn Báo Văn học có công văn gửi ông, kèm lá thư trả lời của nhà văn Hoài Thanh với mở đầu: "Kính gửi anh Nguyễn Hữu Phách... Trước hết xin có lời hoan nghênh nhiệt tình của anh đối với công tác văn học". 

Nội dung chính của bức thư này, nhà văn Hoài Thanh "trình bày thêm" với Nguyễn Hữu Phách "một hai điều cho rõ". Qua đó, dễ dàng hình dung ra cuộc trao đổi giữa một Chủ nhiệm Tòa soạn Báo Văn học, người cùng với Hoài Chân đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam lừng danh và một nhà báo trẻ về những vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với đời sống văn học nước nhà trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện nhiệm vụ ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cận kề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960). Việc này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của nhà báo yêu thơ Nguyễn Hữu Phách.

Thời điểm đó, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trương kêu gọi anh chị em cán bộ các ngành và quần chúng đông đảo tham gia sáng tác. Vì hội nhận thấy trong cán bộ và quần chúng tiềm ẩn khả năng sáng tạo nghệ thuật rất lớn. Nếu phát huy được khả năng ấy thì chắc chắn phong trào văn nghệ sẽ có những chuyển biến tích cực, đóng góp được nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng. Quá trình nghiên cứu định ra chủ trương có đề cập đến Những người mới viết văn - thuật ngữ dành riêng cho một số người, hữu hạn, đã từng làm công việc viết văn và cũng đã có những thành công nhất định. 

Chủ trương nói trên được cụ thể hóa, tập trung trong bài phát biểu của Chủ nhiệm Hoài Thanh đăng trên báo Văn học số 32. Là một nhà báo trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) yêu văn học, mong muốn trở thành người viết văn giỏi, Nguyễn Hữu Phách đọc rất kỹ bài phát biểu của Chủ nhiệm Hoài Thanh. Với nhận thức thực tại của mình, Nguyễn Hữu Phách không đồng ý với nhà văn Hoài Thanh trong các vấn đề như quan niệm về nghề văn, phát động quần chúng sáng tác... Cuộc trao đổi qua thư sau đó xoay quanh hai vấn đề nói trên nhưng được mở rộng nội hàm (1. Nghề văn và mối quan hệ giữa sáng tác văn học với lao động thực tiễn. 2. Động cơ viết văn. 3. Phát động quần chúng sáng tác) đã diễn ra, có nhiều thú vị.

Nói về nghề văn và mối quan hệ giữa sáng tác văn học với lao động thực tiễn, Nguyễn Hữu Phách (có thể được không ít nhà chuyên môn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quân sự lúc đó đồng tình) cho rằng: Không có nghề văn riêng biệt cho một ai; ai biết viết văn thì bên cạnh nghề chính của mình, đều có thể làm nghề văn. Quan niệm như thế làm nảy sinh hệ lụy giữa những "ao ước nghề văn" và "vị trí chiến đấu" (nhiệm vụ chính trị) của các cá nhân. 

Hoài Thanh nghĩ khác, ông cho rằng có nghề văn độc lập trong tập hợp các ngành nghề. Đối với một số (rất ít) người, thì đó là nghề chính; trách nhiệm chính của họ là phục vụ cách mạng bằng viết văn. Để viết văn được, họ cần tham gia lao động, công tác thực tế, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói trong một hội nghị văn nghệ sĩ gần đấy: “Văn nghệ sĩ thì làm văn nghệ là chủ yếu, nhưng đồng thời, trong một chừng mực nào đó, còn phải là một người nông dân, hay một người công nhân, một người quân nhân nữa”. 

Hoài Thanh cũng chỉ rõ: Trong đội ngũ viết văn nói chung, có những người đang ao ước lấy nghề văn làm nghề chính. Ông cho rằng, không phải tất cả, nhưng phần nhiều những người ao ước như vậy đã không đúng, dẫn đến có người thiếu yên tâm phấn khởi trong công tác hiện tại. “Ngày này qua ngày khác mang trong tâm tư một thứ định kiến cho đời mình là một sự lỡ làng vì không được dồn tất cả thì giờ, tất cả sức lực cho sự nghiệp văn chương. Những anh chị em đó nên nhìn lại mình và cân nhắc cho thật kỹ xem khả năng chính của mình là gì, khả năng phụ là gì, vị trí chiến đấu của mình chủ yếu là ở đâu, thứ yếu là ở đâu. Một khi đã tự mình giải quyết cho mình những vấn đề thiết thân ấy thì đứng thật vững trên vị trí chiến đấu chủ yếu, làm tròn trách nhiệm chính của mình", đồng thời đem khả năng viết văn của mình ra phục vụ cách mạng. Khi ấy sẽ thấy rõ, "trong khi viết, mình đã thiết tha phục vụ mà không hề bị huyễn hoặc trước cái hào nhoáng của nghề văn".

Về vấn đề động cơ viết văn, nhà văn Hoài Thanh yêu cầu những người mới viết văn trước khi đi sâu hơn vào nghề văn "nên nhìn lại mình cho rõ và nhất là nên xác định động cơ viết văn cho đúng". Bởi hồi đó, "những người mới viết văn và cả những người viết văn đã lâu, cái phần lạc hậu chưa phải là đã hết. Chúng ta đã sống hàng ngàn năm trong tập tục danh vọng hão huyền, lợi lộc nhỏ nhen, không dễ bỗng chốc mà dứt hẳn được. Cho nên mỗi chúng ta vẫn cứ phải không ngừng phấn đấu mới xây dựng được động cơ thật chính xác cho nghề văn".

Liên quan giữa nghề văn và vấn đề phát động quần chúng sáng tác, nhà báo trẻ yêu thơ Nguyễn Hữu Phách băn khoăn: Hội Nhà văn kêu gọi quần chúng sáng tác, phải chăng đó là một định hướng nghề nghiệp! Nhà văn Hoài Thanh khẳng định không phải là như thế. Ông lý giải: Trước thực tế có những người viết văn nhưng văn chương không phải là nghề nghiệp, lại có những trường hợp viết văn có thể xem là một thứ nghề phụ (trường hợp phổ biến của những người viết văn bao gồm cả một số đông những nhà văn có tên tuổi) và cũng có một số rất ít người viết văn là nghề chính. "Trường hợp khác nhau không phải chỉ vì khả năng văn học khác nhau mà còn là vì trong từng người còn có những khả năng khác, những hoàn cảnh khác, nên yêu cầu công tác đối với từng người có khác nhau. Không thiếu những trường hợp khả năng viết văn làm thơ rất rõ, có khi rất xuất sắc nữa mà vẫn chỉ lấy văn chương làm nghề phụ, vì sự nghiệp cách mạng đòi hỏi phải như thế. Và như thế là đúng. Cho nên cần khuyến khích mọi người viết văn nhưng không nên khuyến khích mọi người đi vào nghề văn, lại càng không nên khuyến khích tất cả những người hiện nay viết văn là nghề phụ chuyển sang lấy viết văn làm nghề chính. Phát động quần chúng sáng tác không phải là khuyến khích mọi người chọn lấy nghề văn, lại càng không phải là khuyến khích những động cơ viết văn không đúng". 

Thật là thú vị khi Nguyễn Hữu Phách hỏi: "Thế anh thợ tiện, anh dân cày, chị đổ thùng vệ sinh đừng làm nghề văn hay sao?" và Hoài Thanh trả lời: "Đúng thế! Những anh chị em đó rất nên viết văn, còn có nên làm nghề văn hay không, điều đó còn tùy và nói chung thì không nên".

... Việc đề cập những vấn đề trên đây tại thời điểm ấy là cấp thiết. Nhà văn Hoài Thanh cho rằng: "Bởi vì trong thực tế rất nhiều người có những điều cần viết mà chưa viết, chưa có cơ hội viết nhưng cũng có những người không nhìn rõ mình, chạy theo nghề văn mà lơ là trách nhiệm chính, thậm chí không nhìn rõ trách nhiệm chính của mình là ở đâu. Trong thực tế có hai mặt như vậy, nên một mặt cần phát động một phong trào sáng tác rộng rãi, đó là mặt chính, nhưng một mặt cũng cần nhắc nhở một vài điều dễ quên". 

"Một vài điều dễ quên" mà Hoài Thanh đề cập, chính là những vấn đề ông đã làm sáng tỏ ở trên, trong đó nhấn mạnh trọng tâm: Mối quan hệ giữa công tác văn học với nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ cách mạng của mỗi người nói riêng. Những người công nhân, nông dân, trí thức trên các mặt trận, có tình yêu văn chương hãy nhận rõ vị trí chiến đấu chủ yếu (nhiệm vụ chính trị) của mình và mang lòng yêu văn chương ấy, viết phục vụ cách mạng.

Trước câu gợi mở của nhà văn Hoài Thanh khi kết thúc cuộc trao đổi: "Anh có đồng ý như vậy không? Rất mong anh cho biết ý kiến", nhà báo trẻ Nguyễn Hữu Phách đã phúc đáp nhà văn đàn anh bằng sự luôn luôn cố gắng để là “một nhà báo làm thơ” chứ không chạy theo hư danh. Ông lăn lộn với thực tiễn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà báo chuyên nghiệp. Đồng thời, ông cũng tích cực tham gia sáng tác văn học những thành công đáng ghi nhận.

Không lâu sau cuộc trao đổi bổ ích ấy, Nguyễn Hữu Phách có hai tác phẩm dự thi viết về đời sống bộ đội trong hòa bình: Bút ký Một tác phẩm dự thi và truyện ngắn Trên trường bắn. Truyện ngắn Trên trường bắn đoạt giải khuyến khích và được in vào cuốn “Theo đường dây số 6” (gồm 8 bài vào giải, của 8 tác giả; trong đó có Dũng Hà, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Thiều, Văn Thảo Nguyên - những tên tuổi sau đó làm rạng rỡ nền văn học cách mạng Việt Nam). 

Nguyễn Hữu Phách tự nhận chỉ “đi ghé bên lề” văn chương, nhưng cũng đã liên tục có tác phẩm đăng báo, dự thi được giải trung ương và ở tỉnh. Đặc biệt, 10 năm sau cuộc phỏng vấn văn học nói trên, ông có hai bài thơ: Suy nghĩ trong buổi đón huy hiệu Bác Hồ và Cánh đồng năm tấn Nguyễn Văn Bé được in trong cuốn “Thơ giải thưởng Báo Văn nghệ 1969”, NXB Văn học 11.1970, đều đoạt giải ba, chỉ đứng sau ba nhà thơ danh tiếng: Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc. Hôm nhận giải (ngày 13.4.1970) tại trụ sở Hội Nhà văn, ông có gặp lại nhà văn Hoài Thanh. Nhà văn Hoài Thanh vẫn nhớ lá thư 22.3.1959 và khen ngợi ông viết về nông thôn. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đọc bài tổng kết cuộc thi, nhắc rõ: “Đọc thơ dự thi, chúng ta hiểu thêm về cái mới trong tấm lòng những bà con xã viên trước sự việc một bà mẹ được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trước cánh đồng 5 tấn, qua thơ Nguyễn Hữu Phách...". Các nhà thơ Phạm Hổ, Chế Lan Viên đều có lời chúc mừng, động viên ông. Gần đây, tập Dưới tán cây xanh, gồm 117 bài thơ của ông đã đoạt giải A Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Côn Sơn (2011-2015), được đông đảo bạn đọc và giới văn nghệ sĩ chú ý. 

Có thể nói, từ lá thư tâm huyết, trao đổi rất chân tình của nhà văn Hoài Thanh, đã khơi dậy, nâng đỡ một tâm hồn thơ tỉnh Đông - cây bút trẻ Nguyễn Hữu Phách, giúp ông bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị của một nhà báo, đã góp phần đáng kể vào thơ ca Việt Nam. Và mấy chục năm qua bên cạnh "thương hiệu" nhà báo Nguyễn Hữu Phách, còn có một tâm hồn thơ Nguyễn Hữu Phách phong phú và bay bổng...

DŨNG CÁT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá thư khơi dậy tâm hồn thơ của một nhà báo