Ngày 16.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 16.7.
TRONG NƯỚC
Trong chương trình công tác tại tỉnh Bắc Kạn, ngày 16.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh. Dự buổi làm việc có: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh; lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bắc Kạn. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngày 16.7, tại TP Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm vụ năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023; Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2023), ngày 16.7, Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn, đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 và tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Ngày 16.7, tỉnh Hậu Giang tổ chức Giải Marathon quốc tế “Vietcombank Mekong Delta” Hậu Giang lần thứ IV năm 2023, với hơn 9.000 vận động viên tham gia ở 6 cự ly, trong đó có 4 vận động viên quốc tế đến từ 3 quốc gia Pháp, Nhật, Singapore. Giải Marathon quốc tế “Vietcombank Mekong Delta” - Hậu Giang 2023 góp phần lan tỏa thông điêp “Chống biến đổi khí hậu”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng với vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Trong ảnh: Các vận động viên tham gia cự ly 5km. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Ngày 16.7, tại TP Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Huế (Thừa Thiên - Huế) phối hợp Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” tổ chức Ngày hội “Tôn vinh những phụ nữ làm nghề ve chai” và trao giải cuộc thi ảnh “Góc nhìn phụ nữ Huế” lần thứ IV, năm 2023 với chủ đề “Tôi trân quý người làm nghề ve chai”. Sau gần 2 tháng triển khai với 155 tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn 31 tác phẩm xuất sắc nhất cùng những câu chuyện ý nghĩa liên quan để trưng bày, giới thiệu đến người dân, du khách tại Trung tâm Văn hóa Thông tin TP Huế. Trong đó, 19 tác phẩm xuất sắc nhất của các cá nhân cùng 9 tập thể được trao giải dịp này. Trong ảnh: Khai trương Ngày hội "Tôn vinh những phụ nữ làm nghề ve chai". Ảnh: Mai Trang - TTXVN
Nửa đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có nhiều bứt phá với tổng kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước đạt 720 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Móng Cái sôi động từ đầu năm 2023 khi cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) được khôi phục hoạt động trở lại sau đại dịch. Tính tới hết ngày 13.7, tổng lượng hàng hóa XNK đạt khoảng gần 870.000 tấn (tăng 153% so cùng kỳ năm ngoái); kim ngạch đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu nhiều nhất tại Lối mở Km 3+4 Hải Yên với hơn 426.000 tấn, chủ yếu là nông sản, thủy sản đông lạnh, hoa quả. Riêng xuất nhập cảnh, có khoảng 1 vạn người qua lại cửa khẩu mỗi ngày, gần đạt con số trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra. Trong ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Bắc Luân II - Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Văn Đức - TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 16.7, tại một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Auckland, New Zealand, các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức phê duyệt Anh tham gia hiệp định. Chính phủ Anh cũng thông báo nước này đã chính thức ký nghị định thư tham gia CPTPP sau gần 2 năm đàm phán. Theo đó, Anh trở thành thành viên mới đầu tiên và quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết năm 2018. Đây cũng sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất của Anh kể từ khi nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Anh cho biết CPTPP sẽ giúp giảm thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Anh sang các nước thành viên của khối. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào nửa sau năm 2024. Trong ảnh: Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Kemi Badenoch (giữa) cùng bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chụp ảnh chung tại cuộc họp ở Auckland, New Zealand ngày 16.7.2023. Ảnh: RNZ/TTXVN
Ngày 15.7, hàng chục nghìn người biểu tình Israel đã đổ ra đường phố Tel Aviv và nhiều nơi khác trên khắp cả nước để phản đối kế hoạch thúc đẩy cải cách hệ thống tư pháp của chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay. Đây là cuộc biểu tình theo tuần thứ 28 kể từ khi kế hoạch cải cách được công bố hồi tháng Giêng, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Israel đã thông qua trong lần đọc đầu tiên một dự luật mà sẽ hạn chế quyền can thiệp của Tòa án tối cao đối với các quyết sách của chính phủ. Trong ảnh: Người dân Israel biểu tình phản đối cải cách tư pháp tại thành phố Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN
Lũ lụt và sạt lở đất do mưa lớn ở Hàn Quốc những ngày qua đã làm ít nhất 32 người thiệt mạng và 10 người mất tích, trong khi hàng nghìn người phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Cơ quan chức năng ngày 16.7 cho biết hầu hết các trường hợp tử vong là ở tỉnh Bắc Gyeongsang, Đông Nam Hàn Quốc do lở đất và sập nhà. Lực lượng cứu hộ cũng đang tập trung giải cứu người bị mắc kẹt trong trận lở đất tại huyện Yecheon, tỉnh Bắc Gyeongsang khiến 5 ngôi nhà bị vùi lấp. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt ở thành phố Gongju, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 16.7, Chính phủ Canada công bố dữ liệu chính thức cho thấy cháy rừng đã thiêu rụi khoảng 10 triệu ha trong năm nay - con số cao nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ còn tăng trong những tuần tới. Diện tích thiệt hại lớn nhất do cháy rừng ghi nhận trước đó tại Canada là 7,3 triệu ha vào năm 1989. Theo Trung tâm phòng chống cháy rừng liên ngành Canada (CIFFC), kể từ đầu năm đến nay tổng cộng 4.088 vụ cháy rừng đã bùng phát tại nước này, trong đó một số đám cháy thiêu rụi hàng trăm nghìn ha. Nhiều đám cháy được coi là vượt ngoài tầm kiểm soát do quy mô và số lượng lớn các vụ cháy xảy ra cùng lúc. Phần lớn các đám cháy này bùng phát trong khu vực rừng cách xa khu dân cư, song vẫn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn 150.000 cư dân đã phải di dời do ảnh hưởng của cháy rừng. Trong ảnh: Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở British Columbia, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN