Sử dụng máy gặt thu hoạch lúa: Còn nhiều khó khăn

31/10/2011 09:25

Đồng ruộng manh mún, lúa chín không đồng đều, nhiều ruộng máy gặt không thể tới do bờ kênh, mương nhỏ... đã hạn chế tác dụng và nhu cầu sử dụng máy gặt.



Thu hoạch lúa bằng máy ở xã Tân Dân (Chí Linh)


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh ta hiện có khoảng 50 chiếc máy gặt. Đa số các huyện, thị xã, thành phố đều có máy gặt thu hoạch lúa. Máy gặt xuất hiện trên đồng ruộng tỉnh ta từ ba năm trở lại đây đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội so với gặt lúa thủ công. Đa số các loại máy gặt hiện nay đều có công suất thu hoạch trên thực tế đạt 5-15 sào lúa/giờ, trong khi một người chỉ có thể gặt 1-2 sào lúa/ngày. Máy gặt giúp tăng năng suất lao động, đẩy nhanh thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu nhân công thu hoạch lúa. Các loại máy gặt đập liên hợp đều có chức năng gặt và đập lúa, nông dân chỉ cần mang thóc về nhà, không phải mất chi phí tuốt lúa. Nông dân chỉ phải trả 150-170 nghìn đồng/sào khi thuê máy gặt, rẻ hơn 30-50% chi phí thuê gặt thủ công và tuốt lúa. Nếu có nhiều diện tích để thu hoạch, một chủ máy gặt làm 2 vụ lúa sẽ trả hết tiền mua máy. Không ít nông dân đã có thu nhập khá từ dịch vụ gặt thuê.

Tuy nhiên, sử dụng máy gặt thu hoạch lúa còn nhiều khó khăn. Xã Thanh Giang (Thanh Miện) hiện có 2 máy gặt của ông Vũ Ngọc Sản và Nguyễn Trắc Xuân. Ông Bùi Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Giang, cho biết: “Đồng ruộng manh mún, bờ kênh, mương có kích thước nhỏ gây khó khăn khi máy gặt di chuyển và thu hoạch. Mặc dù vụ mùa này xã đã có vùng lúa nếp tập trung với quy mô 50 ha nhưng máy gặt cũng chỉ thu hoạch được một phần, nhiều diện tích người dân vẫn tự gặt”.

Khó khăn ở xã Thanh Giang cũng là khó khăn chung ở các địa phương khác. Các ruộng lúa có diện tích to, nhỏ khác nhau, lúa chín không đồng đều, có người muốn thuê gặt và có người tự gặt thủ công, nhiều ruộng lúa máy gặt không thể tới nơi do bờ kênh, mương nhỏ... đã hạn chế tác dụng và nhu cầu sử dụng máy gặt. Nhiều người muốn thuê gặt nhưng chủ máy không thể đáp ứng.

Ở tỉnh ta, máy gặt được bán tại một số công ty, cửa hàng ở huyện Cẩm Giàng, Bình Giang và TP Hải Dương. Chủng loại máy chủ yếu do Trung Quốc sản xuất. Các loại máy gặt Trung Quốc có nhiều kích cỡ khác nhau, giá bán 120-200 triệu đồng/máy. Loại máy gặt này đang được sử dụng nhiều nhất. Các loại máy gặt sản xuất từ Nhật, Hàn Quốc ít được các công ty, cửa hàng nhập về do giá bán cao. So với máy gặt Nhật, Hàn Quốc thì máy gặt của Trung Quốc có giá rẻ hơn nhưng tính năng, công dụng thì khó sánh bằng. Một số tính năng của máy gặt Trung Quốc còn hạn chế khiến việc thu hoạch lúa không như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: Huyện hiện có 3 máy gặt ở xã Lê Ninh và Phạm Mệnh. Tuy nhiên, máy gặt chỉ có thể thu hoạch ở vụ xuân, khi đó chỉ cần cắt ngang cây lúa là được. Thu hoạch lúa mùa cần cắt sát gốc để nông dân trồng cây vụ đông. Một số máy gặt không cắt được sát gốc lúa nên người dân không thuê. Anh Nguyễn Thiện Huấn, chủ máy gặt ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) cũng từng mua một chiếc máy gặt Trung Quốc nhưng không cắt được sát gốc lúa nên phải trả lại. Một số nông dân cũng đã phải trả lại máy hoặc bán máy gặt, chấp nhận thua lỗ khi công dụng của máy chưa hoàn thiện và sử dụng máy thu lúa có nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số máy gặt Trung Quốc về mặt lý thuyết có chế độ cắt sát gốc lúa nhưng trong thực tế khó thực hiện do tính năng còn hạn chế. Mặt khác, khi cắt sát gốc lúa sẽ làm giảm tốc độ thu hoạch, tiêu hao nhiều nhiên liệu. Anh Nguyễn Thiện Huấn đã tìm mua một chiếc máy gặt sản xuất từ Hàn Quốc có giá bán 180 triệu đồng để thay thế chiếc máy gặt Trung Quốc. Chiếc máy này có thể gặt sát gốc lúa. Một số chủ máy gặt còn than phiền về chất lượng máy gặt Trung Quốc sản xuất do thỉnh thoảng máy bị hư hỏng. Trong thời gian qua, nhiều nông dân mong muốn được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước khi vay vốn mua máy gặt nhưng chưa có cơ hội tiếp cận. Những khó khăn, bất cập trên đã khiến số lượng máy gặt ở tỉnh ta còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục chỉ đạo nông dân thực hiện gieo cấy lúa theo phương châm “một vùng, một giống, một thời gian” để lúa chín đồng loạt, tạo điều kiện cho thu hoạch lúa bằng máy. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp đường giao thông nội đồng, vận động các nhóm hộ nông dân cùng thuê máy gặt. Tạo điều kiện để những người có nhu cầu vay vốn ưu đãi mua máy gặt, tăng diện tích thu hoạch lúa bằng máy. Các công ty, đại lý cần cung ứng nhiều loại máy gặt khác nhau, có nhiều tính năng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giá bán phù hợp, làm tốt khâu bảo hành cho khách hàng.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng máy gặt thu hoạch lúa: Còn nhiều khó khăn