Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch COVID- 19; Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở 4 dự án... là những sự kiện nổi bật ngày 27.5.
TRONG NƯỚC
Ngày 27.5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch COVID- 19 trực tuyến với 63 điểm cầu do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khởi xướng. Phát biểu tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tùy theo điều kiện, khả năng mà tham gia ủng hộ vật chất và tinh thần, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch COVID-19. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quyên góp ủng hộ phòng chống dịch COVID- 19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 27.5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp, các đại biểu nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo sơ bộ về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước năm 2019, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 27.5, tại trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về việc triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch. Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch ưu tiên hơn một bước”, Phó Thủ tướng nêu rõ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có sự chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ nhằm không “ngăn sông, cấm chợ” không cần thiết. Trong ảnh: Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Nhằm hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, sáng 27.5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp triển khai Chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2021. Trước kỳ thi, chương trình sẽ tập trung tuyên truyền, triển khai các kênh thông tin tiếp nhận nhu cầu hỗ trợ của thí sinh, tổ chức tư vấn trực tuyến về thông tin kỳ thi, khởi động kết nối tình nguyện viên và thí sinh, nhất là thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Trong thời gian diễn ra kỳ thi, chương trình sẽ phối hợp các cấp chính quyền, cơ sở y tế, giáo dục chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các điểm thi; tổ chức đưa, đón thí sinh. Trong ảnh: Quang cảnh buổi triển khai Chương trình "Tiếp sức mùa thi: năm 2021. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Ngày 27.5, Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tạm giữ hình sự Nguyễn Bá Minh (sinh năm 1984, trú tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) để điều tra về hành vi cướp tài sản, đồng thời củng cố hồ sơ làm rõ thêm hành vi giết người. Đối tượng Minh đã đâm trọng thương 2 người ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều để cướp tài sản. Sau khi gây án, đối tượng bỏ trốn qua nhiều tỉnh, thành và bị bắt vào trưa ngày 26.5 khi đang trốn trong một vườn mít ở tỉnh Hậu Giang. Trong ảnh: Đối tượng Nguyễn Bá Minh tại cơ quan Công an. Ảnh: TTXVN
Đến 8 giờ ngày 27.5, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 11 trường hợp nghi nhiễm liên quan đến giáo phái Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa điểm sinh hoạt tại phường 3, quận Gò Vấp, nâng tổng số ca nghi nhiễm lên tới 24 trường hợp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), 24 trường hợp này bao gồm 19 người sinh hoạt cùng trong giáo phái, 2 người là tiếp xúc gần gia đình người nghi nhiễm tham gia giáo phái, 3 người làm cùng tòa nhà với ca nghi nhiễm làm việc tại phường 10, quận Phú Nhuận. Trong ảnh: Các lực lượng chức năng tạm thời phong toả khách sạn Sheraton (88 Đồng Khởi, Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) sáng 27.5 khi có ca nghi nhiễm COVID-19 làm việc tại đây. Ảnh: Thu Hương - TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 27.5, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra, khảo sát một số công trình giao thông tại TP Hải Dương, các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang và công trình xây dựng Bệnh viện Phụ sản tỉnh (TP Hải Dương). Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu TP Hải Dương và các cơ quan chuyên môn của tỉnh rà soát lại toàn bộ công trình đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng nối nút giao lập thể Ba Hàng với đường tỉnh 390B, tổng hợp toàn bộ khó khăn, vướng mắc để đề xuất giải quyết tổng thể, tránh phát sinh lẻ tẻ. Công trình đã chậm tiến độ cần sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng để thi công. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cũng kiểm tra việc giải phóng mặt bằng tại dự án xây dựng đường kết nối quốc lộ 38 thuộc xã Lương Điền (Cẩm Giàng) với đường huyện 31 của tỉnh Hưng Yên; khảo sát việc xây dựng đường tỉnh 394B điểm đầu từ quốc lộ 5 thuộc xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) đến đường 392, thuộc xã Bình Minh (Bình Giang) và kiểm tra tiến độ thi công Bệnh viên Phụ sản tỉnh. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kiểm tra việc giải phóng mặt bằng dự án đường nối từ quốc lộ 38 thuộc xã Lương Điền (Cẩm Giàng) với đường huyện 31 của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: DT
Chiều 27.5, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hải Dương. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Thế Hùng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân TP Hải Dương, đồng thời chia sẻ với những vất vả, khó khăn của lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Đồng chí đề nghị TP Hải Dương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại các địa bàn có nguy cơ cao về dịch bệnh; căn cứ tình hình dịch bệnh, thành phố xem xét đề xuất Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ lực lượng để bảo đảm phòng chống dịch; sớm xem xét có chế tài xử lý những trường hợp không đi xét nghiệm theo thông báo của thành phố. Kiểm tra việc lấy mẫu xét nghiệm tại điểm Trường Tiểu học Thanh Bình và Trường THCS Hải Tân, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các đơn vị sau khi hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm phải phun khử khuẩn, làm sạch môi trường, thu gom xử lý rác thải bảo đảm quy định. Trong ảnh: Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra việc lấy mẫu xét nghiệm tại Trường THCS Hải Tân. Ảnh: Hà Vy
Sáng 27.5, một đám khói màu vàng nghệ bao phủ một phần khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng). Đám khói xuất hiện từ khoảng 8 - 8 giờ 30 phút. Khói có mùi khét rất khó chịu, người dân xung quanh khu vực này cho biết sau khi khói tan một lúc lâu, mùi khét lẹt vẫn quanh quẩn trong không khí. Theo ông Vũ Văn Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phúc, đám khói này xuất phát từ Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam do sự cố bình dập mạ kim loại. Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên gia công sản xuất, gia công cơ khí chính xác các loại linh kiện kim khí của đồ điện gia dụng, máy móc văn phòng. Vào tháng 6.2019, hiện tượng khói vàng nghệ bao phủ một phần bầu trời tại khu công nghiệp Phúc Điền từng diễn ra khiến người dân khu vực này lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Khói vàng nghệ bao phủ 1 phần khu công nghiệp Phúc Điền. Ảnh: Quỳnh Hòa
QUỐC TẾ
Ngày 27.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga tiêm vaccine ngừa COVID-19, song cũng nhấn mạnh việc tiêm chủng là dựa trên tinh thần tự nguyện. Phát biểu trong cuộc họp Chính phủ, Tổng thống Putin hối thúc người dân Nga gạt bỏ mọi hoài nghi hiện có về vaccine ngừa COVID-19, đồng thời khẳng định các vaccine do Nga sản xuất là "đáng tin cậy và an toàn nhất" trên thế giới. Ông nêu rõ: "Điều quan trọng nhất là sức khỏe. Xin hãy nghĩ về điều đó". Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp ở Moskva, Nga. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng cuộc hội đàm đầu tiên của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, sẽ “báo hiệu một kỷ nguyên mới” sau hơn một năm quan hệ giữa hai nước có nhiều khúc mắc. Phát biểu trên truyền hình ngày 26.5, Tổng thống Erdogan cho biết ông và nhà lãnh đạo Mỹ đã nhất trí gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo kế hoạch diễn ra tại Thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 14.6 tới. Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara. Ảnh: TTXVN
Ngày 26.5, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo AstraZeneca sẽ phải bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ euro nếu công ty này không tăng lượng cung vaccine ngừa COVID-19 vào tháng tới. Trong thông báo, luật sư của EU - ông Rafael Jafferali nói rằng Ủy ban châu Âu (EC) muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho khối số lượng 20 triệu liều vaccine bổ sung vào cuối tháng 6. Yêu cầu bồi thường trên là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vaccine trong quý 2 năm nay, thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Trong ảnh: Biểu tượng AstraZeneca bên ngoài văn phòng của công ty này ở Macclesfield, Anh. Ảnh: TTXVN
Lo ngại nguy cơ núi lửa Nyiragongo tiếp tục phun trào, ngày 27.5, giới chức CHDC Congo đã yêu cầu hàng chục nghìn người dân ở nhiều khu vực tại TP Goma đi sơ tán. Núi lửa Nyiragongo cao 3.000 mét, nằm ở Đông Bắc CHDC Congo và là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Phi. Ngày 22.5, núi lửa Nyiragongo đã phun trào khiến 32 người thiệt mạng và ít nhất 5.000 người mất nhà cửa. Nham thạch sau đó đã ngừng chảy, nhưng đến ngày 25.5, gần 120 trận dư chấn mạnh đã xảy ra làm rung chuyển TP Goma. Trong ảnh: Người dân bị mất nhà cửa do núi lửa Nyiragongo phun trào, đợi nhận hàng cứu trợ tại Goma, CHDC Congo, ngày 26.5. Ảnh: TTXVN