Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phủ nhận thông tin môn Ngữ văn sẽ thay đổi hình thức kiểm tra từ tự luận hoàn toàn sang tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan từ năm học 2022-2023.
Vài ngày nay, trên nhiều diễn đàn của giáo viên và học sinh phổ thông xôn xao thông tin đề kiểm tra môn Ngữ văn sẽ chuyển sang hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan từ năm học 2022-2023. Và việc này sẽ bắt đầu từ những lớp thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dẫn ở Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT.
Theo luồng thông tin này, phần đọc hiểu sẽ có nhiều câu hỏi trắc nghiệm nhằm kiểm tra phần nhận biết, thông hiểu và có thêm 2 câu hỏi tự luận ở phần thông hiểu và vận dụng thấp.
Cùng đó, nếu như những năm học trước đây, cấu trúc đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn thường có 4 điểm đọc hiểu và 6 điểm làm văn hoặc 3 điểm đọc hiểu-7 điểm làm văn thì tới đây, cấu trúc điểm sẽ là 6 (đọc hiểu)- 4 (viết).
Phần “làm văn” trước đây, bây giờ được gọi là phần “viết” sẽ là một bài văn hoàn chỉnh có thang điểm 4/10 điểm. Bài viết này, học sinh sẽ viết một bài văn trọn vẹn, tương ứng với thể loại, phương thức biểu đạt của phần kiến thức mà học sinh học ở chương trình và sách giáo khoa trên lớp chính khóa.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) phủ nhận thông tin nói trên.
Lãnh đạo Vụ này khẳng định, Bộ GD-ĐT chưa có bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào nói rằng từ năm học tới sẽ kiểm tra, đánh giá đối với học sinh ở môn Ngữ văn bằng kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận.
“Có thể đó là một đề xuất được đưa ra từ một hội thảo nào đó, còn Bộ GD-ĐT chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc này”, vị này nói.
Theo vị này, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông mới nhất của Bộ ban hành chỉ hướng đến việc phát huy sáng tạo, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Việc này nhằm tiếp tục khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của các em trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.
Theo Vietnamnet