Sức hút hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

09/02/2017 10:05

Những ngày này, đến khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chúng tôi cảm nhận rõ không khí hội xuân náo nức bao trùm nơi đây.



Du khách trẩy hội xuân ở di tích Côn Sơn


Từ Tết Đinh Đậu, các ngả đường về Chí Linh và khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn tấp nập người hành hương, du xuân.

Là chốn quốc tự, Côn Sơn mê đắm lòng người với mặt hồ xanh ngắt, núi non trùng điệp, rừng thông bát ngát. Về Côn Sơn là về với cõi thiền, với thiên nhiên thanh khiết, ngắm nhìn cổ tự Côn Sơn, dừng chân nơi giếng Ngọc trong vắt, chìm đắm trong không gian hư ảo của Thanh Hư động, đi theo lối trúc thăm nền nhà xưa Nguyễn Trãi. Trong khi đó, Kiếp Bạc lại quyến rũ với làng mạc yên bình, các công trình kiến trúc uy linh, chốn sông nước mênh mang. Mỗi địa danh, mảnh đất nơi đây đều ăm ắp những chiến công lịch sử. Những giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử đặc biệt đó đã tạo nên sức cuốn hút của Côn Sơn - Kiếp Bạc với du khách mỗi dịp xuân về.

Năm nay thời tiết nắng đẹp, thuận lợi cho du khách trẩy hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Vãn cảnh chùa, đền trong tiết xuân sang, mỗi người đều tâm thành cầu mong cho một năm mới bình an, may mắn. Ở cả Côn Sơn và Kiếp Bạc đều có trạm thông tin giới thiệu đến du khách các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của khu di tích cùng các nội dung, chương trình của lễ hội. Tại Côn Sơn, từ Tết Đinh Dậu, các hoạt động văn hóa như cho chữ đầu xuân tại Tam quan nội, viết thư pháp Việt, ký họa chân dung... đã diễn ra, góp phần tạo không khí náo nức cho hội xuân.

Về Côn Sơn năm nay, du khách được chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc vừa hoàn thành. Nổi bật là tòa Cửu phẩm liên hoa độc đáo với 3 tầng 12 mái sừng sững, uy nghi tọa lạc phía sau chùa Côn Sơn. Bên trong là tháp Cửu phẩm liên hoa hình bát giác cao 7,9 m với 9 tầng chạm cánh sen, gắn 216 pho tượng Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Phía sau nhà phẩm là tổ đường chùa Côn Sơn có 5 gian, 2 chái và hậu đường 9 gian vừa hoàn thành, được bài trí 18 pho tượng Trúc Lâm Tam tổ, tam thế Phật, tăng thống… bằng gỗ mít sơn son thếp vàng có niên đại từ thế kỷ 17-19. Đường lên núi Côn Sơn cũng được chỉnh trang, tạo không gian ấn tượng. Đứng từ trên núi nhìn xuống, quần thể kiến trúc chùa Côn Sơn đậm màu sắc Phật giáo huyền hoặc giữa chốn núi rừng. Ông Nguyễn Văn Đức ở tỉnh Thái Bình cho biết: "Đầu năm nào tôi cùng gia đình cũng về Côn Sơn - Kiếp Bạc đi lễ. Năm nay đến Côn Sơn, tôi thấy có thêm nhiều công trình kiến trúc mới được xây dựng, trong đó ấn tượng nhất là tòa Cửu phẩm liên hoa. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo tôi chỉ được nghe chứ chưa được nhìn như hôm nay".

Tại di tích Kiếp Bạc, ngày 6-2 (mùng 10 tháng giêng), rất đông du khách tìm về đây tham dự lễ dâng hương mở hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trong tiếng trống chiêng rộn ràng, du khách bốn phương cùng nhân dân xã Hưng Đạo cung kính dâng các cỗ lễ lên các bậc tiền nhân xin phép được mở hội xuân theo phong tục truyền thống. Sau khi dự lễ dâng hương, du khách được thỏa lòng tận hưởng những giá trị văn hóa tâm linh của di tích và chốn sông nước Lục Đầu. Mặc dù không phải là địa điểm chính song trong những ngày diễn ra lễ hội mùa xuân, tại Kiếp Bạc sẽ có nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay tưởng niệm 683 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2017). Chính hội sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 19-2 (tức từ 14 đến 23 tháng giêng). Về Côn Sơn - Kiếp Bạc vào các ngày trọng hội, du khách sẽ được đắm mình vào nhiều hoạt động ý nghĩa như: lễ dâng hương, dâng bánh, lễ khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc linh từ, lễ đàn Mông Sơn thí thực, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm; thi bánh chưng, bánh dày, biểu diễn nghệ thuật, viết thư pháp, liên hoan pháo đất, vật dân tộc… Kỳ lễ hội năm nay, lễ rước nước ở hồ Côn Sơn tiếp tục được nâng cao chất lượng, mang đậm sắc màu Phật giáo. Đặc biệt tại di tích Côn Sơn sẽ diễn ra sự kiện khánh thành tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn mà trong đời không phải ai cũng may mắn có cơ hội tham dự. Chào mừng sự kiện này, tối 10-2 (14 tháng giêng) sẽ diễn ra lễ Liên hoa hội thượng mang màu sắc Phật giáo đặc sắc.



Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo và du khách dâng các cỗ lễ xin phép
mở hội xuân theo phong tục truyền thống


Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Từ Tết đến nay, lượng du khách trẩy hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc rất đông song không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, trộm cắp... Chỉ tính trong các ngày nghỉ Tết, di tích đã đón hơn 8 vạn lượt khách đến du xuân, chiêm bái. Để chuẩn bị cho kỳ lễ hội diễn ra vui tươi, ý nghĩa, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã rà soát, sơn sửa các đồ rước, tế lễ, thuyền để chuẩn bị cho lễ rước nước và các nghi lễ quan trọng khác. Những dàn ảnh giới thiệu về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội, hồng kỳ, đèn lồng truyền thống, cờ dây, đài sen, cờ Phật giáo được trang hoàng tại khu vực di tích từ trong Tết tạo không gian lễ hội đặc sắc. Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ thường xảy ra trong các ngày trọng hội, năm nay tất cả các xe ô tô từ 24 chỗ trở lên sẽ phải đậu ở bãi đỗ xe ngoài ở gần đường lên Ngũ Nhạc linh từ, chỉ có ô tô dưới 24 chỗ, xe máy và xe đạp được vào bãi đỗ xe phía trong. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, đơn vị cũng lắp đặt các biển cấm vứt rác ở khu vực di tích và trên núi Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc...

Với sự chuẩn bị chu đáo, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay hứa hẹn sẽ mang đến những điều hấp dẫn cho du khách thập phương.

NGỌC HÙNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức hút hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc