Chuyện ít biết về tác giả "Tống biệt hành"

15/01/2023 19:45

TP Hải Dương có một tuyến phố đẹp mang tên Nguyễn Tuấn Trình, tên thật của nhà thơ Thâm Tâm, tác giả thi phẩm “Tống biệt hành” rất nổi tiếng.


Nhà thơ Thâm Tâm (thứ ba từ trái qua) cùng đồng đội Báo Vệ quốc quân

Trong chuyến về thăm quê mới đây, con trai của cố thi sĩ đã chia sẻ nhiều chuyện chưa kể về người cha của mình.

Trong ký ức của người con

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin y học Bộ Y tế là con trai cố nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo Thâm Tâm. Mỗi lần trở về cố hương, nhất là đến thăm phố Nguyễn Tuấn Trình, ông càng bồi hồi xúc động nhớ về người cha kính yêu của mình.

Ông Khoa kể: Năm 1946, khi tôi ra đời cũng là lúc cha tôi lên đường đi kháng chiến. Bởi vậy, trong tôi, ký ức về cha không nhiều. Thế nhưng hình ảnh của ông luôn hiện hữu qua những câu chuyện kể hằng ngày của ông, bà và mẹ tôi… Ngày 19.12.1946, gia đình tôi rời Hà Nội, về lại quê nhà Hải Dương. Năm 1948, cha tôi về thăm nhà nhân chuyến công tác về vùng địch hậu Liên khu 3. Khi đó, ông là Thư ký Tòa soạn Báo Vệ quốc quân, tiền thân báo Quân đội Nhân dân hiện nay. Lúc về, cha tôi mang theo một chiếc máy ảnh và chụp vài kiểu, trong đó có ảnh ông nội bế tôi và ảnh tôi khi đó hơn 2 tuổi. Một thời gian sau, từ chiến khu Việt Bắc, cha tôi gửi ảnh về cho cả nhà. Đó là lần duy nhất tôi gặp cha. Đến bây giờ, mặc dù trải qua nhiều biến thiên của thời gian, tôi vẫn còn giữ những bức ảnh ấy.

Năm sau đó, do tình hình chiến sự, gia đình ông Khoa tản cư vào Thanh Hóa. Thỉnh thoảng gia đình vẫn nhận được thư của cố nhà thơ Thâm Tâm với những lời ân cần thăm hỏi, dặn dò. Có lúc chơi với đám trẻ con hàng xóm chúng hỏi: "Bố mày đâu mà chẳng thấy về?". Ông Khoa nhớ lời mẹ dặn, đáp: "Bố tao đi bộ đội, bao giờ hết giặc mới về".

Một chiều cuối đông năm 1950, có hai chú bộ đội tìm đến gia đình ông Khoa. Khi đó mẹ ông đang ốm nặng, sốt mê man. Hai chú ngồi nói chuyện với ông bà nội rất lâu. Sau đó một chú bế ông lên, căn dặn phải ngoan, hay ăn chóng lớn. Khi hai chú bộ đội đi rồi, cả ông bà nội cùng khóc. Thì ra hai chú thay mặt đơn vị đến gửi cho gia đình chiếc ba lô của cha, tờ giấy báo cha hy sinh ngày 18.8.1950, một bức thư của đại diện đơn vị chia buồn với gia đình, hai bộ quần áo cũ, một con dao nhíp đa năng của Pháp và 6 bức ảnh đám tang ông. Đó là tất cả gia tài nhà thơ, chiến sĩ Thâm Tâm để lại cho gia đình.

Hải Dương mãi là cố hương


Ông Nguyễn Tuấn Khoa (đứng phía trong), con trai cố nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo Thâm Tâm và nhà văn Hoàng Quảng Uyên chụp ảnh trước căn nhà cũ của gia đình tại phố Bắc Kinh (TP Hải Dương)

Với gia đình ông Khoa thì mảnh đất Hải Dương, căn nhà cũ xưa ở phố Bắc Kinh và con phố Nguyễn Tuấn Trình mãi là nơi nhắc nhớ cố hương. Bởi vậy, mỗi khi có cơ hội, ông và những người thân trong gia đình lại thu xếp về quê. Ông kể, trong lần về Hải Dương từ năm 1995, vợ chồng ông có tới thăm lại căn nhà cũ của gia đình ở phố Bắc Kinh hồi đầu thế kỷ trước, theo sự mách bảo của các cụ bạn Thâm Tâm thuở còn đi học. Lần này về thăm lại, vẫn thấy ngôi nhà như xưa, vợ chồng ông và các con cháu rất muốn mua lại ngôi nhà để làm nơi lưu giữ những kỷ niệm về Thâm Tâm và biến nơi đó thành bảo tàng Thâm Tâm ở Hải Dương. Cho dù mơ ước mua lại căn nhà xưa còn xa vời, song mỗi lần có dịp trở lại cố hương, vợ chồng ông Khoa đều tới đây, chụp một vài bức ảnh kỷ niệm nơi cha mình đã sinh ra và lớn lên.

Ông Khoa và gia đình cũng luôn muốn làm những điều ý nghĩa cho quê hương cũng như những nơi cha ông từng công tác. Một việc làm ý nghĩa mà ông và gia đình đã bắt tay thực hiện là trao Học bổng Thâm Tâm, mỗi năm sẽ dành tặng vài chục suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Năm nay, gia đình đã trao 30 suất Học bổng Thâm Tâm tại tỉnh Cao Bằng, nơi cố nhà thơ Thâm Tâm hy sinh. Dự định của gia đình tới đây là tiếp tục triển khai học bổng này ở Hải Dương, quê hương của nhà thơ.

Nhà thơ Thâm Tâm sinh ra ở thị xã Hải Dương trong một gia đình cha làm nghề dạy học. Ông bắt đầu làm thơ, viết văn từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước. Sáng tác của Thâm Tâm đăng trên các tờ Tiểu thuyết thứ bảy và Truyền bá. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch dịch thuật, nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia biên tập báo Tiên phong, rồi làm Thư ký Tòa soạn Báo Vệ quốc quân. Ông mất sau một cơn bệnh đột ngột ngày 18.8.1950 trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên giới, được đồng đội mai táng tại tỉnh Cao Bằng. Tên tuổi và sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của ông luôn là niềm tự hào đối với mỗi người dân Hải Dương. Để tưởng nhớ ông, năm 2007, tỉnh Hải Dương đã lấy tên khai sinh của ông đặt cho một tuyến phố ở khu đô thị mới Hải Tân, liền kề khu Ecoriver (TP Hải Dương).

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ít biết về tác giả "Tống biệt hành"