Đó là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khi phát biểu về dự án Luật Tiếp cận thông tin trong buổi thảo luận của Ủyban Thường vụ Quốc hộisáng 12-8.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận thông tin - Ảnh: Lê Kiên |
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị rà soát lại các quy định hiện hành về cơ chế cung cấp thông tin, danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư… để đưa ra các quy định rõ ràng, minh bạch trong dự luật này. Ngay cả những nội dung, vấn đề thuộc phạm vi bí mật cũng cần quy định rõ thời gian giải mật.
“Tôi thấy có những giấy mời họp cũng đóng dấu mật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ và cho rằng hiện nhiều nội dung quy định mật là không hợp lý.
“Ví dụ trước đây chuyện ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh. Tôi nghĩ chuyện sức khỏe của cán bộ không đến mức bí mật. Vì cứ coi là bí mật nên mới sinh ra nhiều chuyện phức tạp, báo chí đưa tin, chụp ảnh từ xa, rồi đồn đoán này khác…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng những chuyện như tình hình sức khỏe lãnh đạo được dư luận quan tâm thì nên thông tin công khai cho công luận, điều này sẽ giúp xua tan những nghi ngờ, đồn đoán không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị làm rõ trong luật này “những thông tin nào phải cung cấp và ai là người có trách nhiệm cung cấp”. Ông Đào Trọng Thi không đồng tình với quy định chỉ cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin khi công dân yêu cầu.
“Vậy tôi hỏi những thông tin như học phí, viện phí chẳng lẽ chỉ trường công, bệnh viện công mới phải cung cấp, còn trường tư và bệnh viện tư nhân không phải cung cấp? Tôi nghĩ không phải như vậy, mọi thông tin liên quan đến đời sống người dân, lợi ích của cộng đồng thì tổ chức nào cũng phải cung cấp”, ông Thi đặt vấn đề.
Hoàn toàn đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích: “Tại sao người dân có quyền tiếp cận thông tin và nhà nước phải bảo đảm cho người ta? Là vì người ta có nhu cầu thực sự trong cuộc sống, người ta muốn hỏi khu đất này đã quy hoạch chưa? Người ta muốn hỏi tin đồn về một dịch bệnh có đúng hay không? Những câu hỏi, nhu cầu thông tin đó là có thật, gắn với cuộc sống của người dân. Vì vậy luật phải tạo cơ chế rất thuận lợi để người dân được tiếp cận”.
“Ngoài cơ quan nhà nước, tại sao lại không mở rộng ra các cơ quan khác? Ví dụ, một anh bạn trẻ có thể đến Đoàn thanh niên để hỏi về một dự án việc làm do cơ quan này quyết định. Rồi các tổ chức khác cũng vậy, tại sao trong luật này không quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của các tổ chức đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với người dân”, bà Mai nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng băn khoăn về quy định thu phí cung cấp thông tin. “Ví dụ trong trường hợp tôi yêu cầu được cung cấp thông tin, nhưng tôi không có tiền nghĩa là không có thông tin? Việc thu phí cung cấp thông tin áp dụng trong mọi trường hợp?”, bà Mai nêu câu hỏi.
Dự luật sẽ tiếp tục được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay.
LÊ KIÊN (Tuổi trẻ)