Sớm xử lý vi phạm bờ kênh Bắc Hưng Hải ở Vĩnh Tuy

24/09/2016 06:04

Đssược ký hợp đồng cho thuê đất, nhiều hộ dân ở thôn Vĩnh Lại tự ý xây dựng nhà ở, mở các điểm kinh doanh dịch vụ nước giải khát, nhà trọ, thậm chí xây dựng cả xưởng sản xuất…



Nhiều nhà kiên cố, điểm kinh doanh dịch vụ mọc lên trái phép tại bờ hữu kênh Kim Sơn, xã Vĩnh Tuy (Bình Giang)

Sau khi được UBND xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) ký hợp đồng cho thuê đất, nhiều hộ dân ở thôn Vĩnh Lại đã tự ý xây dựng nhà ở, mở các điểm kinh doanh dịch vụ nước giải khát, nhà trọ, thậm chí xây dựng cả xưởng sản xuất…vi phạm hành lang bảo vệ bờ kênh Bắc Hưng Hải. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa được.

Giao đất trái thẩm quyền

Đoạn bờ hữu kênh Kim Sơn chạy qua địa phận thôn Vĩnh Lại thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải) quản lý. Đoạn kênh này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của xã Vĩnh Tuy mà còn kết nối với sông Sặt thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một phần rất lớn của huyện Bình Giang. Từ năm 2005, UBND xã Vĩnh Tuy đã tự ý cho nhiều hộ dân trong xã thuê đất trong khu vực đoạn kênh này với thời hạn 20 năm để trồng cây và nuôi thủy sản. Các hợp đồng thuê đất đều có con dấu và chữ ký của chủ tịch UBND xã tại thời điểm đó. Sau khi được giao đất, một số hộ sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hộ khác đã tự ý xây dựng nhà ở, mở các điểm kinh doanh dịch vụ nước giải khát, nhà trọ, thậm chí xây dựng cả xưởng sản xuất móc quần áo, đồ gỗ… Không những vậy, một số hộ còn khoanh vùng, đổ đất, đóng cọc tre, chia lô và bán lại đất cho nhiều hộ khác. Đến nay, dọc kênh Kim Sơn có 14 hộ đã xây dựng nhà, mở xưởng sản xuất kiên cố và hàng chục hộ khác đã đổ đất, đóng cọc tre lấn chiếm trái phép bờ kênh.

 Ông Đặng Hùng Cường, chủ xưởng sản xuất móc quần áo xây dựng trái phép trong khu vực này cho biết: “Tôi đã mua lại lô đất rộng hơn 180 m2 ở đây với giá gần 400 triệu đồng để mở xưởng sản xuất từ năm 2015. Hằng năm, tôi vẫn đóng tiền đấu thầu đất đầy đủ cho UBND xã. Thế mà tôi vẫn bị lập biên bản và xử phạt hành chính dù tôi có hợp đồng thuê diện tích đất này với UBND xã. Nếu đây là khu vực vi phạm sao xã vẫn cho người dân thuê đất. Nếu sai, gia đình tôi sẵn sàng tháo dỡ xưởng nhưng chính quyền địa phương phải giải tỏa dứt điểm tất cả các hộ cùng vi phạm như gia đình tôi”.

Gia đình bà Phạm Thị Phương Nga có nhiều diện tích đất lấn chiếm trong khu vực bờ kênh Kim Sơn. Hiện tại, xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình bà Nga có hơn 10 công nhân đang làm việc. Ngay cạnh xưởng này, bà Nga còn thuê người xây tường bao khoanh vùng, đổ đất lấn chiếm hàng trăm mét vuông. Bà Nga lý giải, gia đình bà có hợp đồng thuê đất với UBND xã nên việc đổ đất xây tường bao chỉ làm chắc bờ kênh Kim Sơn thêm chứ không ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Giải thích về hợp đồng cho thuê đất, ông Vũ Văn Hệ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tuy khẳng định việc UBND xã lập và ký hợp đồng cho người dân thuê đất tại khu vực bờ hữu kênh Kim Sơn là sai, vì đây không phải là đất thuộc quyền quản lý của UBND xã. Việc ký hợp đồng này đã diễn ra từ thời Chủ tịch UBND xã các khóa trước. 2 năm trở lại đây, UBND xã không ký bất cứ hợp đồng cho thuê đất nào ở khu vực này. Hiện tại, UBND xã đã lập biên bản và phạt hành chính nhiều hộ. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm tình trạng này rất khó, vì đến nay nhiều hộ đã xây dựng nhà kiên cố, mở xưởng sản xuất nên việc giải tỏa vượt quá thẩm quyền của xã. Việc hủy bỏ tính pháp lý của các hợp đồng thuê đất giữa UBND xã với các hộ dân những năm trước không đơn giản. Phải có sự đồng ý của UBND huyện mới giải quyết được. Ông Hệ cũng đùn đẩy trách nhiệm cho Công ty Bắc Hưng Hải: “Ngay từ đầu, công ty đã phải phát hiện sớm và xử lý kiên quyết chứ không phải để người dân xây nhà, mở xưởng rồi mới xử lý thì sẽ rất khó cho địa phương”.

Cần kiên quyết xử lý

Về trách nhiệm quản lý, ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải cho rằng công ty đã làm hết trách nhiệm của mình. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện vi phạm đã lập biên bản và nhiều lần gửi kiến nghị đến UBND huyện Bình Giang, thậm chí cả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh để phối hợp xử lý nhưng đến nay việc vi phạm không những không giảm đi mà còn phát sinh nhiều điểm mới", ông Tuấn cho biết. Cũng theo ông Tuấn, đoạn kênh Kim Sơn thuộc quản lý của công ty nhưng việc giải tỏa vi phạm phải có sự đồng ý của UBND huyện Bình Giang.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Đáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang thừa nhận việc phối hợp giữa UBND huyện với Công ty Bắc Hưng Hải và UBND xã Vĩnh Tuy chưa tốt. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tổ chức họp, bàn các phương án xử lý tình trạng vi phạm này. Trước mắt, UBND huyện sẽ có công văn yêu cầu UBND xã Vĩnh Tuy khảo sát, thống kê lại tất cả các trường hợp vi phạm, đánh giá mức độ vi phạm. Đối với những hộ vi phạm lần đầu sẽ xử phạt hành chính và yêu cầu tự tháo dỡ. Đối với những hộ đã nhiều lần bị phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm sẽ kiên quyết giải tỏa.

Về kiến nghị xóa bỏ tính pháp lý của hợp đồng giữa UBND xã Vĩnh Tuy với các hộ dân thuê đất, ông Đáng cho biết: “UBND xã lập hợp đồng sai thì sẽ phải sửa sai bằng cách lập bản thanh lý và thu hồi lại hợp đồng. Việc này, UBND xã hoàn toàn tự giải quyết được”.

Việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ bờ kênh Bắc Hưng Hải tại xã Vĩnh Tuy có kết quả hay không phụ thuộc vào sự quyết liệt của UBND huyện Bình Giang, UBND xã Vĩnh Tuy và sự phối hợp giải quyết giữa các bên liên quan.

MAI LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm xử lý vi phạm bờ kênh Bắc Hưng Hải ở Vĩnh Tuy