Sự kiện nổi bật ngày 22.2

22/02/2023 22:10

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp các Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đến trình Quốc thư nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác mới tại Việt Nam... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 22.2.

TRONG NƯỚC


Ngày 22.2, tại Phủ Chủ tịch, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thuỵ Sỹ Thomas Gass; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Malaysia Tan Yang Thai; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia Chea Kimtha đến trình Quốc thư nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác mới tại Việt Nam. Trong ảnh: Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp nhận Quốc thư của Đại sứ Vương quốc Campuchia Chea Kimtha. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 22.2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo giới thiệu chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023). Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”; chương trình nghệ thuật đặc biệt; triển lãm ảnh và tuần phim là những hoạt động chính do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các Ban, Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản Đề cương. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Anh - TTXVN


Ngày 22.2, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Tọa đàm Xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa tỉnh Bến Tre và các nước ASEAN. Qua đó, nhằm tăng cường kết nối nguồn lực quốc tế trong cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa - giáo dục và đối ngoại nhân dân giữa các thành phố, địa phương ASEAN với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và tỉnh Bến Tre. Bến Tre là một tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ. Với vị trí địa lý vừa giáp biển vừa có hệ thống sông rạch chằng chịt thông ra biển, hình thành nên hệ sinh thái đa dạng cho Bến Tre, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác kinh tế biển, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Trong ảnh: Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Công Trí-TTXVN


Ngày 22.2, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 455/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác tuyển sinh vào các trường Mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2023-2024. Trong đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông tại Hà Nội sẽ diễn ra với 3 môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Trong ảnh (tư liệu): Giờ học của học sinh khối 9 trường THCS Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Ngày 22.2 (tức ngày 3.2 âm lịch), thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông tháng 2 năm Quý Mão để ghi nhớ công lao to lớn của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và các nhân thần được tôn thờ tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông. Đền Cửa Ông là một trong những di tích lịch sử văn hóa thời nhà Trần, có lịch sử lâu đời gắn liền thần tích về Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, người đã gắn bó cả cuộc đời với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm tại miền đất biên ải Tổ quốc. Đền Cửa Ông được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2017. Lễ hội đền Cửa Ông được mở hàng năm vào ngày 3-4.2 và 3-4.8 (âm lịch), mang biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, biểu tượng đó được thể hiện bằng sự tôn vinh nhân vật lịch sử, người anh hùng dân tộc thời nhà Trần - Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng. Trong ảnh: Nghi lễ rước Đức Ông và Thánh mẫu hoàn cung. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN


Ngày 22. 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra đột xuất các hộ kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Cà Mau, qua đó, thu giữ gần 5.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên để hoàn thành hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Một lượng lớn mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ. Ảnh: TTXVN phát

QUỐC TẾ


Ngày 21.2, tại trụ sở Liên hợp quốc  ở New York (Mỹ) đã diễn ra Phiên thảo luận chung khai mạc Kỳ họp thường niên lần thứ 61 của Ủy ban đặc biệt về hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ (còn gọi là C-34). Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh việc gửi quân tham gia hoạt động GGHB LHQ từ năm 2014 là dấu mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; khẳng định mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi gửi quân trong thời gian tới, trong đó tiếp tục ưu tiên thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động GGHB, hướng tới mục tiêu tỉ lệ nữ cán bộ, chiến sỹ chiếm 15% lực lượng diện đơn vị và 20% diện cá nhân. Trong ảnh: Quang cảnh Phiên thảo luận chung khai mạc Kỳ họp thường niên lần thứ 61 của Ủy ban đặc biệt về hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Ảnh: Thanh Tuấn – TTXVN


Ngày 21.2, Trung Quốc đã chính thức công bố "Tài liệu Khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu" tại Diễn đàn Lanting về Sáng kiến An ninh toàn cầu diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh. Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh và ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phát biểu tại Diễn đàn Lanting về Sáng kiến An ninh toàn cầu ở Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo/TTXVN


Chính phủ Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc xét nghiệm PCR để tầm soát COVID-19 đối với người đến từ Trung Quốc từ ngày 1.3.2023 tới. Một quan chức cấp cao của Bộ Hành chính và an toàn Hàn Quốc ngày 22.2 cho biết việc dỡ bỏ yêu cầu trên là do tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang ở mức ổn định. Tuy nhiên, quan chức này cũng nêu rõ quy định người nhập cảnh từ Trung Quốc xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Hàn Quốc sẽ vẫn duy trì cho đến ngày 10.3 tới, để các cơ quan chức năng theo dõi tác động của những biện pháp nới lỏng. Trong ảnh: Nhân viên kiểm dịch hướng dẫn thủ tục xét nghiệm COVID-19 cho hành khách đến từ Trung Quốc tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN


Ngày 21.2, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) đã đưa ra cảnh báo về một cơn bão mùa Đông có thể ảnh hưởng đến 22 tiểu bang của nước này, trong đó ít nhất 6 tiểu bang có thể xảy ra bão tuyết. Theo NWS, cơn bão mùa Đông có tên Olive có thể gây ra lượng tuyết rơi kỷ lục cho khu vực Thượng Trung Tây nước Mỹ, trong đó khu vực Twin Cities có thể có tuyết dày tới 60cm. NWS cũng cảnh báo về gió giật từ 80 - 96 km/giờ, thậm chí có thể lên tới 130 km/giờ ở các vùng phía Tây và Cao nguyên. Các khu vực của các bang South Dakota, Minnesota, phía bắc bang Wisconsin và Michigan dự báo sẽ có tuyết rơi dày ít nhất 30cm. Nhiệt độ có nơi xuống dưới âm 27 độ C. Trong ảnh (tư liệu): Tuyết phủ trắng xóa tại St. Paul, bang Minnesota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 22.2