Từ việc "tụt hạng" khỏi vị trí ổ dịch lớn thứ hai thế giới cùng tỷ lệ tử vong thấp đáng kinh ngạc, ta thấy rõ sức mạnh của nền y tế Hàn Quốc. Họ làm được điều đó là nhờ công nghệ.
Hàn Quốc áp dụng công nghệ để theo dõi, giám sát người có nguy cơ nhiễm Covid-19
Trong tình hình chưa có vaccine hay thuốc đặc trị Covid-19, đất nước Hàn Quốc quay sang nhờ cậy vào sức mạnh trí tuệ: người Hàn kiềm chế dịch bằng những đột phá công nghệ, dựa trên nỗ lực của chính phủ nước sở tại và thông qua khả năng của các startup có tiếng.
Tính tới ngày 12.3, đất nước Hàn Quốc có tổng cộng 7869 ca nhiễm - số ca nhiều thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Ý và Iran. Tuy nhiên, công tác chống dịch của Hàn Quốc lại thường xuyên được tuyên dương là dấu mốc đáng chú ý, nhờ phản ứng kịp thời và hiệu quả cùng với những cách thức kiểm dịch mở cho toàn dân.
Trong lúc chính phủ kiểm soát dịch trên diện vĩ mô, các phòng thí nghiệm quốc gia, các startup liên quan dồn tiền và nhân lực vào nghiên cứu các giải pháp kiềm chế virus lây lan và tìm cách phát hiện bệnh sớm.
Công nghệ song hành với minh bạch
Tính từ khi dịch bùng phát, thủ đô Seoul đối đầu với Covid-19 bằng cả sức mạnh công nghệ lẫn các phương thức tiêu diệt thói quan liêu.
"Chúng tôi coi đó là hai giá trị cốt lõi với tầm quan trọng cao", Kim Gang-lip, Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc, nói với báo giới quốc tế hôm 9.3.
Theo Đạo luật Kiểm soát và Ngăn chặn bệnh truyền nhiễm, cộng đồng có quyền được biết về mọi phương cách phòng bệnh, mọi tiến triển y học liên quan tới kiểm soát dịch. Mỗi ngày, các quan chức chính phủ không chỉ tiến hành họp bàn hai lần, mà luật còn yêu cầu thành lập những nguồn tin đáng tin cậy cho cộng đồng. Một trong số đó là trang web tương tác mang tên Corona Map.
Chính quyền theo dõi cung đường di chuyển của người nhiễm bệnh qua dữ liệu định vị trên điện thoại, các hoạt động thanh toán và trích xuất dữ liệu từ camera an ninh, sau đó cập nhật những nơi có người nhiễm bệnh đã đi qua, chi tiết đến mức có cả số ghế họ đã ngồi trong rạp phim. Thông qua ứng dụng di động, người dân có thể truy cập toàn bộ số thông tin trên, nhằm tránh những khu vực người nhiễm bệnh thường xuyên qua lại.
Nhiều tổ chức Hàn Quốc còn phát hành các ứng dụng giúp người đang cách ly tại nhà - những người thể hiện những triệu chứng bệnh như ho khan và sốt. Ứng dụng cho phép người dùng tự chẩn đoán các dấu hiệu bệnh lý của mình, rồi kết nối với mạng lưới chuyên viên kiểm soát dịch.
Không chỉ người Hàn mới được hưởng lợi từ các ứng dụng này. Tại các điểm nhập cảnh, khách tới từ các vùng dịch được yêu cầu phải tải ứng dụng, liên tục báo cáo tình hình sức khỏe của họ trong 14 ngày tiếp theo.
Liệu đã sắp có thuốc?
Ngày 4.3, một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, với hậu thuẫn tài chính từ Trung tâm Nghiên cứu virus trực thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ hóa học Hàn Quốc (KRICT) có tuyên bố quan trọng:các nhân viên y tế có thể sử dụng kháng thể có được sau hai đại dịch SARS và MERS để trong chữa trị Covid-19.
Thông qua phân tích những điểm tương tự trong gen của ba loại virus, đội ngũ nghiên cứu chỉ ra rằng kháng thể cũ có tác dụng với virus mới. Họ giải thích rằng khi bệnh nhân được tiêm sinh kháng thể kháng nguyên có khả năng hạn chế hoạt động của hai virus SARS và MERS, cơ thể người bệnh có thể tự hình thành kháng thể, chống chọi lại Covid-19.
Nhóm nghiên cứu cũng công bố toàn bộ các thành tựu họ đạt được về độ nhạy của các bộ kit thử virus.
Các trạm kiểm dịch ngay vệ đường
Chính quyền các cấp địa phương cũng có những cách kiểm soát dịch Covid-19 của riêng họ. Nhiều nơi noi theo gương thành phố Goyang thuộc tỉnh Gyeonggi, đã mở những trạm chẩn đoán bệnh ngay bên đường, nơi cho phép nhân viên y tế với đồ bảo hộ kín mít lấy mẫu nước bọt và dịch khoang mũi của người qua đường.
Một lần ghé trạm thử chỉ mất tầm 15 phút, tiêu tốn chưa tới 20 USD/lần và không yêu cầu tài xế và người đi cùng phải ra khỏi xe, do việc lấy mẫu đơn giản nên có thể thực hiện qua cửa kính. Tại các thành phố lớn khác, bao gồm cả thủ đô Seoul và các thành phố cảng như Incheon và Sejong, chính quyền cũng học tập phương pháp lấy mẫu của Goyang, thành lập những trạm kiểm soát dịch ven đường.
Ông Kim An-hyun, chủ tịch trung tâm sức khỏe cộng đồng thành phố Goyang, nói với kênh tin tức địa phương MBC: "Chúng tôi có thể thử càng nhiều người càng tốt trong một khoảng thời gian ngắn mà lại không có tình trạng chen chúc đông người, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm khi việc thử nghiệm được tiến hành ngay trong xe".
Các startup vào cuộc
Một phần lớn lý do số lượng các ca nhiễm virus ở Hàn Quốc cao đến vậy là vì việc thử nghiệm diễn ra rộng rãi vô cùng. Tính tới thời điểm chính quyền Hàn Quốc công bố con số chính thức với báo đài quốc tế, họ đã tiến hành thử nghiệm trên hơn 200.000 người và hoàn toàn có khả năng thử tới 20.000 ca nghi nhiễm/ngày.
Thời gian chờ kết quả dao động trong khoảng từ 6 tới 24 tiếng; nhờ số lượng các công ty có thể sản xuất bộ thử lớn, nên thời gian chờ kết quả có thể giảm đáng kể.
Tại Seoul, công ty chẩn đoán bệnh Seegene phát triển thành công bộ kit thử nghiệm cho ra kết quả chỉ trong vòng 6 giờ. Seegene sử dụng dây chuyền sản xuất tự động, được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo nên có thể tạo ra các bộ kit thử với tốc độ cao.
"Đây là khoản đầu tư mạo hiểm của công ty chúng tôi khi dồn nguồn lực tài chính vào phát triển bộ kit thử, bởi lẽ lúc đó chưa ai rõ virus lây lan nhanh mức nào", Park Yo-han, trưởng ban quan hệ đầu tư của Seegene nói với Bloomberg. "Chúng tôi chỉ nghĩ rằng mình nên cống hiến cho xã hội".
Seegene cũng là đơn vị cung cấp bộ thử cho Ý và Đức, và đã gửi kết quả mẫu thử nhằm mục đích so sánh, đánh giá cho Canada, Brazil, Nam Phi, Úc và Việt Nam.
MiCo BioMed - một startup về công nghệ sinh học khác tại Hàn Quốc vừa có công bố tháng trước, rằng họ đã phát triển thành công một hệ thống chẩn đoán phân tử nhanh, có khả năng phát hiện Covid-19 chỉ trong 1 giờ. Công ty này đã tạo nên thanh danh cho mình từ đợt phát triển thiết bị phát hiện mầm bệnh liên quan tới khủng bố sinh học, cung cấp cho các sự kiện thể thao lớn của châu Á cũng như thế giới.
CEO của MiCo, Kim Sung-woo nói với tờ báo địa phương rằng họ mong muốn thiết bị chẩn đoán nhẹ cân này có thể xuất hiện tại sân bay, cầu cảng và cả các trung tâm chữa trị bệnh.
Bên cạnh hai công ty trên, còn hai startup công nghệ sinh học khác là Ahram Biosystems và Doknip Biopharm đã hợp tác phát triển một thiết bị quét cầm tay cho phép phát hiện mầm bệnh chỉ trong 30 phút. Một startup khác sử dụng công nghệ bán dẫn để tạo ra bộ thử giời gian thực, ứng dụng công nghệ phản ứng chuỗi polymerase PCR để bài thử nhanh hơn, chính xác hơn. PCR có thể phát hiện ra Covid-19 khá nhanh, tuy nhiên lại không chính xác khi trong mẫu thử có nhiều hơn một loại virus.
Các trường học đóng cửa, nhiều đại học kéo dài kỳ nghỉ đông nhưng không mấy ai nhàm chán trong cảnh quanh quẩn ở nhà. Các công ty công nghệ dồn lực giúp cộng đồng thoải mái với tình cảnh không được giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Rsupport - công ty cung cấp dịch vụ làm việc từ xa mời các startup cùng các tập đoàn lớn sử dụng ứng dụng làm việc trên mạng RemoteMeeting miễn phí trong ba tháng.
Một startup khác có tên Classum cung cấp dịch vụ học trực tuyến cho các trường học, các đại học đang đóng cửa. Classum sở hữu đầy đủ chức năng cho phép giáo viên và học sinh tương tác dễ dàng; một buổi học với Classum không khác mấy một buổi lên lớp.
Trong tình cảnh dịch Covid-19 lan rộng, chúng ta mới thấy sức mạnh vô song của công nghệ có thể giúp gì cho con người. Việc so sánh công nghệ với thứ "ma thuật" cho con người tùy biến thực tại cũng chẳng quá lời, và bằng thứ ma thuật cùng tinh thần vì cộng đồng của các công ty công nghệ, người Hàn Quốc có thể kiểm soát dịch hiệu quả vô cùng.
Từ vị thế "kẻ đua top" với tâm dịch Trung Quốc, số ca nhiễm của Hàn Quốc dù rất nhiều nhưng hiện tình hình lây nhiễm đã lắng xuống. Các nước Châu Âu và Bắc Mỹ có thể nhìn vào tấm gương từ nửa vòng Trái Đất để học theo ít nhiều, để còn kịp thời đối phó với đại dịch Covid-19.
Theo Tri thứ trẻ