Sống khiêm tốn, giản dị là một nét đẹp trong đạo đức của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, kiêu ngạo một tý cũng thừa”.
Trong đời sống xã hội hiện nay, rất nhiều cán bộ, đảng viên thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khiêm tốn học hỏi, hoàn thành tốt mọi cương vị, chức trách được Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể giao cho, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước. Tuy nhiên, cũng còn nhiều cán bộ, đảng viên do không khiêm tốn rèn luyện tu dưỡng, để chủ nghĩa cá nhân và bệnh công thần ngự trị, thích ăn chơi hưởng lạc, nên đã thoái hoá về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhiều cán bộ khi còn ở cấp thấp thì thực sự mẫn cán, hoàn thành tốt công việc, nhưng khi được cất nhắc lên cấp cao hơn, do thiếu khiêm tốn rèn luyện, học tập, đã giậm chân tại chỗ, quanh đi quẩn lại đã hết một nhiệm kỳ, chẳng làm được gì cho đến đầu đến đũa, chỉ nặng về củng cố địa vị, tham nhũng, vun vén cho gia đình, dòng họ mình. Đã thế còn mắc tật khoe mẽ, lên gân, "chém gió" ào ào trước diễn đàn. Nhiều cán bộ, đảng viên được anh em đồng đội phê bình, góp ý, còn tỏ ra kiêu ngạo, bất cần, nóng vội, nói ngang, tự cho mình là đã có nhiều kinh nghiệm, có nhiều bằng cấp, hoặc nay đã là "ông nọ bà kia" có quyền, có chức rồi nên chống chế, thậm chí còn thành kiến, gây mất đoàn kết, trù úm với đồng đội, đồng chí đóng góp ý kiến cho mình.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, theo tôi, các cán bộ, đảng viên cần sống giản dị theo gương Bác Hồ. Đồng thời, cần tập trung thực hiện thật tốt việc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình một cách dũng cảm, trung thực để rồi có biện pháp phấn đấu vươn lên tiến bộ, đồng thời phải tích cực, chân tình trong phê bình để giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội.
TRẦN HƯNG THỊNH(Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh)