Sướng không rồ, không điên. Sướng chỉ hơi hâm hấp thôi. Thì thế mới cứ theo đuổi cô gái xinh đẹp nhất làng này chứ. Thế mới gọi là Sướng “cả đẫn”, Sướng “tồ”, Sướng “ngố”.
Minh họa: PHÙNG BẢN
Đang ngồi đọc một số văn bản của công ty, chị giúp việc vội chạy vào nói với Trang: “Cô Trang ơi! Điện thoại bảo vệ gọi báo có người cần gặp cô”. “Thế hả? Ai thế nhỉ?”. “Khách quê của cô. Người nhà thì phải”. Thu Trang cau mày, nhăn trán. Ai mà lại lên công ty vào giữa buổi này? Sao không điện thoại cho mình? Chắc không phải Điệp? Nếu là Điệp thì anh ấy sẽ alo. Mình đã thống nhất với anh ấy rồi, chỉ khi nào cần kíp lắm mới điện thoại để khỏi ảnh hưởng tới công việc của mình. Người Hàn họ nghiêm lắm. Làm ra làm, chơi ra chơi. Không tùy tiện ra vào, điện thoại í ới như bên mình đâu.
Thu Trang vội xuống tầng đi ra cổng gác. Cậu bảo vệ đang ngăn một người đàn ông đầu đội mũ lá rách, vai vác chiếc đòn xóc một đầu buộc cái vỏ bao xác rắn. Ai như ông Sướng? Phải tránh mặt ông này thôi. Vừa nghĩ được thế thì người đàn ông nọ reo lên: “Kia rồi! Thu Trang! Anh đi tìm em, muốn gặp em mà mấy cậu này không cho vào”. Thu Trang vừa tức vừa buồn cười. Cái lão này cả làng Cổ Cò của cô không ai lạ gì. Thậm chí cả mấy xã lân cận cũng rõ. Chỉ mấy cậu bảo vệ của công ty người nơi khác mới tới là chưa rành thôi.
Họ tên đầy đủ của người đàn ông này là Nguyễn Tiến Sướng. Anh ta là hàng xóm của cô. Tên là Sướng nhưng cuộc đời lại vô cùng lận đận. Đệm là Tiến mà chẳng thấy tiến ở đâu, anh chỉ loanh quanh sau lũy tre làng. Người Sướng dị dạng, thô kệch, đầu to hơn những người khác. Giọng ồm ồm, âm vực rất sâu. Lúc nào Sướng cũng quần đùi, áo cộc. Cúc áo có khi cái nọ cài vào khuy kia. Từ nhỏ cho tới giờ, gần tuổi bốn mươi rồi nhưng anh ta vẫn cứ thế, cứ phơi ngực ra, diễu bộ khắp nơi.
Công việc của Sướng hằng ngày là đi bộ và nhặt ve chai. Sướng dậy sớm lắm. Có hôm tờ mờ sáng đã thấy Sướng bước thập thững cách nhà vài cây số rồi. Đòn xóc trên vai, một đầu đòn buộc theo cái vỏ bao xác rắn. Chỗ nào có thùng rác là Sướng tới. Săm soi, lục lọi, bới tìm... Nhặt được thứ ưng ý, Sướng mở miệng bao tải cho vào, túm đầu bao xách đi. Khi được kha khá thì Sướng gổng một đầu đòn xóc lên để cái bao xác rắn đựng đồ nằm trên lưng, bước đi. Lúc được nhiều hơn, Sướng san vỏ chai, sắt vụn vào hai cái bao, buộc chúng vào hai đầu đòn xóc, toòng teng gánh. Cứ lũng lẵng thủng thẳng thế suốt chặng đường dài. Toàn bộ những thứ nhặt được, Sướng về bán cho mấy điểm thu mua ve chai, sắt vụn.
Không bao giờ thấy Sướng đi xe đạp cả. Xe máy lại càng không. Đi bộ là cách di chuyển độc nhất của Sướng. Cách này vừa dễ, vừa khỏe người. Sướng hềnh hệch cười nói với mọi người. Có lẽ thế nên da dẻ Sướng đỏ au như đồng hun. Bắp chân, bắp tay Sướng săn mập, chắc nịch. Hai chân vững chãi như chân voi. Chẳng thấy Sướng ốm đau bệnh tật bao giờ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hạ, lúc nào cũng thấy Sướng trên đường. Chân lê dép tổ ong cáu bẩn mòn gót, rách quai, Sướng vẫn lệt sệt đi. Có anh bộ đội thấy thế cho Sướng đôi giày cao cổ. Từ đó trở đi, dẫu có nóng đến mấy Sướng vẫn cứ đeo nó. Rồi thì mưa chết cò, đôi giày ướt sũng nặng chịch Sướng vẫn không bỏ. Lại có hôm Sướng chân đất, đầu trần diễu khắp huyện. Thi thoảng thôi. Còn lại cơ bản là Sướng đội chiếc mũ lá rách như tổ quạ trên đầu. Nó cùng cái đòn xóc và mấy bao tải xác rắn là vật bất ly thân của Sướng. Cứ quần lửng, áo hở ngực là Sướng đi. Đấy là “phom”, là “thương hiệu” của Sướng. Có mặc quần dài thì Sướng cũng cứ xắn lên. Bên ống thấp, bên ống cao nhìn là biết Sướng ngay.
Tuy thô kệch vậy nhưng Sướng rất hiền lành, chăm chỉ và lễ độ. Gặp người làng cao tuổi hơn, Sướng chào từ xa. Đáng bậc nào, chào đúng bậc đó. Sướng không làm phiền ai bao giờ. Cũng không ai trêu ghẹo, xách mé Sướng cả, kể cả lũ trẻ con. Ai cũng thương cho Sướng. Giời đày nó đấy. Bắt nó đi bộ suốt ngày, nhặt ve chai sắt vụn để sống. Nhưng mà giời cũng thương nó lắm. Có bắt nó ốm đau bao giờ đâu? Đi đâu thì đi, tối vẫn biết đường về nhà. Vẫn biết đếm tiền, nhặt nhạnh, vẫn biết cất giữ tiền. Trong nhà không ai phải lo đi tìm Sướng cả. Mưa gió cũng vậy. Có chân đi khắc có chân về. Sướng không rồ, không điên. Sướng chỉ hơi hâm hấp thôi. Thì thế mới cứ theo đuổi cô gái xinh đẹp nhất làng này chứ. Thế mới gọi là Sướng “cả đẫn”, Sướng “tồ”, Sướng “ngố”.
Thu Trang đến khổ vì Sướng. Hơn cô cả chục tuổi mà lão ấy cứ chết mê chết mệt cô. Hồi bé, chính Sướng đã bế ẵm cô. Làng Cổ Cò ai cũng biết chuyện này. Ngày đó, Sướng thường hay sang nhà ông Quân chơi. Thấy Sướng to khỏe, hiền lành, bà Quân thường nhờ Sướng bế Trang để bà tranh thủ chút việc. Bé Trang như búp bê, Sướng bế bé và vui vẻ chơi đùa cùng. Khi Thu Trang lớn lên đi học, thành thiếu nữ, Sướng vẫn cứ lẽo đẽo bám theo. Rồi Sướng giục bố mẹ hỏi Thu Trang làm vợ cho mình. Ông bà Dộc chỉ biết nhìn con xót xa.
Xong cao đẳng, không xin được việc làm, Thu Trang lấy Điệp. Năm trước cưới, năm sau Thu Trang sinh con. Khi con được ba tuổi thì cô đi lao động xuất khẩu bên Hàn Quốc. Sướng ở nhà tha thẩn, lang thang cùng sắt vụn, ve chai. Các anh chị em của Sướng cũng dần dần yên bề gia thất. Làm sao lấy được vợ cho Sướng để còn nhắm mắt xuôi tay? Bố mẹ Sướng lo lắm. Ba sáu ba bảy tuổi rồi, theo đuổi cái Trang làm gì nữa? Đũa mốc lại cứ chòi mâm son sao được? Hơn nữa, nó đã chồng con rồi. Lại tận bên Hàn Quốc nữa. Vô vọng thôi con ơi! Quên nó đi! Thôi, quấy quá lấy đứa nào cho xong mà lo lấy đời mình kẻo sau này thì khổ lắm.
Cuối cùng Sướng cũng lấy được vợ. Vợ Sướng là một cô gái lỡ thì quá lứa ở làng bên. Cô này tuy hơi xấu nhưng được cái hiền ngoan. Tuy nhiên, sống với Sướng được một thời gian thì cô ta cũng bỏ về nhà mình. Cả đẫn như Sướng làm sao mà chịu nổi? Dù có hâm cùng cấp độ thì cũng không thể hợp rơ nhau. Kênh vênh là chuyện bình thường. Vậy thì ai đi đường nấy thôi. Hôn nhân tan vỡ, Sướng cũng dửng dưng. Chẳng sao cả. Chuyện thường í mà. Sướng bảo vậy.
Khi Thu Trang đi nước ngoài về, Sướng lại mê mệt theo đuổi. Không thấy thì thôi, hễ thấy mặt Thu Trang là Sướng lại như ma bắt mất hồn. Ngơ ngẩn, thẫn thờ. Sướng cứ lẽo đẽo theo cô. Các cụ làng Cổ Cò bảo nó phải lòng mặt cái Trang đấy. Thì hẳn thế rồi còn gì? Chính Sướng cũng nói thẳng với mọi người: “Em Trang đẹp thật. Chỉ cần đứng từ xa ngắm em tôi cũng đã sướng rồi. Chả thế lại không ư?”. Thì vưỡn! Có ai bảo gì đâu? Mọi người xúm vào trêu. Chỉ khổ cho Thu Trang. Cô dở khóc dở cười vì cái lão sung Sướng này.
“Anh Sướng à? Lên đây làm gì? Nhà em đang chạy xe ôm ở đây đấy. Anh về đi kẻo anh Điệp thấy thì chết. Lúc khác gặp nhau nhé”. Nhắc tới Điệp, Sướng liền ngơ ngác, ngó trước nhìn sau. “Thế hả? Thế thì anh về nhé! Lần sau vậy”. Sướng quay gót trở ra đường. Mọi người cùng thở phào. Thu Trang nói với cậu bảo vệ: “Ông ấy hâm đấy. Cứ theo chị hoài thôi. Vậy nhưng, khi nhắc tới chồng chị thì sợ một phép. Nếu lần sau thấy ông ấy, cậu cứ giả vờ nhắc tên chồng chị, bảo chồng chị vừa ở đây là ổn”. “Thế hả? Ai bảo chị xinh đẹp quá cơ”. Cả hai cùng nhìn theo bóng Sướng đang bước thấp bước cao trên đường. Thu Trang thở dài đánh thượt một cái. Kể cũng tội cho lão ấy. Người đâu mà si tình đến vậy. Điệp thì không bao giờ thèm chấp chuyện này. Ai lại đi ghen với cái ông cả đẫn hâm hấp tỉ độ này.
Rời công ty của Thu Trang, Sướng lủi thủi đi về phía chợ Cầu. Hôm nào cũng vậy, lão cũng phải đến đây. Ở chợ nhiều thứ cho lão lắm. Cũng nhiều việc cho lão nữa. Trông thấy Sướng là các bà buôn í ới gọi ngay. Họ nhờ Sướng khuân hộ cái này, vác hộ thứ kia. Đầu buổi chợ hoặc khi chợ tan thì Sướng luôn chân luôn tay. Lão giúp vô tư. Nặng nhọc vất vả mà lão cứ chỉ cười hềnh hệch. Xong việc, ai cho thứ gì thì lão nhận thứ đó. Chẳng bao giờ kì kèo xin xỏ, thêm bớt. Thế nên, nhiều kẻ đã lợi dụng Sướng, nhất là cánh xe buôn dưới xuôi lên. Tay Luân buôn cám cò còn sai Sướng hết việc nọ việc kia y như đi làm thuê cho hắn vậy.
Xong hết các việc, Sướng lại ra các thùng rác bới tìm. Rác ở chợ nhiều lắm. Vì thế, cũng có nhiều thứ tái sử dụng còn tốt chán. Sướng nhặt lên cho tất vào bao tải. Cái thì đem về nhà dùng. Cái lại mang lên nhà Thúy Đồi bán ve chai, sắt vụn. Nhặt nhạnh gom góp cũng được phết.
Bữa nay, Sướng vừa bới thùng rác lên thì thấy một bọc như cục gạch vứt lùng nhùng trong mớ ni lông. Sướng nhặt lên, mở ra xem. Trời ơi! Một cục tiền. Toàn tờ năm trăm ngàn mới cứng. Sướng nhớn nhác nhìn quanh. Chỉ có mấy bà buôn đang vội vã dọn hàng. Cánh thanh niên đang uống bia trong quán. Chúng vẫy Sướng cười nhăn nhở. “Làm vại cho tỉnh táo tàu anh Sướng ơi!”. Lão lắc đầu và nem nép ném cục tiền vào tải xác rắn rồi toòng teng gổng đi. Vừa đi, Sướng vẫn vừa nhớn nhác nhìn quanh canh chừng. Một lúc sau thì Sướng đã mất hút khỏi khu chợ.
Sáng sớm hôm sau, chợ Cầu xì xào về việc tay Luân “cám cò” kêu mất tiền. “Mấy chục triệu của tôi chứ ít à? Rõ là hôm qua tôi gói trong bọc, lúc dọn dẹp vơ váo lung tung vứt vào thùng rác này mà?”. “Thế ông bới tìm thử chưa?”. “Rồi. Không thấy”. “Chiều muộn qua tôi thấy tay Sướng nó bới ở đó đó”. “Đúng đấy. Tôi cũng thấy vậy”. “Thảo nào, hắn cứ cun cút gổng bao tải đi thôi”. “Đích thị nó rồi”. “A! Nó kia kìa! Thử hỏi nó xem?”.
Đúng là Sướng xuất hiện thật. Luân “cám cò” chạy lại hỏi: “Hôm qua, mày có nhặt được bọc tiền ở trong thùng rác này không?”. Sướng ngơ ngác: “Tiền nào?”. “Tiền của tao chứ còn tiền nào nữa?”. “Tôi… tôi…”. "Cứ tẩn cho nó một trận khắc ra. Già đòn non nhẽ”. Tiếng ai đó can vào. Luân “cám cò” chẳng nói chẳng rằng tiến tới bạt tai Sướng: “Ông có nôn ra không thì bảo?”. Bị bất ngờ, Sướng ngã dúi dụi. Cái mũ lá rách văng ra. Đòn xóc, bao tải mỗi thứ một nơi. Sướng lồm cồm ú ớ: “Tôi… tôi…”. Tay Luân tiếp tục lao tới. Vừa lúc đó, Hân công an khu vực phóng xe tới.
“Dừng lại! Sao các người lại đánh nhau?”. Luân “cám cò” chỉ tay vào Sướng nói: “Lão ấy lấy tiền của tôi”. “Lấy bao giờ?”. Sướng lắp bắp: “Tôi… tôi không lấy”. “Đấy. Lại còn chối à?”. Luân “cám cò” gằm ghè. Hắn kể lại sự việc chiều qua và sự nghi vấn của mình. Hân cắt ngang: “Mới vậy mà anh đã vu cho người ta lấy tiền? Mà liệu có chắc anh vứt nhầm vào đó không?”. “Chắc chứ. Chính tay tôi dọn dẹp mà”. “Lỡ ông Sướng không nhặt được thì sao?”. “Lỡ thế nào được? Chỉ có lão ấy bới nhặt thường xuyên ở đây thôi”. “Thế có phải cái bọc này không?”. Vừa nói, Hân vừa đưa cái bọc tiền ra. Mọi người xúm lại nhìn. Luân “cám cò” sáng mắt chạy lại định vồ lấy. “Đúng rồi! Đúng bọc tiền này rồi! Chú lấy ở đâu ra đấy?”.
Hân thủng thẳng nói: “Ở ông Sướng kia kìa. Chiều muộn qua, ông ấy lên công an xã khai báo và nộp bọc tiền này. Chúng tôi đã lập biên bản kiểm đếm, giờ xuống đây để làm rõ xem có đúng tiền của ông không? Vậy bọc tiền này có bao nhiêu? Loại tiền gì là chủ yếu”. Luân “cám cò” rối rít trình bày. Đoạn, Hân lên tiếng: “Vậy là khớp với biên bản lập hôm qua. Đúng là tiền của ông rồi. Đây, ông ký vào đây nhận lại tiền rồi xin lỗi và bồi thường cú đánh ông Sướng lúc nãy đi”.
Luân “cám cò” xun xoe cầm tờ biên bản ký. Hắn run run nhận lại bọc tiền. Mọi người nhao nhao: “Xin lỗi lão Sướng đi! Bồi thường cho lão ấy nữa”. “Phải cảm tạ chu đáo vào!”. Xong thủ tục, Luân “cám cò”, cả Hân công an nữa cùng nhớn nhác nhìn quanh. Không thấy Sướng đâu. Thì ra trong lúc mọi người tập trung vào thủ tục giao nhận tiền, Sướng đã tách ra tiếp tục hành trình đi bộ của mình. Bóng Sướng thập thững bước thấp bước cao đang đi về cuối chợ…
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU