Suy nghĩ về những điều đảng viên không được làm

28/10/2012 21:53

Kể từ Đại hội VIII, cứ mỗi nhiệm kỳ, Đảng ta lại ban hành Quy định về “Những điều đảng viên không được làm”, tính đến nay là lần thứ tư.

So với Quy định về “Những điều đảng viên không được làm” ban hành trong các nhiệm kỳ trước thì ở nhiệm kỳ này, Quy định số 47/QĐ-TW về “Những điều đảng viên không được làm” có nhiều điểm mới, toàn diện, cụ thể hơn, đòi hỏi mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy có sự nỗ lực phấn đấu và kiểm tra, giám sát chặt hơn.

Quy định số 47/QĐ-TW về “Những điều đảng viên không được làm” (sau đây gọi tắt là Quy định) ra đời trong bối cảnh toàn Đảng ta đang quán triệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mà nổi bật là ba vấn đề cấp bách, trong đó trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất, như nghị quyết nhấn mạnh, là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”. Ra đời trong bối cảnh đặc biệt đó, nên khác những Quy định trước không có phần mở đầu và do Bộ Chính trị ban hành, Quy định số 47 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành và đích thân Tổng Bí thư ký, với phần mở đầu nêu bật vị trí, nhiệm vụ của đảng viên trong mối quan hệ với Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội mà mình là thành viên, trong đó khẳng định rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”. Đồng thời cũng đòi hỏi mỗi đảng viên: “Cùng với việc gương mẫu chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Pháp luật Nhà nước, các quy định của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội mà mình là thành viên, phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định cụ thể của Đảng về những điều đảng viên không được làm”. Như vậy là Quy định lần này, ngay ở phần mở đầu đã xác định rõ vị trí và nhấn mạnh nhiệm vụ của đảng viên trong guồng máy của hệ thống chính trị-xã hội, từ đó, đòi hỏi đảng viên chấp hành nghiêm chỉnh những quy định cụ thể của Đảng về những điều không được làm.

Quy định số 47 vẫn gồm 19 điều như ba lần trước, nhưng cụ thể và toàn diện hơn, với những điểm mới cơ bản, nhất là gắn chặt trách nhiệm người đảng viên, người lãnh đạo với môi trường sống, công tác, trước trọng trách người đảng viên đó gánh vác. Nhưng đọc và suy ngẫm kỹ từng điều thấy toát nên mấy điểm chính gắn chặt với ba vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), mà trọng tâm, xuyên suốt là vấn đề thứ nhất: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Điều này được thể hiện xuyên suốt Quy định 47, nhất là những điều từ 1 đến 6 để “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị”, Đảng đòi hỏi mỗi đảng viên luôn có tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Muốn vậy, Đảng yêu cầu mỗi đảng viên từ nói năng, làm việc đến viết lách luôn luôn nhớ mình là đảng viên, có nhiệm vụ thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, bảo vệ và giữ gìn uy tín của Đảng. Cùng với những quy định chung rất cơ bản đó, trong Quy định lần này, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến những điều thuộc về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi môi trường sống, làm việc, công tác, học tập, kể cả ở gia đình và ngoài xã hội, gắn chặt trách nhiệm người đảng viên không chỉ với tập thể, cộng đồng mà còn với ngay người thân trong gia đình. Bởi suy cho cùng, khi trong nhà có người thân vi phạm pháp luật thì không thể nói đảng viên đó hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên, trong Quy định lần này có tới ba lần ở ba điều khác nhau, nhấn mạnh tới trách nhiệm đảng viên trong việc làm gương, ngăn ngừa những hành vi có thể dẫn tới suy thoái đạo đức, lối sống. Lần đầu là ở điều 8: “Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định”. Tiếp đó ở điều 11: “Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi”. Lần thứ ba Quy định rõ trách nhiệm đảng viên đối với người thân trong gia đình là ở điều 16: “Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”. Nhằm rèn luyện đảng viên có lối sống lành mạnh, tiết kiệm, cũng nên nhắc tới điều 19, với quy định khá cụ thể và hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sống của phần đông cán bộ và nhân dân ta hiện nay: “Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi”. So với điều 19 Quy định số 115 ở nhiệm kỳ trước, thì quy định lần này cụ thể và hợp với phong tục, tập quán, tình cảm và cả điều kiện sống của phần đông cán bộ, nhân dân hiện nay. Bởi suy cho cùng, ma chay, cưới xin, lễ Tết, sinh nhật, và cả lên chức, lên lương, lên cấp thì hầu hết cán bộ, đảng viên ít nhiều ai chẳng trải một lần, chỉ có điều làm sao để đừng xa hoa, lãng phí, và quan trọng là đừng nhằm trục lợi, là thấu lý đạt tình. Từ đó, ngẫm ra Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm” là để mỗi đảng viên tự rèn luyện, tu dưỡng, đặng trở thành người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như sinh thời Bác Hồ căn dặn.

DIỆU THU

(0) Bình luận
Suy nghĩ về những điều đảng viên không được làm