Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 9.11.
TRONG NƯỚC
Ngày 9.11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đang trong chuyến thăm Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ 3 và dự lễ khai mạc Đối thoại ASEAN - Australia lần thứ 2 về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Australia. Ảnh: TTXVN.
Ngày 9.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương). Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
Ngày 9.11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Marise Payne đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ ba. Trong 20 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Australia liên tục tăng trưởng, với mức tăng trung bình 8,6% và hai bên đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 14 của nhau. Việt Nam và Australia đều ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương và là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực, trong đó có những hiệp định toàn diện, thế hệ mới như Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANFTA) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ ba. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN.
Ngày 9.11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên xét xử phúc thẩm đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Dự kiến, phiên tòa sẽ được diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 9.11 đến hết ngày 12.11.2021). Hội đồng xét xử trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Mã Anh Tài làm chủ tọa phiên tòa. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) do sức khỏe yếu, có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN.
Ngày 9.11, tại xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận phối hợp với Ban từ thiện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Hàng hóa tại chợ được các chùa trên địa bàn tỉnh hỗ trợ. Hiện nay, huyện Hàm Thuận Bắc đang áp dụng biện pháp phòng chống dịch cấp độ 4 (vùng đỏ), trong đó riêng xã Hàm Đức đang bị phong tỏa hoàn toàn do có nhiều ca mắc COVID-19. Trong ảnh: “Phiên chợ 0 đồng” với đa dạng nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN.
Rạng sáng 9.11, tại đường dẫn cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một xe container lưu thông trên đường Vành đai 3 hướng từ trung tâm Hà Nội đi Bắc Giang thì bất ngờ tông vào dải phân cách bên phải đường và lao xuống taluy âm của đường dẫn lên cầu. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng xảy ra ùn tắc kéo dài. Đến 13 giờ, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục cẩu xe để giải phóng làn đường, nhanh chóng giảm ùn tắc trên tuyến. Trong ảnh: Chiếc xe container bị lật trên đường lên cầu Thanh Trì đã húc đổ cột biển báo, kéo đổ nghiêng cột khung biển báo hiệu, gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN.
TRONG TỈNH
Sáng 9.11, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Dương. Kiểm tra thực tế tại khu vực 2 bên sông Sặt, đoạn qua phường Tứ Minh và xã Liên Hồng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu TP Hải Dương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, cập nhật đầy đủ những chủ trương thời kỳ trước về quy hoạch đối với các phân khu trong khu vực này. Nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu có chọn lọc đề xuất nghiên cứu quy hoạch ở khu vực trên của các doanh nghiệp, trong đó có đề xuất của Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông. Việc lập điều chỉnh quy hoạch tại khu vực trên phải bám sát định hướng phát triển của TP Hải Dương và của tỉnh; xác định rõ ranh giới, nguồn gốc đất, bảo đảm hệ thống hạ tầng đồng bộ, không chồng lấn quy hoạch và có tính khả thi cao. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu TP Hải Dương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, khẩn trương hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kiểm tra khu vực bên bờ sông Sặt tại địa bàn xã Liên Hồng (TP Hải Dương). Ảnh: Hoàng Biên
QUỐC TẾ
Vào khoảng 9 giờ 7 phút (giờ Việt Nam), vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 5 (Epsilon-5) và tự bay trong không gian. Đây là vệ tinh cuối cùng được tên lửa thả vào không gian. Vào lúc 11 giờ 30 phút, NanoDragon đã lần đầu tiên bay qua vùng trời Việt Nam. Trước đó cùng ngày, tên lửa Epsilon-5 đã được phóng thành công vào quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản, mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam và 8 vệ tinh khác của Nhật Bản. Trong ảnh: Tên lửa Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam và 8 vệ tinh khác của Nhật Bản rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản ngày 9.11. Ảnh: Kyodo/TTXVN.
Ngày 9.11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố chính quyền của ông sẽ làm mọi việc có thể để đưa đất nước hoàn toàn quay trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế. Hàn Quốc tháng này đã bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế trong bước đầu tiên của chính sách "sống chung với COVID-19", sau khi hơn 70% dân số của nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, các cơ quan y tế vẫn cảnh giác cao độ vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể trở lại xu hướng gia tăng. Trong ảnh: Người dân xếp hàng bên ngoài một nhà thờ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/ TTXVN.
Sau 6 tháng làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), sáng 9.11(giờ Việt Nam), bốn phi hành gia thực hiện sứ mệnh Crew-2 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở về Trái Đất trên tàu vũ trụ Crew Dragon của tập đoàn Space X. Tàu Crew Dragon đã đáp xuống vùng biển Vịnh Mexico ngoài khơi Florida theo đúng kế hoạch sau khi bay xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất. Bốn phi hành gia trên bao gồm 2 phi hành gia Shane Kimbrough và Megan McArthur thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), phi hành gia Akihiko Hoshide của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản và phi hành gia Thomas Pesquet của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Cả 4 người này đã được đưa lên ISS hồi tháng 4. Trong ảnh: Bốn phi hành gia thực hiện sứ mệnh Crew-2 của NASA trở về Trái Đất trên tàu vũ trụ Crew Dragon. Ảnh: AFP/TTXVN.
Ngày 8.11, ít nhất 26 trẻ nhỏ từ 5-6 tuổi đã thiệt mạng khi những lớp học của các em, được dựng bằng gỗ và rơm, tại TP Maradi, miền Nam Niger, bị lửa thiêu rụi. Thị trưởng Maradi, Chaibou Aboubacar, cho biết đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách xác định ngoài 26 người thiệt mạng còn 13 người khác bị thương, trong đó 4 trường hợp bị thương nghiêm trọng. Chính quyền Maradi tuyên bố để tang các nạn nhân trong 3 ngày, từ ngày 9.11. Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy trường học tại thành phố Maradi, miền Nam Niger. Ảnh: SEE NEWS/TTXVN.