Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến khẩn cấp với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra một số chốt kiểm dịch cấp tỉnh tại TP Chí Linh... là những sự kiện nổi bật ngày 26.5.
TRONG NƯỚC
Ngày 26.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng chống dịch tại địa phương này, trong bối cảnh dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh có những diễn biến hết sức phức tạp. Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận về tình hình, đề xuất các giải pháp mới quyết liệt hơn, thần tốc hơn, với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại hai địa phương này. Đến nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1.454 ca, chủ yếu liên quan đến 3 ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam; tại Khu công nghiệp Vân Trung; tại Khu công nghiệp Quang Châu. Tổng số trường hợp F1: 13.173, F2: 61.341. Còn tại tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 556 ca, liên quan đến các huyện, thành phố như: Thuận Thành (403), TP. Bắc Ninh (48), Yên Phong (31), Quế Võ (26) và 5 huyện còn lại ghi nhận tổng cộng 48 ca.Tổng số các trường hợp F1, F2 là 37.012, trong đó Fl là 4.806 trường hợp. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
"Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" là chủ đề của Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức trực tuyến sáng 26.5.2021 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021) và 80 năm Ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28.1.1941 - 28.1.2021). Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Điệp – TTXVN
Ngày 26.5 (tức ngày 15.4 âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2565 – dương lịch 2021.Trong bối cảnh làn sóng thứ tư đại dịch COVID-19 ở trong nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ với quy mô nội bộ, ít người tham dự, nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, đầy đủ các nghi thức tôn giáo. Đại lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình An Viên và phát trực tuyến trên các mạng xã hội để phật tử cả nước đều được đón nhận không khí kính mừng ngày Đức Phật đản sinh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và nhiều bộ, ban, ngành gửi lẵng hoa chúc mừng. Trong ảnh: Các hoà thượng và chư tôn đức tụng kinh Chuyển pháp luân. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Ngày 26.5, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện với 13 thành viên đã lên đường “chi viện” hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác chống dịch COVID-19. Các thành viên trong Đội đều là những người có năng lực chuyên môn cao, từng chi viện cho các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam trong các đợt chống dịch COVID-19 trước đây. Lực lượng này sẽ tiếp ứng kịp thời cho Bắc Giang khi có các tình huống xảy ra, như bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu, lọc máu, chạy ECMO…, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong. Trong ảnh: Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy tiễn đoàn y bác sỹ lên đường "chi viện" cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Ngày 26.5, Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với ba bị cáo cùng trú tại xóm Pác Rình (xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) về tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép". Căn cứ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đàm Văn Cương (sinh năm 1982) 5 năm tù giam, Đàm Văn Huấn (sinh năm 1995) 4 năm tù giam và Hoàng Văn Hải (sinh năm 1998) 4 năm tù giam. Trong ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Trí Tuệ-TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 26.5, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác kiểm soát phòng chống dịch tại một số chốt kiểm dịch cấp tỉnh tại TP Chí Linh. Tại các chốt kiểm dịch cấp tỉnh đặt trên địa bàn các xã, phường Hoàng Tiến, Phả Lại, Lê Lợi (Chí Linh) đều đã được lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn tự động cho các phương tiện giao thông. Đây là hệ thống thiết bị do ngành y tế đặt Trường Đại học Sao Đỏ chế tạo phục vụ các chốt kiểm dịch. Chỉ rõ một số tính năng chưa hoàn chỉnh của hệ thống, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đội ngũ chế tạo cần gấp rút cải tiến, điều chỉnh tăng hơn nữa áp lực phun khử khuẩn, tích hợp thêm các công dụng, tính năng như chụp lại biển kiểm soát của các phương tiện để gửi về hệ thống trung tâm thông tin… Sau khi hoàn chỉnh, tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá chất lượng của hệ thống, nghiên cứu có thể lắp đặt tại các chốt kiểm dịch cấp tỉnh. Chiều cùng ngày, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh (được bàn giao từ Bệnh viện dã chiến số 3 cũ, cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ)... Trong ảnh: Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy (ngoài cùng bên trái) đề nghị các giảng viên, kĩ sư Trường Đại học Sao Đỏ nâng công suất của hệ thống phun khử khuẩn tự động. Ảnh: Trung Thu
Chiều 26.5, lãnh đạo Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cho biết bài thi của Duy Anh là một trong 6 bài dự thi xuất sắc được Ban tổ chức kỳ thi Olympic tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 lựa chọn để tranh giải và đoạt huy chương đồng. Đây là thành tích xuất sắc của em khi cuộc thi năm nay có rất nhiều đối thủ mạnh cả trong nước và khu vực tham dự. Kể từ năm 2013 – thời điểm Việt Nam lần đầu tham dự kỳ thi trên, đây là lần thứ 3 tỉnh ta có học sinh đoạt giải. Trước Duy Anh, em Nguyễn Phan Quang Minh, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã liên tiếp giành được 2 huy chương bạc kỳ thi vào các năm 2013 và 2014... Trong ảnh: Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 (Duy Anh đứng ở hàng sau, thứ ba từ trái qua phải). Ảnh: Tiến Mạnh
QUỐC TẾ
Iran và các cường quốc thế giới ngày 25.5 đã khai mạc vòng đàm phán thứ năm về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) tại thủ đô Vienna (Áo). Vòng đàm phán mới này diễn ra một ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran thêm 1 tháng, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này hết hiệu lực vào ngày 22.5. Mỹ không trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán, nhưng Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley đã tới Vienna. Trong ảnh: Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ngày 26.5, hàng triệu cử tri Syria đã đi bỏ phiếu để bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xung đột dai dẳng giữa quân đội Chính phủ và các lực lượng đối lập cũng như sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố đã đẩy đất nước Syria vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội và nhân đạo. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người Syria, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,5 triệu người đi sơ tán ở trong nước và 5,6 triệu người phải tị nạn tại các nước láng giềng. Trong ảnh: Cử tri Syria bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Damascus ngày 26.5.2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25.5, Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ thông báo kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan đã được hoàn thành ở mức từ 16 đến 25%, trong bối cảnh thời hạn của kế hoạch này chỉ còn chưa đầy 4 tháng. Theo CENTCOM, kể từ khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh rút quân hồi tháng 4, cơ quan này đã rút khỏi Afghanistan một lượng trang thiết bị tương đương số hàng chất đầy trên 160 máy bay vận tải quân sự khổng lồ C-17 Globemaster. CENTCOM cũng đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng Afghanistan 5 cơ sở, trong đó có Sân bay Kandahar ở miền Nam nước này. Sân bay Kandahar từng là căn cứ quân sự lớn thứ hai của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Trong ảnh (tư liệu): Binh sĩ Mỹ và Afghanistan điều tra tại hiện trường một vụ đánh bom ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25.5, một quan chức Bộ Y tế Nam Sudan thông báo nước này sẽ trả lại 72.000 liều vaccine phòng COVID-19 được phân phối thông qua cơ chế COVAX do nước này không thể tiêm hết số vaccine trên trước ngày chế phẩm này hết hạn (ngày 18.7 tới). Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, Nam Sudan đã nhận được 132.000 liều vaccine AstraZeneca, nhưng cho tới nay, nước này mới tiêm được chưa đến 8.000 liều. Trong ảnh (tư liệu): Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Juba, Nam Sudan. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 25.5, gần 120 trận dư chấn mạnh đã xảy ra sau vụ phun trào núi lửa Nyiragongo ở Đông Bắc CHDC Congo, làm rung chuyển TP Goma ở gần đó, trong bối cảnh số người thiệt mạng do thảm họa này đã tăng lên 32 người và hàng nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Ba ngày sau khi Nyiragongo - ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Phi, hoạt động trở lại, dung nham vẫn tiếp tục tuôn trào và chảy về phía vùng ngoại ô của thành phố 1,5 triệu dân đồng thời tạo ra những cơn dư chấn làm rung chuyển thành phố cứ mỗi 10-15 phút. Trong ảnh: Bầu trời tại TP Goma, CHDC Congo đỏ rực sau khi núi lửa Nyiragongo phun trào. Ảnh: THX/TTXVN