Tiếng hát, điệu múa của họ đã tiếp thêm sức sống, tình yêu nghề cho đồng nghiệp.
Một tiết mục hát, múa được dàn dựng công phu của công nhân Công ty TNHH Long Hải
Vất vả tập luyện
Ngày 20.10 vừa qua, Liên đoàn Lao động TP Hải Dương tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về phẩm chất người phụ nữ thời kỳ đổi mới. Trước khi buổi nói chuyện diễn ra, các đại biểu đã được thưởng thức gần 10 tiết mục văn nghệ. Mỗi tiết mục hát đều có các màn múa minh họa. Trong những bộ trang phục rất bắt mắt, các ca sĩ, diễn viên múa chinh phục khán giả bằng giọng hát khá chuyên nghiệp, những động tác múa uyển chuyển. Một số tiết mục được thể hiện theo dạng hoạt cảnh rất sinh động.
Khi chương trình văn nghệ kết thúc, hơn 500 khán giả tại hội trường bất ngờ nghe người dẫn chương trình giới thiệu đó là đội văn nghệ của công nhân Công ty TNHH Long Hải. Trước đó, ai cũng tưởng đó là những nghệ sĩ chuyên nghiệp chứ không nghĩ rằng công nhân mà hát, múa hay đến thế.
Để có những tiết mục sinh động như vậy, các diễn viên công nhân đã dày công tập luyện. Anh Phạm Văn Tỉnh, một công nhân trong đội văn nghệ của Công ty TNHH Long Hải cho biết: "Chúng tôi phải tập luyện trước hàng tháng trời, tranh thủ tập sau giờ làm hoặc vào thứ bảy, chủ nhật. Có người còn tập thêm vào buổi tối ở nhà". Những tiết mục hát thường dễ tập vì phần lớn mọi người đã có sẵn chất giọng, chỉ cần tập để khớp với nhau. Nhưng múa tập thể thì khó hơn và mất rất nhiều thời gian. Nếu không thực sự yêu văn nghệ, muốn mang niềm vui đến mọi người thì có lẽ những công nhân ấy khó có đủ kiên trì để tập luyện.
Mặc dù gần 1 tháng nữa mới bước sang năm 2018 nhưng những ngày này công nhân trong đội văn nghệ của Công ty TNHH Shints-BVT đã bắt đầu tập luyện cho buổi tổng kết cuối năm. Ông Bùi Đức Bồng, Trưởng Phòng Nhân sự công ty cho biết công nhân sẽ biểu diễn rất nhiều tiết mục nên phải chuẩn bị từ sớm. Ngoài ca múa, còn có chương trình biểu diễn thời trang. Vì Ban tổ chức sẽ chấm điểm để trao giải nên hầu hết các tiết mục đều được chuẩn bị chu đáo. Dù vất vả nhưng ai cũng nhiệt tình tham gia bởi nhiều năm nay, đêm biểu diễn luôn mang đến niềm vui cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Miện sau khi được mời đi chấm điểm tại một số cuộc thi văn nghệ do doanh nghiệp tổ chức đã phải thốt lên: "Tiết mục nào công nhân biểu diễn cũng rất hay. Nhiều tiết mục thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng cả về thời gian và kinh phí, có tính chuyên nghiệp cao. Đặc biệt, vì là chương trình văn nghệ dành cho người lao động nên các bài hát, điệu múa rất sôi động, tràn đầy nhiệt huyết".
Niềm vui lan tỏa
Đối với công nhân, văn nghệ là món ăn tinh thần quý giá, nhất là trong thời điểm hiện nay, những thiết chế văn hóa dành cho họ vẫn còn thiếu. Do đó, những sân khấu tại chính nơi làm việc giúp họ có thêm niềm vui, gắn bó với công việc. Anh Phạm Văn Đễ, công nhân Công ty TNHH Long Hải phấn khởi cho biết công ty thường tổ chức chương trình văn nghệ vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày thành lập công ty... Các tiết mục biểu diễn được thay đổi nên không nhàm chán.
Nhận thức rõ tác dụng của phong trào văn nghệ trong công nhân nên thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng đội văn nghệ. Ban lãnh đạo Công ty TNHH Long Hải đầu tư hàng trăm triệu đồng mua trang thiết bị và dựng sân khấu biểu diễn. Công đoàn công ty hỗ trợ kinh phí để công nhân thuê trang phục biểu diễn. Hằng năm, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài như các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Sumidenso Việt Nam, Formostar Việt Nam... cũng tổ chức các chương trình văn nghệ cho người lao động với quy mô lớn.
Để thúc đẩy phong trào văn nghệ trong công nhân, viên chức, lao động, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều tổ chức hội thi quy mô cấp tỉnh. Nhiều công đoàn cấp trên cơ sở như Công đoàn ngành công thương, Công đoàn Các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động TP Hải Dương... lựa chọn các đội văn nghệ của các doanh nghiệp tham dự.
NGỌC THANH