Sức sống của phong trào thi đua yêu nước

10/06/2012 06:55

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng.

Thông qua các sắc lệnh, chỉ thị, lời kêu gọi, thư, nói chuyện, Người đã có sự lãnh đạo, tổ chức, điều hành các phong trào thi đua ái quốc ở tầm vĩ mô đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đồng thời, Người cũng có những sự chỉ đạo, lời khuyên cụ thể, trực tiếp với các ngành, các giới, các địa phương và nhiều tập thể, cá nhân, làm cho các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, liên tục, phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực thúc đẩy kháng chiến, kiến quốc thành công.


Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), theo sáng kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về phong trào thi đua ái quốc để “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và chính thức phát động phong trào này trong cả nước.

Mở đầu Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác nêu mục đích của thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói khổ; diệt giặc dốt nát; diệt giặc ngoại xâm. Mục đích nêu rất cụ thể, sát hợp với bối cảnh nước ta lúc đó. Hơn một năm sau, Bác nêu thêm một mục đích nữa là: “Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”. Như vậy, Bác xem chủ nghĩa cá nhân cũng là một thứ giặc mà chúng ta phải thi đua để tiêu diệt nó. Cách phát động phong trào thi đua ái quốc là: Dựa vào lực lượng của dân và tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân. Hơn một năm sau Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 15-10-1949, trong bài Dân vận, Bác viết:

“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

 Vì vậy, theo Bác, trong thi đua ái quốc, chúng ta phải dựa vào dân, huy động sức mạnh của dân; chính người dân làm và người dân hưởng, thì phong trào mới “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân” và đạt được nhiều kết quả. Kết quả đó là: Toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc; toàn dân sẽ biết đọc biết viết; toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực khí giới để giết giặc ngoại xâm; toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.

Ai hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua ái quốc? Bác chỉ rõ: Người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ già trẻ, trai gái, giàu nghèo; bất kỳ làm việc gì đều phải thi đua, đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Tóm lại, ai cũng phải thi đua, ai cũng phải tham gia kháng chiến và kiến quốc.

 Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm như một lời hiệu triệu được truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sau đó, năm 1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Bác còn nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác trên thực tế đã khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân, tạo nên sức mạnh to lớn để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), diệt được giặc ngoại xâm là thực dân Pháp xâm lược.

 Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, cũng theo tinh thần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác và thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư, cả nước dấy lên phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là các phong trào thi đua với các điển hình: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Hai tốt, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... ở miền Bắc; phong trào Đồng khởi, chống can thiệp Mỹ, dũng sĩ diệt Mỹ... ở miền Nam, đã phát huy cao độ ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn Đảng và toàn dân, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang mùa xuân năm 1975.

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta, thi đua là động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bác Hồ đã dạy: "Chủ nghĩa xã hội là mọi người được cơm no, áo ấm, nhà cửa tử tế, được học hành. Muốn vậy thì mọi người phải thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm".

Thực tiễn 64 năm qua chứng tỏ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa và tác dụng to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khổ để diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày nay, tinh thần và những nội dung cơ bản trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 64 năm vẫn còn ý nghĩa và giá trị to lớn mà chúng ta phải tiếp tục quán triệt, phát huy và vận dụng sáng tạo cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Điều quan trọng là phong trào thi đua cần thường xuyên đề phòng và khắc phục tình trạng phô trương, hình thức, thành tích giả, làm láo báo cáo hay; thật sự chú trọng thực chất, chất lượng và hiệu quả của phong trào; như vậy mới thực hiện đúng theo lời dạy và tấm gương của Bác Hồ về thi đua ái quốc.

Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, "thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, càng khó khăn thì càng phải thi đua" đã và mãi mãi được Đảng,  nhân dân ta kế thừa và phát huy và đó cũng là nền tảng tư tưởng cho các phong trào thi đua yêu nước của chúng ta ngày nay.

NGUYỄN VĂN THANH

(0) Bình luận
Sức sống của phong trào thi đua yêu nước