Từ kết quả điều tra trên, các nhà khoa học khẳng định, bờ biển Việt Nam có thể đã từng bị sóng thần cao từ 2-3m tràn vào bờ.
Cảnh báo sóng thần được phát đi ở 27 nước khắp Ấn Độ Dương sau khi hai trận động đất 8,6 và 8,3 độ Richter cách nhau vài giờ xảy ra ở vùng biển thuộc tỉnh Aceh của Indonesia. Chấn động của trận động đất lan tới Singapore, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam… Chúng ta thử tìm hiểu cơ chế xuất hiện sóng thần và khả năng xuất hiện của chúng trên vùng ven biển Việt Nam.
Indonesia đã ban bố cảnh báo sóng thần tại 5 tỉnh dọc theo bờ biển phía Tây Sumatra, trong đó có tỉnh Aceh. Sri Lanka ra cảnh báo sóng thần, tạm dừng cung cấp điện và dịch vụ xe lửa tới tất cả vùng ven biển đề phòng hỏa hoạn, thương vong và những sự cố khác có thể xảy ra. Trung tâm Quản lý Thảm họa của nước này ra cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân ở miền Nam, miền Đông và vùng Colombo vào sâu trong nội địa. Ấn Độ cảnh báo sóng thần ở các đảo Andaman và Nicobar ở vịnh Bengal (bang Tamil Nadu và Andhra Pradesh).
Cục Phòng chống Thảm họa của Thái Lan ra cảnh báo khẩn, yêu cầu người dân sống dọc bờ biển Anadaman của sáu tỉnh miền nam (Ranong, Phang Nga, Phuket, Satun, Krabi và Trang) đi sơ tán. Tại Phukhet, người dân nghe thấy còi cảnh báo sóng thần qua hệ thống được thành lập ở nhiều khu vực ven biển sau thảm họa năm 2004 và bình tĩnh theo các tuyến đường sơ tán tới vùng an toàn.
Tuy nhiên, 2 trận động đất dưới lòng biển Ấn Độ Dương gần tỉnh Aceh (Indonesia) chiều 11-4 chỉ gây sóng thần nhỏ, chứ không lớn như thảm hoạ từng xảy ra ngay chính vùng nay năm 2004 khiến 230.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa hay ở Nhật năm 2011 vừa qua.
Ở Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm ra quyết định cảnh báo sóng thần, chịu trách nhiệm theo dõi, phân tích, cảnh báo kịp thời trên hệ thống khi có nguy cơ xảy ra sóng thần và ảnh hưởng đến Việt Nam. Đề án Xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương (Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu), hiện chưa có tài liệu chính thức được công bố thiệt hại về sóng thần tại Việt Nam. Ở nước ta, từ trước tới nay chưa có hệ thống quan trắc sóng thần nên chưa ghi nhận được thông tin nào về sóng thần. Trong nhiều trường hợp, sóng thần bị nhầm lẫn với nước dâng do bão hay sóng có bước sóng ngắn. Cho đến nay có thể có ít nhất là 4 hoạt động trên vỏ đất có thể hình thành nên sóng thần: sự va chạm của một thiên thạch trên mặt biển; các hoạt động của núi lửa ngầm trên nền biển; các trượt sụp, đất chuồi (land slide) trên nền biển; và các hoạt động dịch chuyển vỏ trái đất dọc theo các hệ thống trượt hay toạc sụp.
Theo Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về chế độ động đất ở biển Đông và các điều kiện hình thành sóng thần, các khả năng dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các kết quả điều tra về sóng thần ở ven biển nước ta chủ yếu dựa vào ghi chép trong các tài liệu trong lịch sử hoặc dựa trên trí nhớ của người dân vùng ven biển. Theo đó, sóng thần từng xảy ra ven biển Thừa thiên – Huế vào ngày 11-9-1904 và đã tàn phá 22.027 ngôi nhà, làm đắm 519 thuyền và chết 724 người. Có tài liệu cho rằng sóng thần đã tấn công bờ biển Nam Định vào năm 1930, Đà Nẵng vào năm 1964. Tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng để khẳng định hay phủ nhận những thông tin trên. Có 3 sự kiện đáng tin nhất về sóng thần tại bờ biển nước ta. Sự kiện thứ nhất là sóng thần xảy ra tại bờ biển Trà Cổ. Sự kiện diễn ra trong không gian hẹp, không liên quan tới sự cố động đất nào. Hiện tượng thứ hai là sóng cao ngang thân tre ven biển đã tràn sâu vào đất liền hơn 1km, tại bờ biển Diễn Châu vào một năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sự kiện thứ ba là sóng thần xảy ra ở bờ biển Nha Trang vào năm 1923.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, năm 1978, sóng thần đã bất ngờ xuất hiện tại vùng Trà Cổ, Móng Cái. Sóng cao 2-3m, tràn vào bờ nhiều đợt làm nứt tường nhà, làm đổ các hàng cây phi lao ven bờ. Xung quanh vùng biển vào thời điểm đó không có một sự cố động đất nào. Sau khi nghe kể và nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã kết luận, đây là hiện tượng sóng thần, nguồn gốc khí tượng học trượt đất, có thể xuất phát từ tâm trận lốc xoáy hoặc trượt đất dưới đáy biển của vùng biển xa.
Còn vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, theo lời kể của những người cao tuổi, tại bờ biển Diễn Châu (Nghệ An), sóng thần đã xuất hiện. Sóng dâng cao tựa như sóng trong các trận bão lớn, quét ngang thân tre ven biển, tràn sâu vào đất liền hơn 1km, làm ngập nhà cao 1,5m, cuốn trôi nhiều nhà cửa. Nhiều nhà khoa học kết luận, đây có lẽ cũng là sóng thần nguồn gốc khí tượng hoặc trượt lở đất ở vùng biển xa giống như hiện tượng tại Trà Cổ vào năm 1978.
Các nhà khoa học tại hai viện nghiên cứu trên cũng đã đặt ra giả thuyết rằng, từng có các đợt sóng thần xảy ra vào năm 1923 tại Khánh Hoà. Theo ghi chép của Tiến sĩ Armand Krempt (trợ lý của bác sĩ Alexandre Yersin), sóng thần đã từng phá hỏng chuồng ngựa của bác sĩ Alexandre Yersin ở Nha Trang khi mà chuồng ngựa của ông cách bờ biển 5-6m. Sự cố này có liên quan tới hiện tượng núi lửa phun trào và gây động đất 6,1 độ richter tại đảo Hòn Tro, quần đảo Phú Quý. Có thể việc gây phun trào núi lửa tại Hòn Tro mà tạo ra sóng thần.
Sóng thần cao nhất đổ bộ vào Việt Nam lên tới 3-4m
Trước khi xảy ra thảm họa sóng thần ngày 26-12-2004 tại Nam và Đông Nam Á, làm 273.000 người thiệt mạng, nghiên cứu về sóng thần tại Việt Nam chưa được chú ý nhiều. Tuy nhiên, tới nay, theo Viện Vật lý địa cầu, trên lãnh thổ Việt Nam đã có 33 điểm khảo sát sóng thần, phân bố đều từ Móng Cái tới Cà Mau.
Bên cạnh đó, nhiều đoàn khảo sát, điều tra tại các điểm dân cư, vùng ven biển nhằm tìm hiểu tất cả các hiện tượng sóng biển: sóng bão, nước dâng, thủy triều, sóng chưa rõ nguồn gốc cũng đã được tiến hành. Từ kết quả điều tra trên, các nhà khoa học khẳng định, bờ biển Việt Nam có thể đã từng bị sóng thần cao từ 2-3m tràn vào bờ.
Viện Vật lý trái đất (CHLB Nga) và Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) từng hợp tác nghiên cứu khoa học tìm kiếm những vết lộ địa chất có dấu hiệu biểu hiện của sóng thần. Kết quả phân tích tuổi tuyệt đối của các mẫu địa chất cho thấy, có ít nhất 3 đợt phủ thềm trên diện rộng vào các năm 360 năm, 610 năm và 960 năm (chu kỳ xuất hiện sóng thần là 320 năm). Kết quả trên có thể đặt giả thiết về sự tồn tại của sóng thần đã gây tác động mạnh mẽ ở Việt Nam.
Theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Xuyên, Viện Vật lý địa cầu, nguy cơ các vùng bờ biển Việt Nam xuất hiện sóng thần xuất phát từ các vùng nguồn tiềm ẩn trong biển Đông. Tại đây, các biến đổi dưới đáy biển như động đất mạnh trên 6,5 độ richter theo cơ chế chờm nghịch hoặc thuận; hoạt động của núi lửa, trượt lở ven bờ và dưới đáy biển cũng tạo sóng thần. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Xuyên cũng đã tính toán ra trường hợp, sóng thần lớn nhất có thể xảy ra tại vùng biển Việt Nam. Đó là trường hợp xảy ra động đất 8,5 độ richter ở đới hút chìm Manila (Philippines) có thể gây ra sóng thần cao 3-4m tại vùng biển Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà.
Khi đó, tại các vùng biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng cũng xuất hiện sóng thần với độ cao nhỏ từ 30-50cm. Để phòng tránh những thảm họa do sóng thần gây ra, đồng thời tránh gây tâm lý hoảng loạn vì những thông tin vô căn cứ, Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên cho rằng, cần phải có một hệ thống gồm một trung tâm cảnh báo và các mạng lưới quan sát động đất và sóng thần của Việt Nam kết hợp với khu vực và thế giới. Trung tâm này có nhiệm vụ thu thập tức thời các kết quả quan sát của những mạng lưới trạm quan sát trong nước, thông tin cảnh báo từ các trung tâm của khu vực và quốc tế. Từ đó tổng hợp số liệu, đưa ra quyết định cảnh báo và thông báo nhanh cho cộng đồng, cơ quan hữu trách.
Theo các nhà khoa học, khả năng sóng thần trên bờ biển Việt Nam không lớn nhưng thật sự tiềm ẩn khả năng này. Nếu có sóng thần xảy ra thì khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Trung Trung bộ mà nặng nhất là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi!.
Khi nào có sóng thần ở bờ biển Việt Nam?
Trên cơ sở nghiên cứu các đặc trưng địa chấn kiến tạo và địa động lực khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu đã xác định được các vùng nguồn sóng thần có thể gây nguy hiểm trực tiếp tới bờ biển Việt Nam trên khu vực biển Đông và các vùng biển lân cận.
TS. Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, kiêm Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trong những nghiên cứu gần đây nhất mà Viện Vật lý địa cầu đã tiến hành, có đề cập đến khu vực biển Đông cũng có một số nguồn sóng thần, trong đó có thể nguồn động đất gây sóng thần lớn đến từ vùng máng Manila, giáp Philippines. Nếu một trận động đất cường độ 9,2 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila (Philippines) thì có thể tạo nên sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5 m ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ. Như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đã có một mạng lưới trạm ghi tín hiệu động đất từ khoảng hơn 20 trạm trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc tế ở Thái Bình Dương, đóng tại Hawaii (Mỹ) và Trung tâm Tư vấn sóng thần Bắc Đại Tây Dương của Nhật Bản. Bởi vậy, những thông tin về động đất lớn xảy ra ở khu vực biển Đông và vùng lân cận thì hầu như có thể nhận được ngay. Do vậy, nếu có những trận động đất lớn, gây sóng thần thì với những phương tiện hiện tại Viện vật lý địa cầu vẫn có thể đưa ra những cảnh báo kịp thời, đặc biệt tới dân chúng ven biển để họ sơ tán nhằm giảm thiểu tác hại. |