Sớm xử lý vi phạm hành lang đường 390 mới

07/07/2014 06:48

Mới đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014 nhưng trên đoạn đường dài khoảng 5,8 km qua huyện Thanh Hà đã có nhiều hộ dân vi phạm hành lang an toàn giao thông.


Đường tỉnh 390 mới (đường dẫn từ nút giao lập thể Ba Hàng đến đường tỉnh 390) được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, trên đoạn đường dài khoảng 5,8 km qua địa phận huyện Thanh Hà có tới 25 hộ dân vi phạm hành lang an toàn đường bộ, trong đó Quyết Thắng có 23 hộ, xã Tân An có 2 hộ.

Đấu nối trái phép

Trước kia, 3 anh em ông Bùi Văn Cỏn, Bùi Xuân An và Bùi Văn Bộ (ở thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng) ở cùng một khu đất do ông cha để lại. Để đi ra trung tâm xã, các gia đình phải đi theo con đường xóm ngoằn ngoèo gần 1 km. Đường 390 mới đi qua đã chia khu đất của 3 gia đình làm 2 phần. Đất nhà ông Cỏn ở phía phải tuyến, ông Bộ phía trái tuyến. Riêng ông An có đất ở cả hai bên đường. Để đi lại thuận tiện, 3 anh em ông Cỏn đã đổ đất vào phần tiếp giáp giữa đường và phần đất của gia đình, sau đó mở lối đi đấu nối với đường 390 mới. Ông An cho biết: "Chúng tôi không hiểu biết pháp luật nên khi đường làm xong, gia đình mở lối đi lên đường mới cho thuận tiện. Phía bên kia đường, nhà tôi còn hơn 100 m2. Nhà nước không cho chúng tôi đấu nối vào đường mới, do đó để đi sang mảnh đất bên kia hoặc sang nhà anh em chơi phải theo con đường cũ thì rất bất tiện".

Không những đấu nối trái phép, nhiều hộ dân 2 bên đường 390 mới còn tự ý san lấp phần đất đã đền bù giải phóng mặt bằng và đất hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) để trồng cây ngắn ngày. Một số hộ còn đổ bê-tông làm mặt bằng để kinh doanh, xây tường bao, cột cổng.

Theo quy định của UBND tỉnh, các hộ dân phía trái tuyến đường còn lối đi cũ thì không được đấu nối với đường 390 mới mà phải đi như trước. Những hộ ở phía phải tuyến, lối đi cũ bị thu hồi để làm đường thì được mở lối đi tạm rộng tối đa 2 m đấu nối với đường 390 mới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân đều ý thức được việc tự ý đấu nối lên đường 390 mới rất nguy hiểm vì con đường này đã trở thành tuyến huyết mạch của huyện Thanh Hà, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Tuy nhiên, người dân cũng cho rằng, quy định chưa thật sự phù hợp bởi Nhà nước đầu tư làm đường thì người dân phải được hưởng lợi từ chính con đường mang lại. Do đó, người dân mong muốn tỉnh, huyện sớm đầu tư xây dựng đường gom để họ đi lại được thuận tiện hơn. Nhiều người còn cho rằng, quy định lối đi tạm 2 m là quá hẹp đối với những gia đình có ô-tô.

Xây dựng trái phép trên đất chuyển đổi

Trong số 25 hộ vi phạm HLATĐB trên địa bàn huyện Thanh Hà, có 5 hộ xây dựng công trình trái phép trên đất chuyển đổi, tất cả đều ở xã Quyết Thắng.



Gia đình ông Thái xây tường bao, cổng, nhà trên đất chuyển đổi, tự ý đấu nối vào đường 390 mới để bán bia

Gia đình ông Nguyễn Văn Thái (xóm Ái Quốc) có hơn 1.000 m2 đất chuyển đổi trồng cây lâu năm tại tờ bản đồ số P4, thửa số 19. Gia đình ông Thái còn 630 m2. Sau khi đường 390 mới làm xong, gia đình ông Thái tự ý xây nhà bán kiên cố rộng hơn 39 m2, móng xây bằng gạch cao 0,8 m, tường khung thép cao 1,7 m, mái lợp lá cọ. Ngoài ra, ông Thái còn làm đường bê-tông dài 25,5 m, rộng 3,5 m từ nhà ở của gia đình phía trong mảnh đất đấu nối với đường 390 mới; xây tường bao kiên cố trên đất HLATĐB. Toàn bộ công trình ông Thái xây để phục vụ việc kinh doanh.

Làm việc với chúng tôi, ông Thái cho rằng, đất của gia đình ông được Nhà nước giao thời hạn 50 năm nên ông làm vào việc gì miễn mang lại hiệu quả kinh tế. Từ ngày con đường làm xong, vườn nhà ông không có chỗ tiêu thoát nước nên cây cối bị chết. "Chính quyền không muốn người dân phát triển kinh tế nên mới cấm. Họ chỉ muốn chúng tôi để vườn bỏ cỏ như thế này", ông Thái vừa nói vừa chỉ tay về phía mảnh đất của gia đình bỏ hoang ngay bên cạnh công trình vừa xây.

Việc ông Thái tự ý xây nhà và các công trình trên đất chuyển đổi là vi phạm Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi) về mục đích sử dụng và vi phạm  Quyết định 1654/2007/QĐ-UBND ngày 3-5-2007 của UBND tỉnh. Quyết định 1654 quy định, người dân chỉ được xây dựng nhà trông coi không quá 20 m2 trên đất chuyển đổi khi diện tích vùng chuyển đổi phải từ 1.000 m2 trở lên. Đối chiếu với quy định này, diện tích đất chuyển đổi của ông Thái không đủ điều kiện xây nhà trông coi. Ông Thái còn xây nhà rộng gần gấp đôi quy định. Đặc biệt, ngôi nhà này, ông Thái sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Tương tự như vậy, các gia đình còn lại đều lợi dụng diện tích đất chuyển đổi phía giáp đường 390 mới để mở quán bán hàng, xây tường bao. Ông Trần Văn Tuynh (thôn Đông Lĩnh) tự ý làm sân bê-tông rộng 93 m2 trên diện tích đất chuyển đổi, lợp bán mái tôn từ nhà ở ra sân để kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hữu (thôn Dương Xuân) tự ý làm sân bê-tông rộng hơn 75 m2 trên đất chuyển đổi làm quán bán hàng. Bà Đào Thị Tính (xóm Tiền Phong) xây tường bao kiên cố cao 2 m, dài 50 m trên đất chuyển đổi. Ông Nguyễn Văn Ngọc (xóm Tân Tiến) làm lối đi bê-tông trên đất chuyển đổi diện tích gần 44 m2.



Gia đình bà Tính xây tường bao trên đất chuyển đổi, vi phạm hành lang an toàn giao thông

Kiên quyết tháo dỡ

Ngày 17-4-2014, UBND tỉnh có công văn số 599/UBND-VP yêu cầu UBND huyện Thanh Hà giải quyết dứt điểm việc một số hộ dân tự ý san lấp, xây dựng công trình trong HLATĐB; tự ý mở lối đi trái phép vào đường 390 mới; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất chuyển đổi. Các hộ vi phạm phải tự tháo dỡ, hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng. UBND tỉnh cũng quy định, các hộ có đất ở hợp pháp nằm trong HLATĐB mà chưa có nhà ở hoặc nhà không đủ diện tích để ở, nhà cũ xuống cấp được phép xây dựng nhà tạm để ở, không được sử dụng để kinh doanh, không được đấu nối với đường 390 mới. Đối với diện tích đất nông nghiệp, đất chuyển đổi giáp đường 390 mới, không có lối vào, UBND huyện Thanh Hà đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép mở lối nhỏ từ đường 390 mới xuống để canh tác.

Ông Lê Vở, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã Quyết Thắng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ những công trình vi phạm. Đến thời điểm này, hầu hết các hộ đã tự tháo dỡ nhưng chưa hộ nào làm triệt để. Riêng hộ ông Nguyễn Văn Thái vẫn cố tình không tháo dỡ. "Những hộ chây ỳ, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật", ông Vở nói. Theo ông Vở, để ngăn ngừa việc tái lấn chiếm HLATĐB trên đường 390 mới, ngành giao thông vận tải cần dựng dải phân cách cứng tại những điểm này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan hành lang an toàn giao thông đường 390 mới và đất chuyển đổi ở Thanh Hà, ngoài việc thiếu hiểu biết pháp luật của người dân còn có nguyên nhân từ sự thiếu sâu sát của chính quyền xã. "Chúng tôi xây dựng công trình trong nhiều ngày mà không thấy xã nhắc nhở. Tôi mà biết làm thế này là vi phạm pháp luật thì chẳng tội gì phải làm cho khổ", ông Trần Văn Tuynh nói.

PHƯƠNG LINH

(0) Bình luận
Sớm xử lý vi phạm hành lang đường 390 mới