“Sứ mệnh” ngoại giao quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc

25/09/2019 20:24

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in tái khẳng định quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn là nhân tố cốt lõi của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên...


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và tham dự khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra đúng vào thời điểm có dấu hiệu Mỹ và Triều Tiên sẽ nối lại đối thoại, cũng như mối lo ngại dấy lên gần đây về sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington.

Chính vì vậy, sứ mệnh quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến công du là nhằm tái khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc Hàn-Mỹ và thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều.

Khẳng định quan hệ đồng minh và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Triều

Với một sứ mệnh rõ ràng như vậy, nên tại cuộc gặp ngày 23.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Chae-in đã tập trung thảo luận về các biện pháp củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh, cụ thể là việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận trong vấn đề chia sẻ chi phí quân sự để đảm bảo hoạt động của Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).

Về phía Hàn Quốc, tuyên bố của Văn phòng tổng thống nước này cho biết tại cuộc gặp này, Tổng thống Moon Chae-in thể hiện Seoul sẵn sàng cùng Mỹ chia sẻ chi phí hoạt động của USFK ở mức "hợp lý và công bằng". 

Trong cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in cũng thảo luận về việc Seoul chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Trump bày tỏ quan ngại việc hủy bỏ GSOMIA sẽ không chỉ tác động tới hợp tác an ninh giữa Hàn-Mỹ-Nhật mà còn tác động tới cả quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì nhấn mạnh việc chấm dứt GSOMIA không quan trọng đến mức gây hại cho quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington, do mức độ trao đổi thông tin quân sự Hàn-Nhật không chiếm tỷ trọng lớn trong việc đảm bảo an ninh đồng thời cho biết sẽ xem xét vấn đề này.

Trên tinh thần đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in đã tái khẳng định rằng quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn là nhân tố cốt lõi của hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực.

Ngoài vấn đề quan hệ đồng minh, lãnh đạo hai nước cũng thảo luận về những nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hai bên tái khẳng định cam kết tránh sử dụng biện pháp quân sự đối với  Triều Tiên, đồng thời nhất trí sẽ duy trì trao đổi thường xuyên trong những tháng tới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng vào khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo đánh giá của Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Trump đã có những đóng góp cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ông cho biết Mỹ và Triều Tiên dự kiến nối lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa ở cấp độ chuyên viên, vốn có thể là động thái mở đường cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai nước.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Trump khẳng định ông có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên không vi phạm cam kết trong thỏa thuận giữa hai nước, bất chấp chất các vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn và những vật thể chưa được xác định của Bình Nhưỡng trong thời gian qua.

Tổng thống Trump cho biết: “Chúng tôi không thảo luận vấn đề đó với Triều Tiên. Chúng tôi chỉ thảo luận về các vụ thử hạt nhân và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giữ đúng cam kết”.

Về khả năng Washington tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump cho biết “Giờ đây, mọi người trông đợi điều đó diễn ra. Tuy nhiên, chúng tôi còn nhiều điều cần làm trước khi một hội nghị như vậy được tổ chức”.

Sứ mệnh quan trọng

Có thể thấy quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ gần đây có nhiều lỗ hổng sau khi Hàn Quốc chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung với Nhật Bản. Mỹ đã nhiều lần công khai bày tỏ sự bất bình về vấn đề này và yêu cầu Seoul hủy bỏ quyết định do hiệp định này không chỉ quan trọng trong quan hệ hợp tác an ninh giữa Hàn-Mỹ-Nhật mà cả quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Do vậy, việc Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh việc chấm dứt GSOMIA không quan trọng đến mức gây hại cho quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington, do mức độ trao đổi thông tin quân sự Hàn-Nhật không chiếm tỷ trọng lớn trong việc đảm bảo an ninh đồng thời cho biết sẽ xem xét vấn đề này đã phần nào khiến Tổng thống Mỹ Trump “an lòng”.

Một rào cản lớn nữa giữa hai nước là việc Mỹ yêu cầu Hàn Quốc trả thêm chi phí quân sự Hàn-Mỹ. Một thực tế là từ năm 1991, Hàn Quốc đã chia sẻ một phần chi phí của Mỹ cho hoạt động của USKF theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA), bao gồm chi cho việc tuyển dụng người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì sự sẵn sàng của liên minh, cũng như các dự án cải thiện phòng thủ hỗn hợp và nhiều hình thức hỗ trợ khác.

Thỏa thuận được gia hạn mỗi năm một lần. SMA gia hạn lần thứ 10, được ký tháng 2.2019 sau nhiều tháng thương thảo khó khăn và sẽ hết hiệu lực vào ngày 31.12 tới, theo đó Seoul đã đồng ý trả 1.040 tỷ won (879 triệu USD), tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won của năm trước. Dự kiến, hai bên sẽ thảo luận mức chia sẻ chi phí cụ thể tại các cuộc đàm phán SMA lần thứ 11 tới đây.

Tổng thống Mỹ Trump từng chỉ trích nước đồng minh Hàn Quốc là "quốc gia tồi" do các nước này gánh vác chi phí phòng thủ ít hơn so với kỳ vọng của Mỹ và nhiều lần hối thúc Hàn Quốc gia tăng khoản đóng góp cho chi phí hỗ trợ USFK hoạt động. Và cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in sẵn sàng cùng Mỹ chia sẻ chi phí hoạt động của USFK ở mức "hợp lý và công bằng" đã là cầu trả lời cho thấy mối quan hệ đồng minh vững chắc Hàn-Mỹ.

Không chỉ với mục đích tái khẳng định quan hệ đồng minh, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn nhằm thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ ba trong thời gian tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã thông báo Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9 này.

Trong khi đó, về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết cuộc gặp tiếp theo "có thể sớm diễn ra" đồng thời đề xuất một "cách thức mới" có thể giúp phá vỡ bế tắc hiện nay trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định ông có quan hệ tốt với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Trump cũng quyết định sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người vốn có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông Bolton đã khiến Mỹ thụt lùi trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên khi áp đặt "mô hình Libya" và yêu cầu Bình Nhưỡng "giao nộp tất cả vũ khí hạt nhân” để đổi lấy sự nhượng bộ từ Washington. Song cho tới nay, Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa lên kế hoạch cụ thể cho các cuộc gặp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần ba.

Trên thực tế, không thể phủ nhận dấu ấn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bước đột phá giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trước nguy cơ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đổ vỡ, với vai trò là người “bắc cây cầu” giữa Mỹ và Triều Tiên, kể từ năm 2018 nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã thực hiện sứ mệnh ngoại giao con thoi mà kết quả là lần đầu tiên sau một thời gian dài, Mỹ và Triều Tiên có thể đàm phán trên tinh thần thiện chí, với hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore và ở Hà Nội trong vòng chưa đầy một năm.

Hơn nữa, hiện tại khi Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa thu hẹp được bất đồng lớn về cách thức thực hiện phi hạt nhân hóa đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào thế bế tắc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in một lần nữa được kỳ vọng đảm nhận vai trò "trung gian" trong cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Washington khẳng định lập trường là chỉ đạt "thỏa thuận cả gói", hay một "thỏa thuận lớn" với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Triều Tiên yêu cầu thực hiện phi hạt nhân hóa từng bước. Trong bối cảnh này, mâu thuẫn gay gắt nhất hiện tại giữa hai nước là lệnh cấm vận Triều Tiên. Mỹ giữ lập trường tiếp tục duy trì lệnh cấm vận cho đến khi thấy rõ kết quả phi hạt nhân hóa.

Về phần mình, Bình Nhưỡng yêu cầu xóa bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc nước này thực hiện một số bước phi hạt nhân hóa. Thêm vào đó, gần đây Triều Tiên cũng hối thúc Mỹ thể hiện thiện chí bằng việc đưa ra một "cách thức tính toán mới", cũng như đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng trước khi có bất cứ cuộc thảo luận nào về phi hạt nhân hóa.                    

Đặc biệt trong khi Tổng thống Mỹ Trump đang hết sức cần những thành quả ngoại giao, đặc biệt là sự tiến triển trong vấn đề Triều Tiên để giành lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, vai trò "trung gian" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in một lần nữa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Sứ mệnh” ngoại giao quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc