Sớm ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước

31/08/2017 08:02

So với nhiều tỉnh, thành phố khác, việc ứng dụng chữ ký số (CKS) ở tỉnh ta còn chậm do chưa được triển khai đồng bộ.



Chữ ký số thay thế chữ ký bằng giấy sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc
hiện đại, minh bạch trong cải cách hành chính

Hiệu quả trước mắt

CKS hay còn gọi là chứng thư số là chữ ký điện tử sử dụng công nghệ mã khóa công khai (RSA) để bảo đảm tính xác thực và cơ chế bảo mật cơ sở dữ liệu đối với văn bản và các giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Năm 2008, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp dịch vụ này cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đến nay, tại nhiều cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã triển khai có hiệu quả CKS.

Việc ứng dụng CKS góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch trong cải cách hành chính và phát triển chính quyền điện tử. Nếu ứng dụng CKS hiệu quả trong công đoạn tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại hệ thống “một cửa” điện tử sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) với cơ quan nhà nước. Vì tất cả các công đoạn đều được công khai nên hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp, từ đó có thể tránh sự hách dịch, cửa quyền hay các chi phí ngầm có thể phát sinh khi thực hiện các TTHC.

Ở tỉnh ta, nhiều cơ quan nhà nước đã cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 2 và 3, một số cơ quan ở mức độ 4. Nhiều cơ quan đã tích cực sử dụng các văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Để CKS được sử dụng rộng rãi, ngày 18.5.2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1316/KH-UBND triển khai sử dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước; đồng thời ủy quyền cho Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) quản lý thuê bao sử dụng dịch vụ CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội.

Còn những rào cản

Việc triển khai sử dụng dịch vụ chứng thực CKS còn gặp một số trở ngại. Nguyên nhân do nhiều cán bộ nhà nước, người dân chưa coi trọng và thực sự tin tưởng tính pháp lý của CKS. Ông Vũ Mạnh Tú, Tổ trưởng bộ phận "một cửa" điện tử của TP Hải Dương cho biết: “Mặc dù các văn bản điện tử đã được Chính phủ công nhận có giá trị pháp lý tương đương như văn bản giấy khi phát hành nhưng trên thực tế đa phần người sử dụng thích dùng văn bản có chữ ký “tươi” hơn. Vì thế, nhiều công văn dù đã gửi văn bản điện tử nhưng vẫn phải in văn bản giấy để đóng dấu đỏ”. 

Trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở nhiều cơ quan chưa đồng đều, nhiều nơi còn thiếu và yếu nên ít sử dụng các văn bản điện tử. Thủ trưởng nhiều cơ quan, đơn vị cũng chưa thực sự quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có CKS trong thực hiện các TTHC.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện để triển khai CKS. Các phần mềm liên quan việc quản lý văn bản, “một cửa” điện tử chưa liên thông giữa các cơ quan với nhau. Tỉnh ta chưa xây dựng được phần mềm điện tử dùng chung cho các cơ quan nhà nước nên CKS chưa được tích hợp để có thể sử dụng rộng rãi và liên thông.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở TTTT cho biết: “Việc xây dựng một phần mềm dùng chung không quá khó. Phần mềm do Sở TTTT xây dựng hoàn toàn có thể phát triển để trở thành phần mềm dùng chung nhưng phải có lộ trình. Nếu được tỉnh chấp thuận, việc xây dựng một phần mềm dùng chung và tích hợp CKS lên phần mềm này hoàn toàn có thể thực hiện và triển khai được tại các cơ quan nhà nước trong quý IV.2018 theo đúng kế hoạch đã đề ra”.

Hiện tại, Sở TTTT đã rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng và sẽ cấp thí điểm gần 100 chứng thư số cho đại diện một số sở, ngành, UBND cấp huyện. Thời gian tới, sở sẽ tổ chức các hội nghị giới thiệu về CKS, ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu sử dụng CKS; trong quý I và quý II.2018 sẽ cấp miễn phí chứng thư số cho các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Cuối năm 2018, Sở TTTT sẽ xây dựng và hoàn thiện “Quy chế quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh”.

MAI LINH


 Ngoài dịch vụ CKS do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, hiện tại có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ này như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm SCT; Công ty An ninh mạng Bkav; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)... Các tổ chức, cá nhân nếu muốn có CKS các đơn vị này có thể cung cấp trong ngày với chi phí khoảng từ vài trăm nghìn đồng, tùy vào mục đích và thời hạn sử dụng CKS đó.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước