Thủ tướng Chính phủ làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông; các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu... là sự kiện nổi bật ngày 23.7.
TRONG NƯỚC
Ngày 23.7, làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tỉnh cần giải quyết mọi điểm nghẽn để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Số lượng vốn cần giải ngân của Đắk Nông không phải là nhiều và Thủ tướng không muốn phải điều chuyển nguồn vốn của tỉnh (sang địa phương khác). Trước đó, tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tỉnh bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Đây là cố gắng lớn của Bình Thuận mà các địa phương khác phải học tập, “chứ không phải cứ bàn lùi” bởi Bình Thuận là một trung tâm du lịch dịch vụ, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Nông. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 23.7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát biểu khai mạc chủ trì. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Ngày 23.7, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tới dự và chủ trì hội nghị. Trong ảnh: Lễ ký kết bàn giao sản phẩm Khoa học và Công nghệ cho các tỉnh vùng Tây Bắc. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Ngày 23.7, Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tiếp tục mở rộng điều tra và xử lý vụ vận chuyển 200 kg ma túy đá trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được phát hiện ngày 20.7 vừa qua. Hai đối tượng bị bắt gồm Nhia Hơ (sinh năm 1993); quốc tịch Lào và đối tượng Vừ Bá Tếnh (sinh năm 1996), thường trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Đắk Lắk, mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm đếm số ma túy. Ảnh: TTXVN
Ngày 23.7, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với các bị cáo Dương Thanh Cường (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thanh Phát; đang thụ án 20 năm tù), Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam – Southernbank, nay đã sát nhập vào Ngân hàng Sacombank; đang thụ án 4 năm tù) và 8 đồng phạm. Trong ảnh: Bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và xây dựng Bình Phát, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất xây dựng và thương mại Thanh Phát) bị truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
TRONG TỈNH
Ngày 23.7, các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy dẫn đầu các đoàn đi thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020). Tại các gia đình đến thăm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống, đồng thời bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với công lao to lớn của các gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, động viên con cháu, người thân, bà con lối xóm chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển thăm hỏi bà Nguyễn Thị Chước, mẹ liệt sĩ Nguyễn Trọng Chính ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang). Ảnh: Thế Anh
Sáng 23.7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của 3 vị tiến sĩ Nguyễn Đoan Kính, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Tự Cường đối với vùng đất Ninh Giang. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của các vị tiến sĩ trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết nhằm bổ sung những tư liệu, làm phong phú thêm di sản văn hóa Nho học, góp phần minh chứng truyền thống khoa bảng rực rỡ của tỉnh nhà dưới thời phong kiến, đồng thời tôn vinh công trạng xứng đáng của các vị tiền nhân, giáo dục truyền thống, tri thức cho thế hệ trẻ hiện nay. 3 vị tiến sĩ nói trên quê ở xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Tân Phong, huyện Ninh Giang). Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thảo Nguyễn
Ngày 23.7, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết khoảng 9.400 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đang được tạm giữ tại đơn vị. Ngày 22.7, Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) phối hợp Cục QLTT Hải Dương kiểm tra 5 cơ sở, cửa hàng kinh doanh túi xách, ví, giầy dép, thực phẩm, đồ trẻ em và mỹ phẩm trên địa bàn TP Hải Dương gồm các cửa hàng: Moci, 343 Nguyễn Văn Linh; Guccii số 16 đại lộ Hồ Chí Minh; Lucky Shoes số 66 Trần Hưng Đạo; Mỹ phẩm Hải Dương, số 26 Vũ Hựu và hệ thống cửa hàng Mẹ và bé ở 333 Nguyễn Văn Linh. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, nhãn mác ghi thiếu nội dung bắt buộc và không rõ nguồn gốc. Trong ảnh: Ngày 23.7, các cửa hàng giầy dép, túi xách Moci trên đường Nguyễn Văn Linh; cửa hàng giầy dép, túi xác Guccii ở đại lộ Hồ Chí Minh đã đóng cửa. Ảnh: Phan Anh
QUỐC TẾ
Ngày 22.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ "có thể" đóng cửa thêm nhiều phái bộ ngoại giao khác của Trung Quốc tại nước này "bất cứ lúc nào". Tuyên bố trên được đưa ra sau khi giới chức Washington đã yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston và đã vấp phải sự chỉ trích của Bắc Kinh. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ. Trong ảnh: Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston, bang Texas, Mỹ ngày 22.7.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan ngày 22.7 cho biết, giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vaccine phòng COVID-19 với một số ít người được thử nghiệm ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2021 mới có thể xác định được khi nào những liều vaccine đầu tiên được chính thức đưa vào sử dụng. Trong ảnh: Vaccine phòng COVID-19 được phát triển tại Đại học Chulalongkorn ở Saraburi, Thái Lan ngày 23.5.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22.7, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo số người có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở miền Nam Yemen có thể tăng từ 2 triệu lên 3,2 triệu người trong 6 tháng tới. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương Nông (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) về phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) cho biết tình trạng thiếu lương thực sẽ gia tăng nhanh chóng tại Yemen do một số yếu tố như kinh tế yếu kém, xung đột, thiên tai, châu chấu sa mạc và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong ảnh (tư liệu): Người tị nạn nhận lương thực và hàng cứu trợ tại tỉnh Hajjah, miền bắc Yemen, ngày 30.12.2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22.7, trang mạng The Hindu của Ấn Độ đưa tin nước này và Trung Quốc đã nhất trí không tuần tra trên bộ hoặc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong phạm vi 10 km từ các điểm căng thẳng dọc đường Ranh giới thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh. The Hindu dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ cho biết đây là một biện pháp để hai bên xây dựng lòng tin với nhau. Theo đó, quân đội hai nước nhất trí không thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương. Trong ảnh: Vùng núi ở Leh, thủ phủ khu vực Ladakh, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ngày 22.6.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23.7, Trung Quốc tuyên bố đã phóng thành công tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5, thực hiện sứ mệnh khám phá sao Hỏa. Vụ phóng được thực hiện tại Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương, ven biển đảo Hải Nam của Trung Quốc. Theo kế hoạch, Thiên Vấn-1 sẽ đáp xuống Sao Hỏa vào tháng 2.2021 sau hành trình dài 55 triệu km trong 7 tháng. Sau đó, tàu tự hành sẽ khám phá sao Hỏa trong 90 ngày. Trong ảnh: Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 mang theo tàu vũ trụ khám phá sao Hỏa Thiên Vấn-1 rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương, Hải Nam, Trung Quốc ngày 23.7.2020. Ảnh: THX/TTXVN