Thống nhất một số nội dung chủ yếu trong việc chuẩn bị và chỉ đạo Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV là sự kiện nổi bật ngày 17.7.
TRONG NƯỚC
Ngày 17.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội và Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ đồng chủ trì cuộc họp để trao đổi, thống nhất về 1 số nội dung chủ yếu trong việc chuẩn bị và chỉ đạo Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan… Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 17.7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, khu cách ly. Thành phố phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để ổn định đời sống người dân; đồng thời động viên người dân chịu khó vất vả, chia sẻ khó khăn tạm thời trước mắt để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN
Ngày 17.7, tại TP Lạng Sơn, Ban Tổ chức "Hành trình đỏ" Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình Hành trình đỏ tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Với chủ đề “Ngày hội hiến máu - Giọt hồng xứ Lạng”, Ban tổ chức Chương trình Hành trình đỏ tỉnh Lạng Sơn năm 2021 dự kiến tiếp nhận khoảng 2.000 đơn vị máu, tương đương với khoảng 4.500 người tham gia hiến máu. Trong ảnh: Quang cảnh Chương trình Hành trình đỏ tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Ngày 17.7, hàng chục tấn hàng hóa nông sản, nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, rau màu… đã được tập kết lên xe tải từ TP Quy Nhơn (Bình Định) để vận chuyển vào TP hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là số hàng hóa được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tiếp nhận từ phát động Tuần lễ cao điểm “Vì TP Hồ Chí Minh thân yêu”. Trong ảnh: Nhiều hàng hóa nông sản, thực phẩm của nông dân Bình Định gửi tặng Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang diễn ra trên địa bàn, từ 0 giờ ngày 17.7, TP Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại địa bàn 4 phường của 3 quận gồm: Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); phường Thạc Gián, phường An Khê (quận Thanh Khê) và phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) để khẩn trương phòng chống dịch. Đây là các địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Khu vực thực hiện Chỉ thị 16 đều được các lực lượng chức năng túc trực bảo vệ. Ảnh: Lê Lâm - TTXVN
Ngày 17.7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị vừa điều tra, làm rõ 2 đối tượng về hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để kiếm lời với số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện đối tượng Nguyễn Tiến Kiên, sinh năm 1980 và Lý Văn Nguyên, sinh năm 1984, đều là cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quản lý cửa khẩu thuộc Ban quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã có hành vi lợi dụng quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thành lập Đội lái xe chuyên trách tại khu vực cửa khẩu để làm giả các giấy tờ, tài liệu nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho các lái xe được tuyển vào Đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu Tân Thanh để trục lợi. Trong tháng 3.2021, hai đối tượng trên đã câu kết làm giả 10 giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ cho 81 lái xe, chiếm đoạt trên 400 triệu đồng. Trong ảnh: Cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ và khám xét nơi làm việc của các đối tượng. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 17.7, UBND TP Hải Phòng tổ chức lễ khánh thành 2 công trình cầu Quang Thanh và cầu Dinh kết nối tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng. Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Quang Thanh, các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, cùng với cầu Dinh, cầu Quang Thanh là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa cao đẹp thể hiện tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Công trình hoàn thành đã đáp ứng được mong chờ của nhân dân trong nhiều năm qua, góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các huyện An Lao – Thanh Hà; Thủy Nguyên – thị xã Kinh Môn nói riêng và 2 tỉnh, thành phố Hải Dương - Hải Phòng nói chung. Cầu Quang Thanh dài 536 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư 398 tỷ đồng do TP Hải Phòng đầu tư. Đường dẫn phía tỉnh Hải Dương dài 1,78 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, tổng mức đầu tư 195 tỷ đồng do tỉnh Hải Dương đầu tư. Cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên và thị xã Kinh Môn dài hơn 400 mét, rộng 12 mét với tổng mức đầu tư 328 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách TP Hải Phòng. Tỉnh Hải Dương đang triển khai đầu tư đường dẫn nối cầu Dinh đến quốc lộ 17B dài khoảng 3,5 km. Cầu Quang Thanh và cầu Dinh được khởi công xây dựng vào tháng 5.2020. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương cắt băng khánh thành cầu Quang Thanh. Ảnh: Thành Chung.
Ngày 17.7, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh tiếp tục áp dụng một số biện pháp bổ sung phòng chống dịch Covid-19 và điều chỉnh thời gian cách ly y tế. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch và các lực lượng chống dịch của các huyện, thị xã, thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ người từ tỉnh ngoài đến Hải Dương và người Hải Dương ở nơi khác về, đặc biệt là ở các vùng có dịch. Người từ vùng có dịch vào tỉnh và người Hải Dương ở những vùng có dịch về phải có đủ một trong hai điều kiện: tiêm đủ 2 mũi vaccine (có giấy chứng nhận) hoặc có giấy xét nghiệm SARS- CoV-2 (bằng phương pháp PCR) âm tính trong vòng 3 ngày gần nhất kể từ ngày trả kết quả (theo giấy xác nhận). Nếu không bảo đảm các điều kiện nêu trên thì từ chối tiếp nhận vào tỉnh đối với người tỉnh ngoài và đưa đi cách ly tập trung đối với người cư trú trên địa bàn tỉnh. Người đến từ vùng không có dịch, không cư trú trên địa bàn tỉnh nếu không có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày gần nhất kể từ ngày trả kết quả thì phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh và tự chi trả kinh phí xét nghiệm. Điều chỉnh thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1, người nhập cảnh và người về từ tâm dịch theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường hoạt động của tổ "Covid cộng đồng", tổ "An toàn Covid".... Trong ảnh: Lực lượng công an trực tại chốt km46+300 thuộc phường Hoàng Tiến (giáp thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của người từ vùng dịch về. Ảnh: Thế Anh.