Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ 2, ít nhất 60 người biểu tình Palestine bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel... là những sự kiện nổi bật ngày 27.4.
TRONG NƯỚC
Ngày 27.4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế hồ Nhạn Thê, Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ hai. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thứ ba: “Thúc đẩy phát triển xanh và bền vững để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc”. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 27.4, tại Hà Nội, đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm trưởng đoàn làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong ảnh: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN
Ngày 27.4, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Lễ khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, công suất 330 MWp, dự kiến sản xuất điện khoảng 600 triệu KWh/năm. Đây là cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tính tới thời điểm hiện tại. Cũng trong sáng 27.4, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cũng tổ chức lễ khánh thành tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam - giai đoạn 1 tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam - giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, tổng công suất 409,95 MW, sản lượng điện dự kiến phát từ 950 – 1 tỷ KWh/năm. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ngày 27.4, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế lần thứ III năm 2019 được tổ chức tại thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) với sự tham gia của 10 đội khinh khí cầu đến từ các quốc gia: Hà Lan, Nhật Bản, Hàn quốc, Thái Lan và Việt Nam. Lễ hội khinh khí cầu sẽ diễn ra 3 ngày, từ 27-29.4, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Trong ảnh: Lễ hội khinh khí cầu diễn ra tại sân Hàm Nghi bên trong kinh thành Huế. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Ngày 27.4, tại Sân vận động tỉnh Vĩnh Long, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestle Việt Nam tổ chức Chương trình đồng diễn thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh tiểu học tỉnh Vĩnh Long với sự tham gia biểu diễn của 6.146 học sinh thuộc 64 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Sự kiện được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Bài đồng diễn thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ có số lượng học sinh tham gia đông nhất Việt Nam. Trong ảnh: Các em học sinh tham gia đồng diễn các bài thể dục. Ảnh: Thúy Hằng - TTXVN
Vào lúc 10 giờ 30 ngày 27.4, tàu SAR 274 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đưa 7 thuyền viên và lai dắt tàu cá ĐNa 91087 TS gặp nạn trên biển do bị hỏng máy và trôi dạt ở phía Nam Vịnh Bắc Bộ từ ngày 22.4 về đến cầu cảng Trung tâm cứu nạn tại Đà Nẵng an toàn. Các thuyền viên gặp nạn sau khi lên bờ đã được Trung tâm bàn giao cho cơ quan chức năng địa phương, hiện sức khỏe các ngư dân đã ổn định. Trong ảnh: Thăm hỏi, tặng quà động viên ngư dân tàu cá ĐNa 91087 TS gặp nạn trên biển. Ảnh: Xuân Nguyên – TTXVN
Trưa 27.4, thông tin từ Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết tổng số công nhân bị ngộ độc khí gas tại Công ty Seavina (khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) đang được cấp cứu tại các bệnh viện là 25 ca. Trong đó, 3 ca ở Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, 9 ca ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và 13 ca ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, có 2 ca rất nặng phải đặt nội khí quản thở máy. Sáng cùng ngày, tại Công ty Seavina, chuyên sản xuất, chế biến tôm đã xảy ra vụ rò rỉ khí gas hiến hàng chục công nhân bị ngộ độc. Trong ảnh: Công nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN
QUỐC TẾ
Ít nhất 60 người biểu tình Palestine đã bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel ngày 26.4 tại miền Đông Dải Gaza, giáp giới với Israel. Người phát ngôn Cơ quan Y tế tại Gaza Ashraf al-Qedra cho biết những người bị thương, trong đó có 19 trẻ em, 1 nhân viên y tế và 1 phóng viên ảnh địa phương, đã phải nhập viện. Ít nhất 25 người bị thương do trúng đạn của lực lượng Israel, trong khi hàng chục người khác được điều trị do hít phải hơi cay. Trong ảnh: Người biểu tình Palestine bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại miền Đông Dải Gaza ngày 26.4. Ảnh: THX/TTXVN
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết sáng 27.4 hai nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham và Hurras al-Deen đã gây ra các vụ tấn công ở tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria khiến 17 binh sĩ Chính phủ và dân quân thiệt mạng cùng 30 người khác bị thương. Theo SOHR, Hayat Tahrir al-Sham là một nhánh trước đây của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Syria còn Hurras al-Deen hiện vẫn có quan hệ với mạng lưới thánh chiến toàn cầu này. Trong ảnh (tư liệu): Nhà cửa bị phá hủy sau một cuộc tấn công ở Salaheddin, Aleppo. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo công bố ngày 26.4 của Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu (GFW) cho thấy trong năm ngoái, Brazil đứng đầu danh sách các nước có diện tích rừng bị chặt phá nghiêm trọng nhất thế giới mặc dù tốc độ phá rừng tại quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã giảm 70% so với năm 2017. Theo GFW, Brazil đã mất tổng cộng 13.471 km2 rừng mưa trong năm 2018, diện tích rộng gần tương đương bang Connecticut của Mỹ. Số liệu của tổ chức trên cho thấy tốc độ biến mất của rừng mưa nhiệt đới - "chìa khóa" để bảo tồn đa dạng sinh học - đã giảm mạnh sau hai năm xảy ra vụ hỏa hoạn lịch sử, song vẫn cao hơn khá nhiều so với các năm đầu thập kỷ trước. Trong ảnh (tư liệu): Khoảng rừng Amazon bị chặt phá, tại bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN