Sự kiện nổi bật ngày 17.9

17/09/2021 21:29

Bộ Chính trị họp nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 là sự kiện nổi bật ngày 17.9.

TRONG NƯỚC


Ngày 17.9, Bộ Chính trị đã họp nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cùng dự có các đồng chí trong Ban Bí thư, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Sáng 17.9, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự quyết tâm của các cấp, các ngành, của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng chống COVID-19, ghi nhận những chuyển biến tích cực và thành quả địa phương trên lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh, dập dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân F0 cũng như thực hiện kịp thời các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh nói chung. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh nhà đồng thời đưa ra những giải pháp, định hướng giúp địa phương tháo gỡ, khắc phục nhằm làm tốt hơn nữa, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, sớm đẩy lùi COVID-19 để trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội một cách vững chắc. Trong ảnh: Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Trí - TTXVN


Chiều 17.9, tại buổi lễ trao tặng trực tuyến thiết bị y tế, Tập đoàn Sembcorp Industries (Sembcorp) công bố sẽ hỗ trợ Việt Nam 1 triệu đô la Singapore trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với trọng tâm cung cấp các thiết bị y tế cho hai bệnh viện lớn của Bình Dương. Theo đó, Sembcorp cung cấp một hệ thống xét nghiệm RT-PCR và 12 máy thở BIPAP cao cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và 65 thiết bị theo dõi bệnh nhân cho Bệnh viện Quốc tế Becamex (Bình Dương); trong đó, lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển giao vào ngày 17.9, để các bệnh viện triển khai cho việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị ở tầng 3. Trong ảnh: Lễ tiếp nhận thiết bị y tế do Tập đoàn Sembcorp – Singapore tài trợ. Ảnh: TTXVN


Trang Travel+Leisure vừa công bố bình chọn The World's Best Awards 2021 dành cho các điểm đến và dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới, trong đó TP Hội An của Việt Nam đã lọt vào tốp 15 thành phố tuyệt vời nhất châu Á (The Top 15 cities in Asia). Theo kết quả công bố, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, đứng ở vị trí 13 trong danh sách với 86,98 điểm. Nằm bên bờ biển miền Trung, phố cổ Hội An là thiên đường cho du khách và những người yêu thích nhiếp ảnh, ẩm thực. Năm 1999, đô thị cổ Hội An đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trong ảnh: Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Ngày 17.9, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thu Hồng, sinh năm 1983, trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, để điều tra, làm rõ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bước đầu, cơ quan công an xác định, từ ngày 15.8.2021 đến nay, Nguyễn Thị Thu Hồng đã làm giả giấy đi đường để đưa nhiều người từ Hà Nội về tỉnh Nghệ An. Công an quận Bắc Từ Liêm đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trong ảnh: Đối tượng Nguyễn Thị Thu Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng các đối tượng có liên quan. Ảnh: TTXVN


Sáng 17.9, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện khám xét căn nhà thuê ở phường Tân Thiện và nhà của gia đình Lương Thị Nhung, nữ nhân viên tiệm vàng lấy trộm 2.380 nhẫn vàng bị bắt vào chiều 16.9. Tại đây, lực lượng công an đã phát hiện hơn 30 nhẫn vàng cùng nhiều nhẫn kim loại màu vàng chưa xác định chất liệu; hơn 2.000 giấy in tem vàng cùng hơn 360 giấy biên nhận, hợp đồng cầm đồ tại nhiều cửa hàng cầm đồ, tiệm vàng trong tỉnh Bình Phước. Các biên nhận, hợp đồng cầm đồ thường với số tiền dao động từ 3 triệu đến gần 20 triệu; thời gian từ khoảng cuối năm 2018 đến nay. Trong ảnh: Lực lượng chức năng khám xét thu giữ nhiều tang vật tại chỗ ở của Nhung. Ảnh: TTXVN

TRONG TỈNH


Sáng 17.9, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị lần thứ 37 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 12 điểm cầu cấp huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo tình hình quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và đề xuất ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo kết quả kết nạp đảng viên giai đoạn 2016-2020 và dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Trung Thu


Sáng 17.9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã đồng ý cho trẻ mầm non và học sinh các khối lớp còn lại của các cấp tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi học tại trường từ ngày 20.9. Theo đó, cấp mầm non được tổ chức ăn bán trú nếu bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch. Các cấp khác học 1 buổi/ngày. Riêng tiểu học ưu tiên thời gian dạy trên lớp các môn học bắt buộc. Chưa tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống liên kết với các đơn vị bên ngoài nhà trường. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục hòa nhập, tư vấn du học được hoạt động trở lại. Trong ảnh: Học sinh sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: Thế Anh

QUỐC TẾ



Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 17.9 khẳng định liên minh quốc phòng mới giữa nước này với Anh và Mỹ sẽ "tồn tại vĩnh viễn", trong khi nhấn mạnh chương trình hợp tác 3 bên về chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia của Canberra, và Australia sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15.9 cũng thông báo về sự ra đời của liên minh quốc phòng Mỹ-Anh-Australia, theo đó sẽ mở rộng công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại Australia, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và các khả năng thực hiện những nhiệm vụ dưới biển. Theo thỏa thuận đối tác quốc phòng nêu trên, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh. Trong ảnh (từ trái sang): Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Borris Johnson trong cuộc họp báo trực tuyến về an ninh quốc gia, ngày 15.9. Ảnh: TTXVN


Ngày 16.9, Chính phủ Italy đã phê chuẩn sắc lệnh mới, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh COVID-19, khi Chính phủ đang tìm cách thuyết phục mọi người tiêm chủng và làm giảm khả năng lây lan ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Các quy định mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 15.10, yêu cầu tất cả những người lao động phải xuất trình thẻ xanh, bằng chứng về việc người đó đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19, tại nơi làm việc. Bất kỳ người lao động nào không xuất trình được thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc không lương, nhưng không thể bị sa thải. Những người phớt lờ sắc lệnh trên và đi làm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600-1.500 euro (705-1.175 USD). Trong ảnh: Du khách xuất trình chứng nhận số về COVID-19 của Liên minh châu Âu cấp khi vào thăm quan viện bảo tàng ở Vatican. Ảnh: AFP/TTXVN


Thông cáo báo chí của Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết cơn bão nhiệt đới Chanthu mang theo mưa và gió lớn đổ bộ đảo nghỉ mát Jeju, gây ngập lụt các khu dân cư ở vùng trũng thấp và khiến nhiều chuyến bay không thể hạ cánh. Chính quyền đảo Jeju đã phỏng tỏa lối vào nhiều khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Ngay trong sáng 17.9, có 23 chuyến bay đến và đi từ Jeju bị hủy bỏ và 48 chuyến phà trên 29 tuyến đường nối hòn đảo này với các vùng khác của Hàn Quốc phải tạm ngừng hoạt động. Trong ảnh: Ngập lụt trên đảo Jeju, Hàn Quốc sau khi bão Chanthu mang theo mưa lớn đổ bộ, ngày 17.9. Ảnh: Yonhap/TTXVN


Ngày 16.9, những cây cự sam (sequoia) cổ thụ lớn nhất thế giới đã được phủ một lớp màng nhôm nhằm tránh tác động từ các vụ cháy lớn đang hoành hành ở miền Tây nước Mỹ. Người phụ trách hoạt động bảo tồn cho biết khu rừng cự sam trong Vườn quốc gia Sequoia ở bang California, trong đó có cây cự sam lớn nhất thế giới mang tên General Sherman cao tới 83 mét, đã được ốp nhôm, tránh nguy cơ lửa bén vào các gốc cổ thụ này. Ước tính có khoảng 2.000 cây cổ thụ tại đây, trong đó có nhiều cây 2.000-3.000 năm tuổi. Trong ảnh: Lính cứu hoả Mỹ bọc một lớp nhôm bảo vệ cây cự sam General Sherman lớn nhất thế giới trong vườn quốc gia Sequoia ở California, trong bối cảnh giặc lửa đang hoành hành dữ dội tại miền Tây nước này, ngày 16.9. Ảnh: TTXVN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 17.9