Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân; WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu... là những sự kiện nổi bật ngày 12.3.
TRONG NƯỚC
Sáng 12.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò, sự chủ động, sáng tạo và đóng góp của kinh tế tư nhân, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ứng phó với tác động, ảnh hưởng của dịch Covid -19. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe lãnh đạo các tập đoàn hiến kế đưa sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Lãnh đạo các tập đoàn đều vững tin vào Đảng và Nhà nước trong phòng chống đại dịch, nhưng đại dịch này cũng sẽ là cơ hội kích hoạt sự thay đổi để cộng đồng các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Ngày 12.3, tại trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh làm trưởng đoàn đã thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và quản lý đất đai (giai đoạn 1.1.2010 – 31.12.2017). Trong ảnh: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Ngày 12.3, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đặng Anh Tuấn vì liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong vụ án này, Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa. Trong ảnh: Bị cáo Đặng Anh Tuấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN
Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp ở châu Âu, Vietnam Airlines thông báo tạm thời giảm tần suất bay giữa Việt Nam và châu Âu từ ngày 25.3. Vietnam Airlines sẽ tạm thời giảm tổng cộng 14 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu. Các đường bay bị cắt giảm bao gồm giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không Việt Nam duy nhất khai thác các đường bay giữa Việt Nam và châu Âu. Đây là một trong những tuyến đường bay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, ngoại giao. Vietnam Airlines sẽ sớm khôi phục tần suất bay đến châu Âu sau khi dịch được kiểm soát tốt. Trong ảnh (tư liệu): Máy bay của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái (TP Móng Cái, Quảng Ninh), các lực lượng chức năng đang tăng cường công tác tuyên truyền và thắt chặt việc khai báo y tế nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh do vi rút SARS-Cov2 gây ra.Mỗi ngày tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) có khoảng 300 người phải kê khai y tế, hầu hết là lái xe chủ phương tiện chở hàng qua cầu Bắc Luân 2 và một số ít người Việt Nam nhập cảnh về nước. Trong ảnh: Mọi người dân và du khách đều phải trình báo Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân trước khi vào hoặc ra khỏi vùng biên giới Móng Cái. Ảnh: Văn Đức - TTXVN
TRONG TỈNH
Ngày 12.3, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ các Huyện ủy Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành và Nam Sách để tham gia ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội Đảng bộ các huyện trên nhiệm kỳ 2020-2025. Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý dự thảo Báo cáo chính trị của từng huyện cần thể hiện rõ khát vọng vươn lên, có tầm nhìn xa hơn, gắn với tiềm năng, thế mạnh, bản sắc, đặc thù của từng địa phương. Về đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua, đồng chí yêu cầu mỗi huyện phải tự rà soát, đánh giá kỹ, so sánh với 5-10 năm trước để minh chứng rõ cho sự phát triển, xác định rõ vị trí của huyện trong sự phát triển chung toàn tỉnh. Cần chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ các Huyện ủy Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành và Nam Sách. Ảnh: Linh An
QUỐC TẾ
Ngày 11.3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này coi đợt bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra là một đại dịch toàn cầu. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa, song ngăn ngừa cần phải là biện pháp "trụ cột chính". Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus còn bày tỏ quan ngại trước các mức độ báo động về tình trạng lây lan và tính nghiêm trọng của dịch COVID-19, cũng như các mức báo động về tình trạng thiếu hành động kịp thời nhằm chống dịch bệnh chết người này. Trong ảnh: Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Với 227 phiếu thuận và 186 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 11.3.2020 đã thông qua nghị quyết ngăn Tổng thống Donald Trump phát lệnh tấn công quân sự Iran khi chưa được Quốc hội phê chuẩn. Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng đưa ra quyết định tương tự. Tuy nhiên, nghị quyết có thể bị Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết, trong khi “liên minh” giữa phần lớn các nghị sĩ đảng Dân chủ với một nhóm nhỏ nghị sĩ đảng Cộng hòa không có đủ số phiếu để lật ngược tình thế. Trong ảnh: Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 12.3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo nước này không thay đổi kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020 vào tháng 7 tới, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch viêm đường hô hấp COVID-19 là đại dịch. Theo ông Suga, đầu tuần này, một nhóm chuyên gia đã nhận định dịch COVID-19 không bùng phát mạnh ở Nhật Bản, vì thế không cần triển khai các bước đi quyết liệt như ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nhật Bản vẫn duy trì cảnh giác khi virus gây bệnh tiếp tục lây lan. Trong ảnh: Biểu tượng Olympic tại Tokyo, Nhật Bản ngày 6.3. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 11.3, nhà sáng lập hãng phim Weinstein Company, từng là người đàn ông quyền lực hàng đầu ở Hollywood, Harvey Weinstein đã chính thức bị thẩm phán James Burke của tòa án thành phố New York kết án 23 năm tù giam vì tội hiếp dâm và tấn công tình dục trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt cho phong trào “MeToo”- phong trào chống quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, thẩm phán Burke cũng ra lệnh kết án thêm 5 năm quản thúc sau khi ra tù đối với "ông trùm Hollywood". Trong ảnh (tư liệu): Ông trùm giải trí Harvey Weinstein tới phiên xét xử về cáo buộc hiếp dâm và tấn công tình dục ở tòa án tối cao Manhattan, Mỹ ngày 23.1.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt lao dốc sau tuyên bố vào sáng 12.3 (giờ Việt Nam) của Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ hoàn toàn các chuyến bay từ châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày. Trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei chuẩn đã giảm 5,42% (hay 1.051,88 điểm) xuống còn 18.364,18 điểm trong khi chỉ số Topix giảm 5,06% (hay 70,15 điểm) xuống 1.314,97 điểm chỉ một giờ, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Chỉ số ASX của Australia cũng giảm 5,4%, trong khi chỉ số chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3% vào lúc bắt đầu phiên giao dịch ngày 12.3. Trong ảnh: Bảng chỉ số chứng khoán tại Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN