Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hải Dương đã nhất tề đứng dậy chiến đấu chống thực dân Pháp...
Du kích Nam Sách cải trang đánh địch giữa ban ngày
70 năm trước, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hải Dương dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề đứng dậy đánh thực dân Pháp, thực hiện chủ trương kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, tạo nên khí thế sục sôi ngay từ những ngày đầu kháng chiến.
Tỉnh Hải Dương hồi ấy nằm ở khu vực trọng tâm trong nhiệm vụ tác chiến của Chiến khu III với tuyến đường sắt, đường 5 Hà Nội - Hải Phòng. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Tỉnh ủy đã rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị của các địa phương, đặc biệt tại thị xã Hải Dương. Ban Chỉ huy Mặt trận Hải Dương được nghe phổ biến tình hình, mật lệnh, chủ trương của Trung ương Đảng; kinh nghiệm tác chiến ở Hải Phòng, Lạng Sơn; bàn, thống nhất kế hoạch tác chiến, thực hiện chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Trong kế hoạch, Ban Chỉ huy Mặt trận Hải Dương xác định quyết tâm chủ động tiến công, bao vây tiêu diệt địch trong lòng thị xã (tập trung ở Nhà máy chai, Nhà nông khố và Trường con gái), khu vực cầu Phú Lương, đánh quân tiếp viện, phá hoại đường 5, cắt đứt giao thông của địch từ Hải Phòng về Hà Nội. Lịch sử Đảng bộ tỉnh (tập 1, 1930-1975) còn ghi lại: "Tối 19-12, lực lượng vũ trang thị xã Hải Dương tổ chức mít tinh làm lễ tuyên thệ cho đội cảm tử quân (sau đổi là đại đội quyết tử). Sau mít tinh, bộ đội và toàn bộ lực lượng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, lực lượng tự vệ thị xã, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công nhân tiếp tục tuần hành, thị uy rước đuốc diễu qua các phố làm cho địch tưởng tình hình vẫn như mọi ngày".
Khoảng 20 giờ 40 ngày 19-12-1946, đúng giờ quy định của Mặt trận, tự vệ thị xã Hải Dương nổ mìn phá hủy bốt điện ở cống Ba Cửa, cắt nguồn điện của thị xã. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 44) cùng các đơn vị cảnh vệ, tự vệ thành, công an xung phong công kích tất cả các vị trí quân Pháp đồn trú. Trong đó có Nhà máy chai, Nhà nông khố và Trường con gái. Lực lượng tự vệ nổ mìn ngả cây to, cột điện làm vật cản. Nhân dân thị xã đã không ngần ngại mang tủ, sập, bàn, ghế... ra làm chướng ngại vật chặn bước tiến của quân địch. Cả thị xã sục sôi khí thế cách mạng.
Đêm 20 - 12, ta tiếp tục tổ chức lực lượng đánh vào Nhà nông khố, quân ta chiến đấu dũng cảm, buộc địch phải rút lên gác cố thủ. Tại đây, chúng đóng chặt cửa cầu thang, thả lựu đạn và bắn xuống. Quân ta thiếu phương tiện phải mở cửa lui ra. Qua 2 lần chiến đấu ác liệt, do địch có hỏa lực mạnh, lại có phương tiện nên ta không chiếm được Nhà nông khố. Đêm 21- 12- 1946, Ban Chỉ huy Mặt trận quyết định chuyển hướng chiến thuật, tập trung lực lượng đánh dứt điểm vị trí Trường con gái, nơi yếu nhất trong 3 vị trí địch đang cố thủ tại thị xã Hải Dương. Các lực lượng đánh cầu Lai Vu, cầu Phú Lương cũng được tăng cường về phối hợp đánh Trường con gái. Sau 1 giờ chiến đấu quyết liệt, vừa đánh vừa gọi hàng, đến 23 giờ, đồng chí Đặng Quốc Chinh đã sử dụng khối thuốc nổ tự tạo đánh sập và làm im bặt ụ súng số 1 của địch. Trên gác địch bắn trả dữ dội, tự vệ và nhân dân xung phong từ nhiều phía để thu hút hỏa lực địch, tạo điều kiện cho lực lượng phía trước đột nhập vào trường. Khoảng 1 giờ sau, quân ta làm chủ vị trí, tiêu diệt 1 trung đội gồm 28 tên lính Pháp, thu toàn bộ vũ khí.
Trong khi quân ta tiến công nội thị, lực lượng Vệ quốc đoàn phối hợp với tự vệ xã Ái Quốc (Nam Sách) tấn công địch ở cầu Lai Vu và cầu Phú Lương. Tại cầu Lai Vu, địch có 1 trung đội đóng ở cầu phía Kim Thành. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã có kế hoạch đánh địch cụ thể nhưng do sự phối hợp giữa các lực lượng Vệ quốc đoàn chưa chặt chẽ nên trận đánh không thành công... Tại cầu Phú Lương, đêm 19 rạng ngày 20-12-1946 lực lượng của ta đã phối hợp nổ súng đánh địch. 14 giờ ngày 20-12-1956 ta đã làm chủ cầu Phú Lương nhưng sau đó địch đã dùng hỏa lực phản kích chiếm lại. Trước sự tấn công quyết liệt của ta, đến 21 giờ cùng ngày quân Pháp phải tháo chạy.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 22-12-1946, bộ chỉ huy địch ở Hải Phòng tổ chức một lực lượng lớn gồm cả thủy, lục, không quân, có pháo binh, xe tăng yểm trợ nhằm đánh thông đường 5, giải vây cho Hải Dương và làm chủ con đường chiến lược này để chi viện cho Hà Nội và các nơi khác. Ngày 22 - 12, địch đánh Phú Thái và các vị trí khác dọc tuyến đường 5. Lực lượng ta đã anh dũng chiến đấu chặn bước tiến của quân địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Chiều 23 - 12, hai cánh quân của địch đã hợp điểm tại khu vực cầu Phú Lương rồi tiến vào thị xã Hải Dương. Mặc dù lực lượng địch và phương tiện lớn song các chiến sĩ Thành Đông vẫn dũng cảm đánh chặn địch. Tuy nhiên, do sức địch mạnh, Ban Chỉ huy Mặt trận đã lệnh cho các lực lượng rút khỏi thị xã.
Những ngày cuối tháng 12-1946 và đầu năm 1947, từ Hải Dương địch tổ chức nhiều cuộc hành quân nhằm đánh thông đường 5, nhưng đi đến đâu chúng cũng bị quân dân ven đường đánh trả quyết liệt.
PV