Nhìn chị Lam thẫn thờ ngồi ở góc phòng làm việc, tôi chẳng biết nói gì để an ủi chị. Giá chị hiểu rằng, sống vì người khác cũng là một niềm hạnh phúc thì có lẽ mọi sự đã không đổ vỡ như thế.
Vừa đến nhà xe cơ quan, tôi đã thấy mấy chị em phụ nữ tụm lại xì xào. Chị Hòa hất hàm hỏi tôi: “Biết gì chưa em? Vợ chồng Lam - Trí ly hôn rồi đấy”. Tôi sững lại, ngạc nhiên: “Chị Lam phòng mình hả chị? Sao lại như thế được?”. Chị Hòa khẳng định chắc chắn: “Còn Lam nào vào đây nữa. Ở đời ai học được chữ ngờ...”, chị Hòa buông tiếng thở dài. Tôi vẫn tự thắc mắc không hiểu sao vợ chồng chị Lam lại có thể dắt nhau ra tòa được.
Ở cơ quan tôi, chị Lam nổi tiếng là người biết ăn mặc. Chị sành ăn ngon, mặc quần áo theo mốt, nhìn rất sang chảnh. Gần như mỗi ngày đến cơ quan chị đều diện một bộ cánh mới, hiếm khi chị mặc lại đúng bộ quần áo đã mặc rồi trong một tháng. Có bộ chị chỉ mặc một lần là bỏ nếu có ai chê không hợp hoặc đụng hàng. Quan điểm của chị là “hơn nhau tấm áo manh quần” nên dù có nhịn đói thì chị vẫn phải ăn mặc đẹp. Nhớ lại hồi tôi mới sinh bé thứ hai, chi phí mua bỉm sữa cho con bé, tiền học của con lớn và bao nhiêu khoản khác khiến tôi luôn đắn đo mỗi khi sắm đồ riêng cho mình. Tôi tính khi nào vóc dáng ổn định, con cái lớn thêm thì mới sắm nhiều quần áo. Nhìn tôi hằng ngày đến cơ quan với mấy bộ cánh đơn giản, chị Lam gọi tôi lại khuyên nhủ: “Này, chỗ chị em nên chị khuyên chân tình nhé! Đời chẳng được mấy tí, tội gì không hưởng thụ. Em cứ ăn mặc xuề xòa thế này trông vừa già vừa cũ, chị nhìn còn chán nữa là chồng em. Cẩn thận đấy, chồng em cũng đào hoa ra phết”. Tôi sầm mặt lại nhưng vẫn cố kìm chế, nhỏ nhẹ: “Em cảm ơn chị đã cho em lời khuyên. Nhà em chưa có điều kiện chị ạ! Nhất định khi có điều kiện như chị, em sẽ thay đổi phong cách ăn mặc cho trẻ trung”. Chị cười tự đắc: “Chị chỉ thích màu trắng, màu sáng thôi, ăn gian tuổi, vừa trẻ vừa sang, chị mặc thế này chồng chị phải lo giữ đấy. Khi nào em cần tư vấn cứ a lô cho chị nhé. Mặc đồ hiệu lên người khác ngay em ạ!”.
Sau cuộc nói chuyện với chị Lam lần ấy, tôi cũng giật mình, suy nghĩ. Tôi kể lại với chồng và hỏi anh xem tôi nên ăn mặc như thế nào cho đẹp, cho vừa mắt anh. Anh bật cười và bảo tôi: “Em không phải lo, cứ mặc giản dị, gọn gàng, thoải mái là được rồi, đừng bận tâm đến thiên hạ nói gì”. Nghe anh nói vậy, tôi cũng chưa an tâm. Tôi chăm chút hơn đến hình thức và chịu khó tập thể dục nên nhanh lấy lại vóc dáng. Tôi cứ nghĩ trước, nghĩ sau nên không dám ăn mặc sành điệu như chị Lam khuyên. Có lần, rủ tôi đi du lịch không được vì biết tôi xót tiền, chị gắt lên: “Em đúng là đồ nhà quê một cục. Thời đại nào rồi mà còn hy với sinh, phải sống cho mình chứ”. Mỗi tháng chị sắm thêm váy áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm và thường xuyên đi du lịch, đến những địa điểm nổi tiếng, chụp ảnh rồi khoe trên Facebook khiến mọi người thầm ghen tị. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, không đi đâu được, chị cuồng chân lắm. Thi thoảng tôi lại thấy chị than thở trên Facebook. Dịch bệnh vừa lắng xuống, chị đã đi du lịch, vi vu từ Sa Pa đến Đà Lạt. Chị tham gia nhiều hội nhóm, nào là nhóm từ thiện, nhóm “đi phượt”, nhóm “sống cho mình”... Chồng chị khuyên không được, gàn chẳng xong, thậm chí anh cấm cản nhưng chị vẫn xách va li ra đi. Chị vẫn nghĩ anh yêu chị, sợ mất chị nên anh ghen, anh giữ chặt chị ở nhà, chị phải đấu tranh, vùng lên để được sống tự do cho mình. Còn anh muốn chị chăm lo cho gia đình, để mắt đến con gái lớn đang học lớp cuối cấp, nấu cơm cho con bé ăn uống đàng hoàng nhưng chị không nghe. Anh chị chiến tranh lạnh nhiều ngày, đến khi anh phát hiện chị vay nợ rất nhiều để mua sắm và đi du lịch, lại còn cặp bồ với một gã trai trẻ trong nhóm phượt thì sức chịu đựng của anh đã đến giới hạn. Anh chủ động viết đơn ly dị...
Nhìn chị Lam thẫn thờ ngồi ở góc phòng làm việc, tôi chẳng biết nói gì để an ủi chị. Giá chị hiểu rằng, sống vì người khác cũng là một niềm hạnh phúc thì có lẽ mọi sự đã không đổ vỡ như thế.
TRẦN THỊ LÀNH