Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 15.6.
TRONG NƯỚC
Tiếp tục chương trình công tác tại Quảng Bình, sáng 15.6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo và các bộ, ngành phát biểu ý kiến, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quyết tâm đưa tỉnh nhà tiến bước bằng chương trình hành động cụ thể. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trữ, 95 tuổi và thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Thống, sinh năm 1959, cùng sống tại Thành phố Đồng Hới.Cũng trong sáng 15/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương dâng hương tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việcvới Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ, Quốc hội khóa XV, sáng 15.6, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Chiều 15.6, với 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật này gồm 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh.Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1.1.2023. Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Ngày 15.6, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Ủy ban) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam”, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (ODA không hoàn lại) thông qua Văn phòng KOICA tại Việt Nam. Trong ảnh: Các đại biểu ấn nút Khởi động Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam”. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN
Chiều 15.6, Liên danh Trung tâm công nghệ xử lý môi trường (Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Haemers (Vương quốc Bỉ) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa với sự tham dự của các học giả, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo Binh chúng Hóa học và các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Trong khuôn khổ TECHFEST Việt Nam 2022, ngày 15.6, tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra Lễ ra mắt Làng Metaverse và Hội thảo Khoa học Metaverse: Giải mã và đối thoại với tương lai do Làng Metaverse cùng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phối hợp tổ chức. Đây là mô hình làng công nghệ, được định hướng trở thành một cổng kết nối quốc gia cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia, tập đoàn, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo - Metaverse. Trong ảnh: Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Làng Metaverse. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Ngày 15.6, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương khai mạc trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông”. Với gần 300 hiện vật, trưng bày tập trung vào 2 chủ đề chính gồm: “Sông Hương kể chuyện” giới thiệu những hiện vật gốm thời Lý, Trần, Lê sơ cho đến nhà Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX được tìm thấy dưới dòng sông Hương (thành phố Huế) và “Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu” giới thiệu bộ sưu tập gốm với các loại hình phong phú, có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX được phát hiện dưới dòng sông Ô Lâu, chủ yếu mang đặc trưng của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên. Trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đến hết ngày 15.7. Trong ảnh: Khách tham quan trưng bày. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Ngày 15.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Võ Hoàng Khang, sinh năm 1996, ngụ xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách (Bến Tre) để điều tra về các tội danh: hiếp dâm người dưới 16 tuổi, giết người, cướp tài sản theo Điều 142,123,168 Bộ luật hình sự năm 2015. Nạn nhân trong vụ án là em T.T.M.P (13 tuổi) ngụ cùng địa phương. Trong ảnh: Đối tượng Võ Hoàng Khang tại cơ quan điều tra. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu -TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 14.6, Canada và Đan Mạch đã chính thức công bố thỏa thuận phân chia đảo Hans ở Bắc Cực, theo đó chấm dứt tranh chấp kéo dài 49 năm qua và tạo ra biên giới trên bộ đầu tiên giữa Canada và châu Âu. Tại lễ ký kết thỏa thuận ở thủ đô Ottawa, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nêu rõ: “Trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang bị đe dọa, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Canada và Đan Mạch phải hợp tác với nhau, cùng các cộng đồng thổ dân, giải quyết những khác biệt giữa các bên theo luật pháp quốc tế". Đảo Hans nằm giữa đảo Ellesmere của Canada và đảo quốc Greenland - một phần của Vương quốc Đan Mạch. Tranh cãi về chủ quyền đối với hòn đảo này bắt đầu từ năm 1973, khi ranh giới biển được thiết lập giữa Canada và Greenland. Trong ảnh (tư liệu): Đoàn thủy thủ Đan Mạch cắm cờ trên đảo tranh chấp Hans ở ngoài khơi đảo quốc Greenland, ngày 13.8.2002. Ảnh: THE CANADIAN PRESS/TTXVN
Bộ Tài chính Mỹ ngày 14.6 cho biết Washington sẽ tiếp tục cho phép thanh toán tiền mua các sản phẩm năng lượng của Nga đến hết ngày 5.12 tới, qua đó các nước châu Âu có thời gian chuẩn bị cho một lệnh cấm vận dầu mỏ gần như hoàn toàn đối với Moska liên quan vấn đề Ukraine. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh quyết định miễn trừ các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt của Mỹ, theo đó loại Nga ra khỏi hầu hết hệ thống tài chính toàn cầu, sẽ hết hạn vào ngày 24.6 tới. Một người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ việc gia hạn miễn trừ "sẽ mang đến một quá trình chuyển đổi có trật tự để giúp các đối tác (của Mỹ) giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, khi tìm cách hạn chế các nguồn thu nhập của Điện Kremlin". Trong ảnh: Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu của Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Ngày 15.6, Skyguide - nhà cung cấp dịch vụ định vị hàng không của Thụy Sĩ - thông báo một sự cố kỹ thuật ở hệ thống kiểm soát không lưu đã làm gián đoạn hoạt động cất cánh và hạ cánh tại nhiều sân bay của nước này. Tuyên bố của Skyguide nêu rõ sự cố kỹ thuật xảy ra trong hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ, khiến không phận Thụy Sĩ phải tạm đóng để đảm bảo an toàn. Việc đóng không phận có hiệu lực cho đến khi đơn vị này khắc phục được sự cố và ra thông báo mới. Trong ảnh: Bảng điện tử thông báo lịch trình các chuyến bay tại sân bay Geneva, sau khi Thụy Sĩ tạm đóng cửa không phận do sự cố kỹ thuật ở hệ thống kiểm soát không lưu, ngày 15.6.2022. Ảnh: AFP/TTXVN