Đối với ao, bè nuôi cá, tôm… vôi có tác dụng đa năng, vừa là chất phòng trừ địch hại, dịch bệnh, vừa cải thiện môi trường...
Vôi là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi để nâng pH nước (đặc biệt khi mưa lớn), tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước, diệt tạp, giảm tảo và sát khuẩn bờ ao, đáy ao, làm trong nước, giảm CO2, phân hủy mùn bã đáy ao, tạo môi trường kiềm giúp tôm cứng vỏ...
Đối với ao, bè nuôi cá, tôm… vôi có tác dụng đa năng, vừa là chất phòng trừ địch hại, dịch bệnh, vừa cải thiện môi trường và còn là loại phân bón làm tăng độ màu mỡ của ao. Do đó, dùng vôi có tác dụng tốt trong môi trường thủy sản, với điều kiện vôi chất lượng tốt, không bị pha tạp và phải được bảo quản cẩn thận. Vôi dễ mất tác dụng khi để lâu trong môi trường ẩm.
Trong nuôi trồng thủy sản hiện nay chủ yếu sử dụng 4 loại vôi:
- CaO (vôi nóng, vôi nung, vôi sống): Làm tăng mạnh pH của nước, chỉ dùng khi cải tạo ao, không dùng cho ao đang nuôi tôm, cá. Vôi nung thường được dùng trong cải tạo ao, kiềm hóa đất phèn, khi bón vôi xuống ao tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn có khả năng sát thương làm chết động vật, thực vật thuỷ sinh trong môi trường nước nên không dùng bón trực tiếp cho các ao đang nuôi mà chỉ có thể dùng để xử lý xung quanh ao trước những cơn mưa lớn nhằm tránh rửa trôi phèn từ bờ xuống ao.
- Ca(OH)2 (còn gọi là vôi tôi): Dùng cải tạo ao, tăng pH đất, nước. Vôi tôi có ảnh hưởng lớn đến pH nước nên không bón vôi tôi vào buổi trưa hay chiều nắng vì lúc này pH thường cao nhất dễ làm cho pH cao đột biến khi bón vôi.
- CaCO3 (vôi đá, vôi nông nghiệp, super canxi): Có tác dụng hạ phèn, khử trùng. Đây là loại vôi được dùng phổ biến do ảnh hưởng không lớn đến pH nước.
- Dolomite (vôi đen CaMg(CO3)2): Có tác dụng hạ phèn, ít ảnh hưởng tới pH. Vôi đen cũng được sử dụng như vôi nông nghiệp nhưng có tác dụng tăng pH hơn CaCO3 đơn thuần. Tuy nhiên, do giá thành cao nên loại vôi này ít được sử dụng.
Tùy theo mục đích sử dụng chọn loại vôi phù hợp.
1. Cải tạo ao nuôi: Dùng vôi bột CaCO3 hay vôi tôi Ca(OH)2 lượng sử dụng: 10 - 15 kg/100m2 ao.
2. Hạ phèn: Khắc phục hiện tượng rửa trôi phèn sau mưa và xì phèn từ đáy ao. Dùng vôi bột CaCO3.
Với ao nuôi cá con: Hòa với nước, gạn lấy nước trong tạt xuống ao (có thể làm nhiều lần). Lượng sử dụng: 3 - 4 kg/100 m2 ao.
Với ao nuôi cá lớn, tôm: Hòa với nước, không cần gạn trong, tạt xuống ao. Lượng sử dụng: 1 - 2 kg/100 m2 ao.
Với bè nuôi cá: Cho vôi vào các bịch vải nhỏ, treo vào bè, ở đầu dòng chảy. Lượng sử dụng: 2 - 4 kg/10 m3 nước trong bè.
3. Lắng chìm các chất hữu cơ: lơ lửng trong nước sau khi mưa, làm giảm độ đục của nước. Lượng sử dụng: 1-2 kg vôi CaCO3/100 m2. Hòa vôi với nước rồi tạt khắp ao.
4. Phòng bệnh cho tôm, cá: Trong quá trình nuôi, định kỳ 10 - 15 ngày một lần bón vào ao 1 - 2 kg vôi CaCO3/100 m2. Đối với bè thì treo túi vôi 2 - 4 kg/10 m3 nước bè.
NGUYỄN THỊ THANH VÂN(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)