Các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường; Ngành xây dựng Hải Dương gặp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập... là những sự kiện nổi bật ngày 22.11.
TRONG NƯỚC
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIV và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Trọng Đức -TTXVN
Ngày 22.11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội. Cuộc họp nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện chủ trương cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 – NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập không phải là cắt giảm lao động mà là giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở tinh gọn của cơ quan hành chính và phát huy sự năng động, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Từ ngày 22-23.11, Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (CACJ) lần thứ 7 diễn ra tại Phuket và Bangkok, Thái Lan. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình dẫn đầu Đoàn đại biểu Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam tham dự hội nghị. Trong ảnh: Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu Đoàn đại biểu Toà án Nhân dân tối cao Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Kiên - TTXVN
Sáng 22.11, tại TP Hà Tĩnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi diễn biến phức tạp. Tại từng thời điểm ở một số địa bàn trọng điểm, nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ, các sản phẩm từ gỗ; buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá, xì gà, rượu, bia, đường cát, hàng điện tử, hàng gia dụng, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bẩn.... Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Ngày 22.11, tại xóm Chanh, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra buổi diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2019. Buổi diễn tập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức. Theo ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, mục tiêu buổi diễn tập là nâng cao nhận thức về phòng, chống cháy rừng, bảo đảm chủ động và hiệu quả trong việc chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra chảy lớn vượt quá tầm kiểm soát của địa phương. Đồng thời, nâng cao khả năng sẵn sàng phối hợp tác chiến giữa lực lượng kiểm lâm với các lực lượng khác trong xử lý tình huống chảy rừng; cải tiến phương pháp dự báo nguy cơ cháy. Trong ảnh: Các lực lượng tham gia chữa cháy. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Sáng 22.11, triển lãm “Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời” diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long mang đến cho công chúng góc nhìn về thành Hà Nội (Hoàng Thành Thăng Long) dưới thời nhà Nguyễn và thời người Pháp đô hộ. Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức, chào mừng kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11.2004 - 23.11.2019). Triển lãm “Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời” chia làm hai phần: Nhà Nguyễn với Thành Thăng Long - Hà Nội và người Pháp với Thành Hà Nội. Triển lãm giới thiệu gần 100 tài liệu, tư liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh tiêu biểu về Thành Hà Nội giai đoạn 1802 - 1945; trong đó có sơ đồ thành Hà Nội vẽ năm 1821-1831; các hình ảnh: Cửa Bắc, Đông, Tây, Nam của Thành Hà Nội (nhìn từ phía ngoài)…. Trong ảnh: Đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 22.11, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11 (lần 2) để xem xét một số nội dung do các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo. Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chủ trì phiên họp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong những tờ trình mà các sở báo cáo. Đề nghị các sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện các văn bản. Nhiều nội dung kỳ họp xem xét sẽ được hoàn chỉnh để trình HDND tỉnh quyết định trong kỳ họp tới như kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người tham gia thu gom rác tại các thôn, khu dân cư; bảng giá đất... Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp. Ảnh: Phan Anh