Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ

06/06/2013 08:38

Từ năm 2005, trung tâm đã kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho các dự án, công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo...



Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn hỗ trợ nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy và học cho
Trường Tiểu học Kiến Quốc (Ninh Giang)


Văn Đức là 1 trong 5 xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của thị xã Chí Linh. Cơ sở vật chất của trường mầm non dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu thốn, nhất là các khu vệ sinh phục vụ cho sức khỏe, học tập, rèn luyện của học sinh nhà trường. Trong 2 năm 2011 và 2012, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 - 3 (Hội Phụ nữ tỉnh), trường đã được đón các đoàn tình nguyện viên của Hàn Quốc về lao động, giao lưu, tặng đồ chơi, đồ dùng học tập, hỗ trợ xây nhà vệ sinh. Qua đó góp phần giúp nhà trường khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học. Cô Nguyễn Thị Thuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường Mầm non Văn Đức hiện nay có 7 điểm lẻ, các điểm lại cách xa nhau nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của các điểm trường đều xuống cấp. Trước năm 2011, chỉ có 3 điểm có công trình vệ sinh. Năm 2011 và năm 2012, trường được đón đoàn sinh viên tình nguyện của Hàn Quốc về lao động, giao lưu văn hóa, văn nghệ, dọn dẹp vệ sinh, kẻ vẽ tranh ảnh trên  tường, phòng học và xung quanh nhà trường. Đặc biệt, đoàn đã xây dựng tặng nhà trường 2 công trình vệ sinh. Ngoài ra còn tặng đồ dùng, dụng cụ  học tập cá nhân cho trẻ, hỗ trợ 1 đàn pi - a - nô phục vụ cho việc dạy và học. Tổng trị giá gần 30 triệu đồng. Hoạt động tình nguyện và hỗ trợ của đoàn đã giúp nhà trường khắc phục một phần những khó khăn về cơ sở vật chất, công tác vệ sinh môi trường, từ đó tạo những chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học. Tỷ lệ huy động trẻ đến lớp trước đây chỉ đạt từ 70 - 75% thì nay đã đạt gần 90%".

Dù thư viện Trường Tiểu học xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đã đạt chuẩn, nhưng số đầu sách trong thư viện vẫn còn rất ít. Do đó, thư viện của trường chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong việc thu hút học sinh và ngay cả giáo viên đến tìm mượn và đọc sách. Năm 2012, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 tỉnh. Cô Nguyễn Thị Toan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn hỗ trợ gần 200 triệu đồng để trang bị thêm hơn 1.000 đầu sách, cùng  toàn bộ tủ sách, giá sách, bàn đọc, thiết bị đồ dùng trong phòng thư viện. Số học sinh đến thư viện mượn và đọc sách đã tăng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của trường, giúp các em nâng cao kỹ năng học và đọc sách. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn đã trao tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh nghèo của trường".

Không chỉ Trường Mầm non Văn Đức, Trường Tiểu học Kiến Quốc mà nhiều trường học tại các vùng sâu, vùng xa khác như các Trường Mầm non: Hưng Long, Quang Hưng, Ninh Hải (Ninh Giang), Bình Minh, Cổ Bì, Thái Dương, Thái Hòa (Bình Giang); các Trường Tiểu học: Bắc An, Văn Đức (thị xã Chí Linh)... đều được tiếp nhận, hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ do Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 khai thác. Có thể khẳng định, với sự chủ động, tích cực khai thác, tổ chức, quản lý  và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ do Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 -3 khai thác đã góp phần quan trọng giúp các địa phương gỡ bớt những khó khăn, hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Ông Phạm Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 8- 3 tỉnh cho biết, từ năm 2005, thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PaCom), trung tâm đã gặp gỡ, vận động và kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho các dự án, công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Hải Dương. Sau khi được phía bạn cam kết hỗ trợ, trung tâm tiến hành lựa chọn, sàng lọc để bảo đảm việc hỗ trợ đến được đúng đối tượng, đúng yêu cầu của nhà tài trợ. Ngoài ra, để nguồn vỗn hỗ trợ sử dụng đúng mục đích, trung tâm trực tiếp cùng với các tổ chức đi khảo sát, đánh giá, sau đó thống nhất, có phương án hỗ trợ trực tiếp đến các địa phương, các công trình. Việc thực hiện hỗ trợ luôn công khai rõ ràng, minh bạch nên phía bạn rất hài lòng. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ từ Hàn Quốc, hàng chục dự án, công trình cho trường học trong tỉnh đã được đầu tư với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp được hàng chục trường học tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, trang thiết bị dạy và học. Trung tâm còn kêu gọi hỗ trợ kinh phí để cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 200 suất học bổng, trị giá hơn 200 triệu đồng được trao cho học sinh, sinh viên nghèo trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trung tâm đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiến hành hỗ trợ cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị học tập cho các Trường Tiểu học: Đông Xuyên (Ninh Giang), Minh Đức, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Dự kiến tháng 8 -2013 sẽ khởi công xây dựng Trường Tiểu học Minh Đức A, điểm thôn Cự Lộc.

NGÂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ