Sự ra đời của ngành dân vận và công tác dân vận thời kỳ 1930-1945

08/10/2010 06:01

Bộ Chính trị (khoá VII) quyết định lấy ngày 15-10, một trong những ngàydiễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất làm ngày truyền thốngcông tác dân vận của Đảng.

Cách đây 80 năm, từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú. Hội nghị thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng, Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, thông qua các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, phản đế đồng minh, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động (địch vận) và vấn đề cứu tế. Hội nghị đã xác định đường lối chính trị của Đảng, của cách mạng Việt Nam, trong đó có công tác vận động, giác ngộ quần chúng  đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ lớn của Đảng. Trung ương đã sớm thành lập các Ban: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận và Mặt trận phản đế. Đây là những tổ chức tiền thân đặt nền tảng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị sau này.

Xuất phát từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn nói trên, Bộ Chính trị (khoá VII) quyết định lấy ngày 15-10, một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất làm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng. Đồng thời ngày 15-10 cũng là ngày bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh X.Y.Z) đăng trên báo Sự thật (năm 1949). Nhân kỷ niệm 50 năm bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật của Bác Hồ, Bộ Chính trị (khóa VIII) cũng đã quyết định lấy ngày 15-10 là Ngày Dân vận của cả nước. Từ đó đến nay, ngày 15-10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và Ngày Dân vận của cả nước.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta, công tác dân vận đã gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta.

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã nhanh chóng tổ chức các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Đảng viên của Đảng đã đi vào các giai cấp, các tầng lớp nhân dân để tuyên truyền vận động, tổ chức tập hợp và quảng đại quần chúng nhân dân để huấn luyện họ đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ mà đỉnh cao là Xô - viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đảng ta đã mở rộng chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân và công tác Mặt trận. Quần chúng đã được tập hợp qua các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp. Bằng khẩu hiệu đấu tranh cho lợi ích và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, mà các đoàn thể chính trị (đã được đổi tên) làm nòng cốt, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều.

Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời với chủ trương đoàn kết hết thảy các giới đồng bào yêu nước, đứng lên đánh đuổi Nhật- Pháp để dựng lên nước Việt Nam tự do, độc lập. Các chính sách của Mặt trận Việt minh nêu ra phù hợp với lợi ích của các tầng lớp xã hội, có sức hấp dẫn và tính thuyết phục cao nên đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, tiến lên khởi nghĩa từng phần. Đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chính trị là đấu tranh vũ trang. Đảng ta đã nhanh chóng phát triển lực lượng chính trị quần chúng và thành lập lực lượng vũ trang nhân dân với tên gọi là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Khi thời cơ đến Đảng đã lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh cho đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng. Chỉ với hơn 5.000 đảng viên, song Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh từ thấp đến cao, cuối cùng là nổi dậy, làm cuộc Tổng khởi nghĩa ở toàn quốc.

(0) Bình luận
Sự ra đời của ngành dân vận và công tác dân vận thời kỳ 1930-1945