Sử dụng lao động trẻ em: Lợi ít, hại nhiều

01/07/2018 14:18

Tình trạng sử dụng lao động trẻ em là điều đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, song vẫn chưa được cải thiện như mong đợi.

Chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Linh Ngọc

Hiện nay, cả nước vẫn còn 9,6% số trẻ em phải lao động sớm, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội.

Hệ lụy khó lường

Thay vì được đến trường, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hữu ích, nhiều trẻ em phải lao động sớm. Sử dụng lao động trẻ là điều dễ thấy, từ thành thị tới nông thôn, tập trung nhiều nhất ở các làng nghề. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thạch Thất cho biết, hầu hết làng nghề trên địa bàn huyện đều có lao động trẻ em. Đơn cử, tại các làng nghề ở xã Canh Nậu đang có 220 trẻ em phải lao động sớm hoặc có nguy cơ lao động sớm; con số này ở các làng nghề trên địa bàn xã Bình Phú là 196 em. Nhiều làng nghề khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai… cũng có lao động trẻ em. Tính chung, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 30.000 lao động trẻ em (khoảng 1,7% số trẻ em hiện có).

Trên phạm vi cả nước, tình trạng sử dụng lao động trẻ em đã và đang là vấn đề gây nhức nhối. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 1,75 triệu trẻ em ở nước ta đang tham gia lao động. Trẻ em làm việc nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, tiếp đến là ngành dịch vụ với 16,6%, ngành công nghiệp, xây dựng với 15,8%,… Đáng lo hơn, 75% lao động trẻ em hiện có nguy cơ phải làm việc trong các ngành, nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên. Vì làm việc với thời gian kéo dài, bình quân khoảng 42 giờ/tuần, nhiều trẻ em đã phải nghỉ học để lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số lao động trẻ em, ước tính có 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội, nhưng về lâu dài, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội. “Trẻ em tham gia lao động sớm bị hạn chế cơ hội và điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, trí tuệ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em đi làm xa gia đình bị kẻ xấu lôi kéo làm những việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại, mua bán…”, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cảnh báo.

Đề cập đến tình trạng trẻ em lao động sớm, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới khó có thể đạt kết quả như mong muốn nếu không có giải pháp hiệu quả nhằm giảm số lao động trẻ em xuống mức thấp nhất.

“Nói không” với lao động trẻ em

Trẻ em cần được học tập, vui chơi để phát triển toàn diện


Trong bối cảnh điều kiện sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, việc xóa bỏ lao động trẻ em không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Song, vì những lợi ích lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp để loại bỏ tình trạng sử dụng lao động trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quy định về lao động trẻ em được thể hiện rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, trước hết, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật trong cộng đồng, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trẻ em trái quy định. Đối với phụ huynh, bà Ninh Thị Hồng mong muốn họ dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, chủ động tìm hiểu những tác hại của lao động trẻ em để có ý thức phòng ngừa, tiến tới “nói không” với lao động trẻ em.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lê Hồng Loan đề xuất định hướng chính sách vĩ mô. Đó là xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn, hình thức giáo dục linh hoạt, tạo hứng thú cho trẻ em đến trường. Nghề công tác xã hội và hệ thống dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần được mở rộng, được tạo điều kiện phát triển nhằm giúp trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cần thiết.

Góp phần bảo vệ trẻ em, hạn chế lao động trẻ em, Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia các công ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Công ước số 182 của ILO về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu được đi làm việc... Chương trình phòng ngừa và giảm lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đang được các ngành, địa phương triển khai rộng rãi.

Tại Hà Nội, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang phối hợp với ILO triển khai dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam”. Sau 6 tháng thực hiện thí điểm tại một số địa phương có làng nghề thuộc các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức và Thạch Thất, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng lao động trẻ em; bước đầu hình thành các mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, hạn chế số lượng lao động trẻ em một cách hiệu quả.

Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể khẳng định: Để hạn chế tình trạng sử dụng lao động trẻ em thì ngoài khung chính sách phù hợp, các ngành, địa phương, nhất là các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em. Đừng vì những lợi ích trước mắt mà để trẻ em phải lao động sớm.

HÀ HIỀN (Hà Nội mới)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng lao động trẻ em: Lợi ít, hại nhiều