Sức sống mạnh mẽ của các phong trào thi đua yêu nước

27/08/2015 09:20

Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, nhân dân cả nước vượt mọi khó khăn, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam...



Công nhân Nhà máy dệt 8-3 sản xuất trong điều kiện chiến tranh


Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Tháng 5-1952, Người tiếp tục khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Kể từ đó đến nay, đất nước ta đã thực hiện được hàng trăm phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên nhân dân cả nước vượt mọi khó khăn, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Thi đua kháng chiến, kiến quốc

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặc đói, diệt giặc dốt… Khẩu hiệu lúc đó là: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” và “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”…

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 - 1975), sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” (26-1-1961), hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức, điển hình là các phong trào: Thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là HTX Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), phong trào thi đua của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), phong trào thi đua “Hai tốt” (Dạy tốt, học tốt) theo tấm gương điển hình của Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam)…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cả nước dấy lên phong trào thi đua: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tay búa, tay súng”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ…

Cùng với các phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở miền Nam, các phong trào thi đua “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, phong trào “Giết giặc lập công” cũng đã phát triển rộng khắp.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”...

Thi đua dựng xây

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), đặc biệt từ sau khi có Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003) và từ khi thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, gắn với Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị (khóa X) về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng đã có bước tiến bộ rõ rệt.

Ở Trung ương, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương đã phát động nhiều phong trào thi đua trong cả nước như: Phong trào “Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi”; phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; đổi mới nội dung và hình thức tổ chức phong trào thi đua phong phú, đa dạng. Bên cạnh thi đua thường xuyên còn phát động các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, đột xuất.

Các bộ, ngành trung ương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua tiêu biểu như: Phong trào thi đua quyết thắng và đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Âm vang Điện Biên Phủ trên không” trong quân đội; phong trào “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong công an; phong trào “Thi đua phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia” của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phong trào “Học tập Bác Hồ làm báo, viết báo” của Thông tấn xã Việt Nam; phong trào “Vì một nền nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chuyên đề, gắn với biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đã góp phần học tập, giáo dục, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiêu biểu như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của MTTQ Việt Nam; phong trào “Năm xung kích, bốn đồng hành” của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam…

Trải qua các thời kỳ cách mạng, lúc thuận lợi, khi khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua luôn luôn được giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng trở thành truyền thống, thành kinh nghiệm quý báu của Đảng, của nhân dân ta. Thi đua thực sự là động lực thúc đẩy nhân dân ta nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.


TTXVN


(0) Bình luận
Sức sống mạnh mẽ của các phong trào thi đua yêu nước