Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt.
Nhiều sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã cạnh tranh tốt với hàng ngoại. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, hiện nhiều mặt hàng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã cho biết như vậy tại Hội nghi sơ kết 5 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3-7, tại Hà Nội.
Theo bà Nga, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao.
Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt. Theo bà Nga, điều này đã giúp hàng nội nâng cao được sức cạnh tranh so với hàng ngoại, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng.
"Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công thương, kể từ khi phát động cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%," bà Nga cho biết.
Hàng nội địa chiếm tỷ lệ 90% các mặt hàng kinh doanh dịp Tết Nguyên đán 2014. (Ảnh: TTXVN)
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, sau 5 năm tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ chế, chính sách của nhà nước để xây dựng mạnh lưới phân phối vững chắc..
Đơn cử là Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hiện có tới 4.125 điểm bán hàng ở hầu khắp các huyện vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đang tích cực "phủ sóng," đưa thêm các điểm bán hàng tới khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
Đánh giá kết quả của cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu được nhiều hiệu ứng tích cực.
Cụ thể, so với năm 2009 là thời điểm bắt đầu cuộc vận động, đến nay nhận thức của toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng đến người sản xuất và người phân phối lưu thông.
Đáng chú ý là tốc độ lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong 5 năm gần đây đều tăng trưởng trên 2 con số. Với tiềm năng như vậy, việc gắn phát triển thị trường nội địa với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa lớn.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động này, đã xuất hiện một số bất cập, như việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối vẫn chưa thực sự đạt kết quả cao.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ ra rằng một số doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn còn theo phong trào, chưa có chiến lược bài bản cho việc xây dựng thương hiệu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, chưa thuyết phục được khách hàng lựa chọn hàng sản xuất trong nước.
Trước thực tế trên, để thực sự hàng Việt trụ vững trên thị trường năm 2014 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ đưa ra nhiều tiêu chí để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm đồng thời tạo các tiền đề giúp liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa.
Qua 5 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn. Trong đó có hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia.
TTXVN