Hiến mô, tạng từ những người không may chết não hoặc tử vong chính là trao đi sự sống cho nhiều người khác. Đó còn là cách để cuộc đời của những người hiến được hồi sinh.
Ông Nguyễn Công Mão ở khu dân cư Trình Xá (thị trấn Gia Lộc) nhận thẻ hiến mô, tạng từ năm 2019
Bỏ qua định kiến
Đã hơn 7 năm con gái qua đời vì căn bệnh u tủy, vợ chồng bà Vũ Thị Dụ và ông Nguyễn Văn Xuân ở khu dân cư An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ vẫn không ngừng nhớ về con. Con gái ông bà là chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1987), được phát hiện bị u tủy sống từ khi mới 2 tháng tuổi. Căn bệnh quái ác đeo đẳng cô gái suốt 18 năm. Dù cuộc đời dừng lại ở tuổi đẹp nhất, chị Nga vẫn giúp hai người thiệt thòi khác bằng việc hiến giác mạc.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, tình cờ một lần xem trên ti vi có câu chuyện của một người đàn ông ở Mỹ bị tai nạn giao thông xin hiến giác mạc trước khi qua đời, chị Nga đã nhờ mẹ đăng ký giúp.
“Gia đình bất ngờ trước quyết định của cháu, động viên cháu suy nghĩ kỹ vì những tư tưởng lạc hậu lúc bấy giờ nhưng với Nga đó là tâm nguyện cuối cùng trước khi sang thế giới bên kia. Nga có thể được nhìn mẹ ngay cả khi mình không còn nữa”, bà Dụ xúc động nhớ lại.
Mãi tới năm 2009, vợ chồng bà Dụ mới đồng ý viết đơn đăng ký cho con. Khi đó, vợ chồng bà Dụ nén lại nỗi đau trong lòng phần vì thương con, phần vì những lời dị nghị, bàn tán của hàng xóm. Nhiều người cho rằng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng bà Dụ mới phải bán giác mạc của con. Họ hàng cũng không ít người phản đối việc này. Năm 2014, Nga mất, giác mạc của chị được hiến cho hai người.
Thấu hiểu được những giá trị nhân văn từ việc làm của Nga, cả ông Xuân, bà Dụ và anh trai của Nga đều đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Người dân trong khu dân cư của họ giờ đã có cái nhìn đúng đắn hơn về việc hiến mô, tạng.
Nối dài sự sống
Mỗi câu chuyện hiến mô, tạng luôn mang những giá trị thiêng liêng, cao cả khi sự sống không ngừng được trao đi.
Nhắc về hiến mô, tạng, nhiều người nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của bà Trương Thị Nhường tại xã Thanh Tùng (Thanh Miện) đã hiến tạng của anh N.T.T., con trai của bà cho 6 người. Anh T. mất vì tai nạn giao thông. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện các ca ghép đa mô tạng từ cơ thể anh T. để cứu sống, góp phần hoàn chỉnh cơ thể cho 6 bệnh nhân. Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã chuyển quả tim của anh T. đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để ghép cho bệnh nhân bị giãn cơ tim giai đoạn cuối. Gia đình 5 người nhận tạng đã liên hệ gặp bà Nhường ngay sau đó và vẫn giữ liên lạc thường xuyên.
“Tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định lúc ấy. T. thông minh, sống tình cảm, nó chắc hẳn rất vui vì được giúp đỡ người khác như vậy. Ngay cả khi người ngoài đồn thổi tôi bán tim con lấy 2 tỷ, tôi buồn lắm nhưng cũng gạt đi vì đến một ngày mọi người sẽ hiểu. Đổi lại, tôi đã có thêm nhiều người thân, nhận tôi làm mẹ, bà nội, hiếu thuận với tôi như em T. Nếu tôi không cho đi, sao có thể nhận lại được những tình cảm thiêng liêng ấy”, bà Nhường chia sẻ.
Năm 2018, vợ chồng anh H.Đ.S. và chị N.T.V. ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) đều tự nguyện đăng ký hiến tạng. Được nghe những câu chuyện xúc động của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kể về những ca nguy kịch được cứu sống từ việc hiến tạng, anh S. lập tức xung phong đăng ký. Chị V. cũng không ngần ngại đăng ký cùng chồng. "Chúng tôi đều nghĩ đơn giản rằng cho đi thì sẽ còn mãi mãi, giúp được một người cũng đã là điều đáng quý”, chị V. chia sẻ.
Từ năm 2014 trở lại đây, số người tham gia hiến mô, tạng tăng dần. Năm 2020, tỉnh có 1.115 người đăng ký hiến mô, tạng. Thị xã Kinh Môn và huyện Tứ Kỳ là hai địa phương có số lượng đăng ký nhiều nhất. Có được con số này là cả một chặng đường cố gắng của những cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ các cấp. Thông qua các đợt tổ chức hiến máu tình nguyện, các cán bộ, hội viên đan xen nội dung về hiến mô, tạng để cộng đồng có cái nhìn đầy đủ hơn về việc làm nhân văn này.
Chị Nguyễn Thị Mừng, Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết nhiều người trong tỉnh đã đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể. Xã hội đang cởi bỏ dần tư tưởng bắt buộc khi mất thân thể phải nguyên vẹn.
Những nghĩa cử cao đẹp của người hiến mô, tạng đã nối dài sự sống cho biết bao người thiệt thòi. Đó thực sự là món quà quý giá của cuộc sống.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 14 lớp tập huấn cho hơn 800 cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ các cấp về công tác tổ chức, công tác hiến máu, hiến mô, tạng. Thông qua Facebook, hội tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương điển hình về hiến mô, tạng. |
TUYẾT HÒA