Thôi thì sông có khúc, người có lúc, gắng mà nuôi con. Chị Ngọc cũng tự an ủi mình pháp luật công bằng.
Cả khu phố xôn xao khi nhà anh Trương thuê xe chở đồ nội thất trong nhà về quê. Anh Trương không có nhà, một mình chị vợ lo toan nên phải nhờ hàng xóm khiêng cho, mỗi người một tay, phải mất mấy chuyến xe mới chuyển được những đồ quan trọng về nhà bố mẹ đẻ của anh Trương ở dưới quê. Nhà ba tầng mới xây xong hồi cuối năm ngoái mà giờ chị Ngọc - vợ anh Trương đã rao bán khiến mọi người tò mò, tiếc nuối: "Nhà đẹp quá, ngay mặt phố, sao lại bán?".
Chị Ngọc nước mắt lưng tròng, thở hổn hển vì khuân đồ rất mệt. Lưng áo chị ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn đi lại thoăn thoắt để chuyển đồ ra xe. Chị chỉ muốn chui vào một góc kín đáo để khóc cho thoải mái. Chị thương các con đang tuổi ăn tuổi lớn, đang học hành cuối cấp, lo thi cử áp lực, giờ lại chứng kiến biến cố xảy ra trong gia đình, không biết các con có vượt qua được không. Chị tự nhủ bản thân mình phải mạnh mẽ, làm chỗ dựa cho cha mẹ già, cho chồng, cho con trong lúc này. Anh Trương đã bị công an bắt tạm giam vì những dính líu, những sai phạm trong kinh doanh. Anh là người đứng đầu đơn vị, phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật.
Nhận tin chồng bị tạm giam, chị Ngọc vô cùng hoang mang, sợ hãi. Bố mẹ chồng thấy chị chuyển đồ về quê thì gặng hỏi nên chị chẳng thế giấu được. Không ngờ, ông bị huyết áp cao, tăng đột ngột nên phải nhập viện. Bà cứ ra khóc, vào mếu khiến chị rối hết cả ruột. Bình tâm lại, chị nghĩ cách thuê luật sư để chuẩn bị hành trình gỡ tội cho chồng, giảm nhẹ được phần nào hay phần đó. Luật sư đã chỉ cách cho chị, nếu đền bù thiệt hại, nộp tiền khắc phục hậu quả thì mức án của anh Trương có thể được giảm nhẹ hơn so với khung hình phạt.
Vì thế, chị mới nghĩ đến chuyện bán căn nhà mà vợ chồng chị tích cóp, đầu tư thuê thiết kế từng góc nhỏ rất tỉ mỉ. Dù có tiếc đứt ruột, chị vẫn sẽ bán căn nhà này để lo khắc phục hậu quả mà anh đã gây ra. Có gì đáng giá chị đều rao bán, từ ô tô đến mảnh đất bên thành phố và mấy cây vàng mà chị tích cóp để phòng thân. Chị bán hết và quyết định 3 mẹ con chuyển về quê sống cùng ông bà nội của con. Việc học của con bị xáo trộn, đi lại xa xôi, vất vả hơn.
Trước kia, mỗi lần về nhà, anh Trương lại đưa cho vợ cả bọc tiền. Chị Ngọc ăn tiêu tiết kiệm nên bạn bè, đồng nghiệp vẫn chê chị là "giàu mà không sang", chồng kiếm ra nhiều tiền mà không biết ăn diện, không biết hưởng thụ, dại quá. Chị Ngọc vốn giản dị, lại không thích phô trương, trong lòng chị cũng nơm nớp lo lắng khi thấy chồng kiếm được nhiều tiền. Chị sợ những đồng tiền bất chính có ngày làm khổ cả gia đình. Thi thoảng chị vẫn nhắc chồng phải biết "giữ mình" kẻo ở đời "tham thì thâm". Chồng chị gắt lên: "Không phải lo, cứ tiêu đi". Vậy mà chị có dám tiêu vung tay đâu. Chị không thích cách anh vỗ ngực khoe khoang tài sản của gia đình nhưng hễ ngồi vào bàn nhậu là anh hứng lên, anh vẫn khoe hết. Anh khoe xây nhà hết bao nhiêu tỷ, khoe cái đồng hồ đeo tay hàng hiệu, dát vàng có giá mấy trăm triệu, đồ nội thất trang trí phòng khách tính bằng tiền đô… Vì thế, nhiều người biết nhà chị rất khá giả và họ cũng không thích tính cách hay "khoe của" của anh.
Khi hàng xóm láng giềng biết chuyện gia đình Trương - Ngọc gặp biến cố, người thì thủng thẳng, không hề ngạc nhiên: "Thời buổi này, vi phạm pháp luật thì sớm muộn cũng đi bóc lịch thôi. Khoe của nhiều lắm vào. Chị vợ còn kín đáo chứ anh chồng toàn vỗ ngực bô bô khoe làm giàu dễ lắm". Người khác lại cảm thông: "Thôi, chuyện nhà người ta, đừng có ác mồm ác miệng thế. Đời còn dài lắm, ai biết tương lai thế nào, khổ thân vợ con".
Từ khi chồng bị bắt, chị Ngọc héo hon cả người, lúc nào cũng như mất hồn. Xung quanh chị, mọi người biết chuyện cả nhưng cứ lờ đi như không biết gì vì họ không muốn động đến nỗi buồn của chị. Những người thân thiết lắm mới qua lại nhà chị để động viên, thăm hỏi. "Thôi thì sông có khúc, người có lúc, gắng mà nuôi con".
Sự việc đã vậy, chị phải biết làm sao. Trong lúc tuyệt vọng, chị cứ ám ảnh mãi ánh mắt của chồng lúc bị công an dẫn đi. Chị tự nhủ, mình phải cứng rắn để là chỗ dựa cho gia đình này. Chị luôn tin, pháp luật công bằng, sai đến đâu chịu đến đó. Chỉ cần còn người là sẽ còn cơ hội làm lại, chị sẽ đợi bố của các con trở về.
TRẦN LÀNH