Xuất phát từ tình yêu vợ chồng, tình thương con cái, cha mẹ, rồi nghĩ đến trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ, làm người con dâu trong gia đình, họ tộc...
Sinh ra và lớn lên giữa TP Hải Dương, nhưng chị Nguyễn Thị Bắc lại theo học ngành thuỷ lợi, rồi lần lượt được điều động đến làm việc ở nhiều đơn vị hầu như ở những vùng nông thôn xa xôi của tỉnh: trạm bơm Thanh Cường phục vụ tưới tiêu cho 6 xã khu Hà Đông, trạm bơm Đò Phan thuộc xã Việt Hồng (Thanh Hà), trạm bơm Đò Hàn (Nam Sách); hàng chục năm thuyên chuyển, cuối cùng chị mới được chuyển về trạm bơm Hồng Lạc (Thanh Hà), quê hương của gia đình chồng chị. Thuyên chuyển như vậy có lẽ cũng chưa nói lên điều gì của sự vất vả nếu như gia đình chị bình thường như bao gia đình khác. Đằng này, trong khi chị liên tục phải đi lại vất vả với những ca trực máy, có cả những đêm mưa gió bão, thì chồng chị, anh Nguyễn Văn Điềm, công nhân kỹ thuật của ngành xây lắp điện, cả cuộc đời công tác tận miền Nam và miền Trung, Tây Nguyên, mỗi năm chỉ về phép một lần. 27 năm chồng biền biệt xa nhà, đủ cho chị chờ đợi và đơn độc gánh vác một gia đình gồm mẹ chồng già, chị chồng bệnh tật không có khả năng lao động từ nhỏ và các em của chồng cùng ba đứa con thơ. Bản thân chị có những thời gian luôn ốm yếu.
Đứng trước một gia đình nhìn vào đâu cũng thấy khó khăn như một trái núi lớn chắn ngang trước mặt, nhưng chị Bắc không hề nản. Chị lần lượt giải quyết hoàn cảnh của cuộc sống bằng cách của người giàu nghị lực: vừa đảm đương công việc cơ quan, vừa cày cấy ruộng và làm vườn. Hằng ngày, sau mỗi ca vận hành máy, về nhà, chị cắt đặt công việc nhà cho các con, còn chị tranh thủ xuống đồng. Có những năm chị đảm đương tới 8 sào ruộng, còn bây giờ thì chị đang cày cấy 6 sào. Chồng vắng nhà, mẹ chồng chị do vất vả nhiều, đến năm 60 tuổi không ra đồng làm lụng được nữa, vì vậy các con chị lớn đến đâu, chị cho chúng theo tập làm ruộng, dần dà những buổi tan lớp, chúng cũng tham gia làm việc đồng áng. Như vậy, ngoài gánh đỡ một phần công việc giúp mẹ, chị còn cảm thấy được các con chia sẻ, nên càng thêm nghị lực.
Năm tháng dần trôi. Một thời gian dài nhìn lại, chị là một trong những cán bộ, nhân viên trong cơ quan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm nào cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Năm 2010, chị được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh lần thứ ba. Trong gia đình, chị được mọi người tin yêu, dòng tộc nể trọng, ghi nhận chị là người con dâu thảo hiền.
Tôi vào thăm ngôi nhà ba gian lợp ngói vững chãi, sạch sẽ của anh chị, nhìn ra vườn cây, ao cá. Trong ngôi nhà nhỏ ấy đang có một người mẹ 102 tuổi không còn khả năng đi lại, không còn nhận biết, ăn uống phải có người phục vụ và người chị chồng ngoài 80 mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, ngồi thu lu ở góc sân. Lại biết các con chị đều được học hành đến nơi đến chốn, bây giờ mỗi đứa công tác một nơi, tôi mới thấy hết sức lực và sự hy sinh của chị lớn lao biết nhường nào. Không giấu nổi sự tò mò, tôi hỏi chị Bắc: Sức mạnh nào khiến chị vượt qua những khó khăn như mắc cửi của cuộc đời vậy? Chị Bắc cười, giọng quả quyết rằng: Xuất phát từ tình yêu vợ chồng, tình thương con cái, cha mẹ, rồi nghĩ đến trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ, làm người con dâu trong gia đình, họ tộc...
VŨ TUYẾT MÂY