Hội nhập ASEAN với việc tham gia AEC đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Tác động tích cực
Thứ nhất, đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo thuận lợi cũng như sức ép để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trước hết là hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh một cách công bằng, minh bạch, hạn chế các hành vi trục lợi và gian lận thương mại. Thứ hai, là hoàn thiện thể chế cho các loại thị trường phát triển đồng bộ như thị trường công nghệ, lao động, tài chính, ngân hàng, chứng khoán và đất đai. Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những rào cản đối với tự do thương mại như các loại thủ tục không phù hợp, trong đó gồm các loại giấy phép đối với việc thành lập doanh nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu...
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hội nhập ASEAN với việc tham gia AEC đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các ngành và doanh nghiệp cũng như sản phẩm. Một yêu cầu của AEC là hình thành cơ sở sản xuất thống nhất và tiến tới xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm công nghiệp. Điều này là sức ép đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tự do hóa thương mại cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của mình, đối phó với sức ép cạnh tranh từ các nước ASEAN trên thị trường nội địa cũng như thị trường ASEAN.
Thứ ba, tăng trưởng GDP, việc làm, thu nhập. Theo dự báo, khi tham gia AEC, chỉ số GDP của Việt Nam có thể tăng lên 14,5%, tăng trưởng việc làm lên 10,5%. Tham gia AEC sẽ giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực nhờ việc thuận lợi hóa thương mại từ các cam kết trong AEC. Tăng trưởng vốn FDI cũng là một động lực tăng trưởng kinh tế, thu nhập và việc làm. Việc tự do hóa thị trường lao động trong ASEAN sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường lao động có chất lượng cao, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực như vốn, đất đai…
Thứ tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục…Việc hình thành thị trường thống nhất, cơ sở sản xuất thống nhất đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nước ASEAN và các tổ chức tài chính quốc tế, khu vực để phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, truyền thông và các dịch vụ khác. Hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho Việt Nam từng bước phát triển khoa học công nghệ và đổi mới hệ thống giáo dục.
Tác động tiêu cực
Thứ nhất, gia tăng áp lực cạnh tranh. Cạnh tranh giữa các nước ASEAN sẽ trở nên gay gắt hơn. Trước hết là áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Với cơ cấu sản xuất và thương mại tương đối tương đồng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn từ các nước ASEAN. Cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút đầu tư cũng trở nên gay gắt hơn. Sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn vào Việt Nam. Cạnh tranh trong lĩnh vực lao động cũng gay gắt hơn khi thực hiện cam kết về tự do di chuyển lao động trong ASEAN. Lao động của các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… có trình độ cao hơn Việt Nam (nhất là trình độ tiếng Anh).
Thứ hai, tăng chi phí đối với cải cách thể chế và xây dựng kết cấu hạ tầng. Để hội nhập thành công và hiệu quả, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách thể chế kinh tế và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Điều này đòi hỏi thời gian và chi phí nhất định. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, thâm hụt ngân sách lớn, hội nhập ASEAN là những thách thức lớn bên cạnh việc thực hiện các cam kết hội nhập khác như WTO, TPP.
Thứ ba, những tác động về mặt xã hội cũng cần tính đến trong quá trình tham gia AEC. Sự phá sản các doanh nghiệp do sức cạnh tranh yếu kém kèm theo thất nghiệp và sụt giảm thu nhập. Cạnh tranh trong lĩnh vực lao động cũng chứa đựng nguy cơ mất việc làm của một bộ phận người lao động. Cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng gây áp lực đối với thu nhập và việc làm của người lao động sản xuất và kinh doanh. Tham gia AEC cũng có thể làm nảy sinh các vấn đề khác như buôn lậu, tranh chấp thương mại, ô nhiễm môi trường, an ninh…
(Nguồn: Trung tâm Tư vấn và đào tạo kinh tế thương mại, Viện Nghiên cứu thương mại)