Sức vươn thành phố trẻ

29/10/2013 21:41

Ký ức sâu đậm về một đô thị nhỏ thời giặc Pháp chiếm đóng đã nhường chỗ cho những ấn tượng đẹp về một thành phố trẻ khang trang.



Khúc sông Sặt xưa tô điểm thêm cho vẻ đẹp thành phố. Ảnh: Mai Anh


Cùng đoàn nhà văn Việt Nam về công tác ở Hải Dương mấy ngày có người hỏi tôi: "Đi trên đường phố hôm nay điều gì gợi nhớ với anh nhất?

- Rất nhiều. Mỗi bước đi là nhớ lại bao kỷ niệm xưa, thời thành phố còn là thị xã chỉ nhỏ. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tôi, chứa chất những u hoài, xót thương, xa nhớ, là mỗi ngày từng đoàn tù từ nhà lao Hải Dương, phía sau Công an tỉnh bây giờ, do một tổ lính châu Phi áp tải ra sông lấy nước. Sông lúc ấy mênh mông trôi nhanh giữa phố phường tấp nập và bên kia là cánh đồng mùa mưa ngập lụt tít tắp. Bờ sông xây bệ xi-măng cao cao chắn nước, người ta xếp củi tạ, củi cành, cùng nhiều hàng hóa khác chở từ Tràng, Trũ, hay đâu đó về, buôn bán tấp nập. Dưới sông thuyền bè san sát, thỉnh thoảng lại có chiếc ca-nô chở khách cập bến hay nhổ neo…

Những người tù bước đi theo hàng một, mệt mỏi, chập chờn và dường như đôi mắt ai cũng bồn chồn đưa tới chốn vô định cái nhìn xa xăm không bao giờ tàn phai trong tuổi mười ba, mười bốn mới lớn của tôi. Họ là Việt Minh! Nhờ có mối quan hệ với kháng chiến tôi chỉ biết như thế. Họ hầu hết là chiến sĩ Cụ Hồ. Rồi cha tôi từ Việt Bắc về vùng căn cứ du kích đang được mở rộng kéo tôi ra theo học lớp 4 hệ phổ thông chín năm. Hình bóng những bậc đàn anh bị địch áp tải ra sông lấy nước và họ còn may mắn được tắm giặt trong chốc lát, rồi khênh những cái thùng tôn chậm rãi bước về bên những người lính châu Phi áp tải ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Thị xã lúc ấy, tính từ ngã tư Đông Thị (nay là ngã tư Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du) một chạy tới sát bờ sông là hết, một chạy tới Trường nam tiểu học Hải Dương (nay là Trường Tô Hiệu) thì cụt, phải qua một quãng đường trống, hai bên toàn hồ ao, tối đến không ai dám qua lại mới tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh nằm bên đường sắt...

Những tháng năm ngoài kháng chiến theo học và chạy càn, đôi khi thời gian sống trong thị xã quân Pháp chiếm đóng lại hiện ra trong tôi, chính quyền địch, chẳng hề bị bắt bớ mà sao lúc nào cũng cảm giác mất tự do. Tối đến tôi sợ nhất là những toán lính batui - đi tuần. Xe ấy tối om, những con mắt tinh quái trong xe quan sát rất rõ mọi hoạt động hai bên phố nhưng người qua lại không thể nhìn thấy họ. Họ thường là lính bắc Phi và phát hiện ai đó khả nghi bắt ngay tức khắc. Rồi râm ran những câu chuyện phòng nhì mật thám tra tấn người, bắt bớ, giam cầm. Chính tôi đã một lần thấy những tay sai đắc lực của chính quyền thực dân đuổi bắt một người tù khốn khổ vượt ngục gần Trường nam tiểu học Hải Dương. Chính tôi thấy những chiếc xe cam nhông chở nhiều thanh niên ta do lính GM vây ráp bắt được chở về tạm dồn vào khu đất trống có nhiều cây cổ thụ nằm giữa Trại Bảo chính đoàn và Tòa tỉnh trưởng...

Cuối năm 1954, Hải Dương giải phóng theo hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Tôi theo cha vào thị xã rợp bóng cờ bay và người người đắm say rộn rã. Tôi học Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau đó chuyển thành trường cấp hai của hệ thống phổ thông mười năm. Thị xã bắt đầu kiến thiết. Kế koạch phục hồi kinh tế ba năm và đến kế hoạch phát triển năm năm lần thứ nhất mọi người vui sướng khi nghe nói thị xã Hải Dương sẽ có tới ba vạn công nhân. Giai cấp lãnh đạo hùng hậu làm thay đổi chất lượng dân chúng phố phường. Dựng xây rầm rộ! Tất nhiên là theo tư duy và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Với tôi điều đầu tiên là Trường cấp ba khu Tả Ngạn ra đời và đặt tại thị xã Hải Dương thu nạp học sinh các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình (nay là Trường THPT Hồng Quang). Rồi thành lập Trường phổ thông cấp hai Trần Phú và Trường phổ thông cấp hai Ngô Gia Tự, khởi công xây dựng Nhà máy Sứ Hải Dương. Lúc ấy người ta nói đây là nhà máy hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, xây dựng nhà máy xay, xây dựng Thư viện tỉnh, rồi bách hóa tổng hợp...

Những năm chiến tranh tôi đi xa. Làm lính pháo trực tiếp chiến đấu ở Quảng Trị - Khe Sanh, rồi nam Lào, những đêm hun hút trong hầm dưới rừng già bạt ngàn, sao mà nhớ đến thị xã nhỏ bé của mình với bao khát khao dự định, với bao ước vọng ngày về, với bao ký ức xa xăm... Hình bóng những đoàn tù mà từ những ngày ấy tôi đã biết họ là những chiến sĩ Việt Minh và cả hình bóng anh lính da đen - một trong những người hay dong giải tù ra sông lấy nước lại là chồng của một chị bán rau phía sau chợ Lớn (nay là chợ Phú Yên) có căn lều tranh siêu vẹo bên Đền Ông - nơi lớp học của tôi đứng trụ suốt năm 1950 - 1951. Tôi thấy anh hiền lành và thương yêu vợ con chứ không hung dữ như ta từng hình dung về một anh lính lê dương. Theo cha vào Hải Dương sau giải phóng, tôi tìm tới Đền Ông, căn lều vẫn còn đó, liêu xiêu chờ gió thổi, nhưng người chẳng rõ ra sao. Rồi ngã tư Đông Thị những ngày giặc chiếm. Góc phố thời ấy là Ty Cảnh sát. Họ chỉ có nhiệm vụ về trật tự hành chính phố phường, còn an ninh chính trị lại thuộc Ty Công an tại khu nhà cạnh trụ sở UBND tỉnh bây giờ. Góc đối diện Ty Cảnh sát là Nhà thông tin...

Hải Dương là thị xã già nhưng là một thành phố trẻ. Sức vươn lên nhanh chóng và khỏe mạnh làm ngỡ ngàng cả những cái nhìn hay xét đoán. Tầm vóc diện tích dễ đập vào mắt ta nhất nhưng dù sao đó cũng là phần bề nổi. Đường phố hôm nay phẳng và đẹp để ô-tô xe máy nườm nượp cùng với những con người nét mặt hoan hỷ đắm say. Đâu còn những dáng vẻ u hoài, buồn lo của thời bao cấp. Đâu còn sự chen chúc với những mảnh áo nâu vá vai hay những viên chức cố gò lưng trên những chiếc xe đạp đã quá tàng. Bóng dáng những người tù Việt Minh in hình trên mỗi tường nhà lối phố càng thăm thẳm lùi xa, càng trở thành bất tử. Ai có thể tin rằng, ở đoạn sông Sặt lượn sát phía dưới đường vòng, chỉ vì trả thù cho viên đại úy tàu bò Quít Sắt (chỉ huy lính xe tăng và xe bọc thép) bị quân ta phục kích giết chết ở gần Quán Nghiên, kẻ thù đã lôi hàng chục người tù ở nhà lao Hải Dương ra bắn rồi hất xác xuống sông. Lớp trẻ hôm nay nhởn nhơ sung sướng là rất đáng mừng nhưng sao lãng và quên đi những hy sinh của cha anh thì thật đáng tiếc và đáng giận. Thành phố đâu phải ngẫu nhiên có được như đang hiển hiện ra kia!

Hải Dương đổi mới. Các khu đô thị hình thành. Nhà cao tầng hiện đại mọc lên. Rồi các siêu thị, nhà trường, bệnh viện, phố sá... Nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là chất lượng sống. Những Việt kiều trở về, những người con làm ăn xa hay ra đi vì có giai đoạn nhất thời nào đó hiểu lầm, đố kỵ, nay lần lượt trở về, cũng có thể ở lại đầu tư lâu dài, cũng có thể chỉ là thăm thú, nhưng đều say sưa với cuộc sống, nắm bắt những gì đời đang ban phát cho mình.

TÔ  ĐỨC  CHIÊU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức vươn thành phố trẻ